Cây đuôi công không chỉ được sử dụng như cây cảnh trang trí nội thất mà chúng còn ứng dụng nhiều trong quá trình thanh lọc không khí, hấp thụ các tia bức xạ từ thiết bị điện tử, đồng thời giúp tinh thần người sở hữu luôn được sảng khoái, lạc quan.
1. Đặc điểm của cây đuôi công
Mang danh pháp khoa học là Calathea makoyana, cây đuôi công thuộc họ thực vật Marantaceae xuất xứ từ Nam Mỹ nhiệt đới. Đuôi công có dáng thế giống dạng cây dong riềng, là giống cây thân thảo, sống quanh năm. Chiều cao trung bình của cây rơi vào khoảng 25 - 70cm.
Lá cây đuôi công mọc trên cuống ngắn, cứng, khỏe và xanh đều. Điều khiến nhiều người ưa thích loại cây này là nhờ lá hình bầu dục tròn, hơi nhọn ở hai đầu và có vân rất độc đáo. Mặt dưới lá mang màu đỏ tía trong khi mặt trên lại được phủ bởi màu xanh lục xen kẽ với màu trắng của những vết vằn. Nhờ thế mà trông lá thêm sinh động và mềm mại hơn, trông chẳng khác gì những chú công đang say sưa vũ điệu rừng cây của mình.
Đặc biệt, đuôi công cũng có hoa. Hoa của cây đuôi công nhỏ nhỏ xinh xinh, có màu trắng mịn màng, thường được kết thành chùm. Khi chưa nở, hoa e lệ chúm chím, đến khi mãn khai, cánh hoa lại bung nở rất đẹp.
Dựa theo màu sắc mà người ta chia cây đuôi công ra làm nhiều loại như: cây đuôi công xanh, cây đuôi công tím, cây đuôi công tím sọc,...
2. Tác dụng của cây đuôi công
Cũng như bao loại cây cảnh khác, cây đuôi công đóng vai trò quan trọng và là bảo bối thiết yếu mà gia đình nào cũng cần có nếu muốn sống khỏe và sống lạc quan hơn.
Trước hết, cây đuôi công là một trong những mẫu cây cảnh trang trí đem lại tính thẩm mỹ cao. Chính vì thế, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cây ở văn phòng, nhà ở hay công ty sang trọng,...
Ngoài ra, cây cũng có khả năng thanh lọc không khí cực đỉnh, đem lại cho người sở hữu một không gian sống trong lành và tươi mát. Ưu điểm của cây đuôi công còn là ở khả năng hút khí độc trong không khí, đồng thời ngăn chặn những tác động gây ra dị ứng.
Việc đặt một chậu cây đuôi công trên bàn làm việc, gần các thiết bị điện tử cũng giúp cây hấp thụ và làm giảm lượng tia bức xạ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người.
Chưa hết đâu, cây đuôi công còn giúp bạn giảm tỏa căng thẳng và tạo nguồn cảm hứng tích cực cho công việc cũng như cuộc sống của bạn nữa đấy.
3. Ý nghĩa cây đuôi công
Theo phong thủy, cây đuôi công biểu tượng cho sự tròn đấy, thịnh vượng, là cây hút tài lộc vào nhà. Do đó, cây rất được ưa thích làm quà tặng bạn bè, người thân và đối tác trong những dịp tân gia, khai trường.
4. Cây đuôi công hợp mệnh gì?
Cây đuôi công đa dạng về chủng loại nên chúng phù hợp với rất nhiều người với nhiều mệnh khác nhau. Điển hình như cây đuôi công với màu xanh mướt, mát mắt, cây này rất hợp với mệnh Mộc.
Người mệnh Mộc sở hữu cây này sẽ áp chế được tính nóng, giúp tinh thần thoải mái và vui vẻ hơn. Nếu bạn là người mang mệnh Hỏa hay mang mệnh Kim thì đuôi công tím là gợi ý cây cảnh phong thủy phù hợp nhất cho bạn.
5. Cách chăm sóc cây đuôi công
– Ánh sáng: Vốn là giống cây cảnh nội thất nên đuôi công không sống được nơi ánh sáng gay gắt chiếu trực tiếp, ưa ánh sáng khuếch tán 60 - 70%.
Nếu ánh sáng quá mạnh, lâu dài khiến cây bị cháy lá, thối rễ rồi chết. Do đó, hãy đặt cây ở cửa sổ hướng Đông, Bắc là tốt nhất.
– Nhiệt độ: 18-28 độ C là khoảng nhiệt độ lý tưởng cho cây phát triển khỏe mạnh bởi cây đuôi công là giống cây ưa mát.
– Độ ẩm: Điều chỉnh độ ẩm từ 60% trở lên.
– Đất trồng: Cây đuôi công trồng chậu cần đất tơi xốp, tránh úng, nhiều mùn, giàu dinh dưỡng.
– Tưới nước: Cây đuôi công nhạy cảm với chất khử trùng nên khi tưới nước, lưu ý rằng: Tránh dùng vòi tưới trực tiếp, không hề tốt cho cây.
Nhu cầu nước của cây nhiều nhưng sợ úng vì thế cần tưới vừa phải. Tùy điều kiện thời tiết quan sát thấy đất trên mặt chậu se khô thì tiến hành tưới.
– Bón phân: Đuôi công cũng rất thích phân đạm. Nên thường xuyên bón phân đa vi lượng cho cây kết hợp thêm ít phân đạm 3 tháng 1 lần bằng cách hòa nước tưới vào gốc hoặc tăng nồng độ đạm trong phân khi tưới định kỳ.