Trận lũ hôm cuối tháng 10/2023 tại các tỉnh miền Trung đã phơi bày tất cả sự nhếch nhác ở các bãi biển, nhất là những bãi gần các cửa sông. Một lượng rác khổng lồ giăng kín hết các bãi cát - vốn là nơi thu hút đông đảo du khách trong những ngày hè về đây tắm biển, nghỉ dưỡng.
Ngoài các loại cây gỗ mục thường thấy được nước lũ mang từ thượng nguồn về, loại rác phổ biến ở các bãi biển hiện nay là chai nhựa và túi ni lông, phần thì nổi bập bềnh dưới nước, phần nằm hẳn trên bờ cát sau khi thủy triều rút xuống.
Ngư dân ở các làng chài ven cửa biển Sa Cần, Sa Kỳ của Quảng Ngãi, các cửa sông từ Hà Tĩnh, Quảng Bình cho đến Quảng Nam… không thể nào chịu nổi với mùi hôi thối từ những bãi rác khổng lồ vây kín các ngôi làng của họ.
Các loại củi mục thì còn vớt lên phơi khô rồi đun nấu chứ túi ni lông, chai nhựa nằm lẫn với xác động vật trương sình thì người dân chỉ biết gồng mình chịu trận mà thôi!
Mới hồi tháng 10/2022, nhiều du khách ở Mũi Né (Phan Thiết) đã phải đóng kín cửa phòng ở những khách sạn sát mép biển cho đến hết kỳ nghỉ vì không tài nào chịu nổi với mùi hôi thối nồng nặc xộc lên từ những đống rác nổi lềnh phềnh ngay trước khách sạn họ đang lưu trú sau một trận lũ trước đó. Nhiều người vì lỡ đặt phòng, không thể hủy được nên đành ngậm ngùi thúc thủ trong phòng.
Không thể đổ lỗi cho trời gây cảnh lũ lụt khiến người dân ở các làng chài ven biển phải hứng rác thải mà lỗi ở đây chính là từ ý thức của con người. Nước lũ chẳng qua chỉ làm “phương tiện vận chuyển gom rác về một chỗ”.
Vùng nông thôn hẻo lánh - những nơi chưa có xe chở rác thu gom, người dân vất rác bừa bãi đã đành, ngay cả những khu dân cư nằm trong đô thị hẳn hoi, người dân vẫn vất rác ra đường chứ không chịu bỏ vào thùng rác được công ty vệ sinh đặt khắp nơi.
Ở cửa biển Sa Cần thuộc vùng Dung Quất (Quảng Ngãi) - nơi mà rác thải nhựa lưu cữu hàng mét ngay dưới bãi cát đã được một nhóm thiện nguyện có tên “Tử tế với Sa Cần” dọn dẹp mấy năm nay rất sạch sẽ. Thế nhưng khi nhóm này hết “hoạt động” tại đây, rác thải nhựa đã trở lại như cũ sau một trận lũ.
Bờ biển An Vĩnh thuộc xã Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi), trong năm 2022, chính quyền địa phương đã “ra quân” 7 lần để dọn 20 tấn rác nhưng chỉ cần qua một trận lũ vừa rồi, rác lại ngập cửa biển như chưa hề được dọn!
Điều đáng lưu ý là, ngoài số rác được nước lũ mang từ thượng nguồn về, số rác do chính người dân ở các bãi biển thải ra cũng không phải là ít. Không một tổ chức nào có thể dọn sạch rác được nếu như bản thân mỗi người không tự ý thức được về tác hại của rác thải nhựa. Không có một loài tôm cá nào có thể “làm nhà xây tổ” ngay trên bãi rác thải nhựa do con người thải ra.
Cứ sau mỗi trận lũ, rác thải nhựa lại cấp tập dồn về các cửa sông và bãi biển. Chính quyền địa phương ở những nơi này vô cùng “mỏi mệt” với việc phát động toàn dân dọn rác. Vì chỉ cần dọn sạch bãi biển hôm trước, hôm sau rác lại theo nước tuồn về nếu như có một trận lũ kế tiếp.
Đừng mơ đến việc thu hút du khách đến các bãi biển nếu như trong não trạng của mỗi người vẫn chứa đầy rác do thiếu ý thức như thế.