4 năm mà có đến hàng trăm bức sơn mài được hoàn thành. Thời gian ngắn ngủi vậy thì sao có thể tỉ mỉ được? Nhưng đó lại là sự thật của một nghệ sĩ muốn biến giấc mơ thành hiện thực.
Ý tứ bày tranh
Trong cả hai thế giới nghệ thuật: Kiến trúc và hội hoạ - tên tuổi Nguyễn Hoài Hương gắn liền với các giá trị mang biểu tượng truyền thống. Nhiều người biết tới Hoài Hương từ những căn nhà đầy phong cách thuần Việt ở TPHCM, Huế… mà ông giữ vai trò kiến trúc sư trưởng.
Trong không gian của Nguyen Art Garden (Q.2 - TPHCM) mà ông là chủ nhân, được đan xen giữa kiến trúc và hội họa. Là người yêu nghệ thuật nên Hoài Hương dành riêng một “cõi” để trưng bày tranh, đây cũng là nơi ông chia sẻ niềm đam mê cùng bè bạn.
Nếu như ở Hà Nội, Việt Phủ Thành Chương là điển hình cho không gian kiến trúc Bắc Bộ, thì ở miền Nam không gian Nguyen Art Garden lại đại diện cho tính thuần Việt phong cách thiền của nhà vườn cố đô Huế.
Tên tuổi Hoài Hương đã được định danh từ các triển lãm nhóm từ cuối thập niên 1980. Đến nay, “bộ tứ” mỹ thuật TPHCM gồm: Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Hoài Hương và Đỗ Hoàng Tường vẫn miệt mài trên con đường sáng tạo mỹ thuật của riêng mình, thỉnh thoảng tham gia chung một triển lãm nhóm.
Trong bốn người, Nguyễn Thanh Bình trung thành và nhiệt huyết với những bức hoạ giá cao ngút trời, còn Nguyễn Trung Tín vừa dạy học vừa sáng tác, Đỗ Hoàng Tường vẫn vẽ với tất cả đam mê, còn Nguyễn Hoài Hương vừa làm thiết kế vừa vẽ. Ở họ có một điểm chung là dù bận rộn đến mấy thì ai cũng chuyên tâm và thăng hoa trong hội hoạ.
Mỗi người một phong cách, một lối đi riêng nhưng “bộ tứ” ấy như những đoá hoa đẹp một cách âm thầm trong khu vườn quá rộn rã tiếng chim. Không đao to búa lớn đại ngôn, họ chỉ nhận mình là những “thợ tô màu” với những giấc mơ riêng biệt. Và “Giấc mơ” của Hoài Hương không đơn thuần là cuộc bày biện các tác phẩm gần nhau, mà là một tổng thể thiết kế mang tính nội thất.
Với khoảng 40 năm trong nghề kiến trúc, Nguyễn Hoài Hương có tư duy tổng thể và tổng hòa, nên khi bày biện một tác phẩm, cũng là kết quả sau cùng của tư duy ấy. Ông hình dung không gian sẵn có của bảo tàng như một căn nhà trống, để từ đó đưa tác phẩm, ánh sáng, thảm sàn, chấn phong, màu sắc vào theo một thiết kế sắp đặt, nhằm mang lại cảm giác đời sống thường nhật, gần gũi.
Muốn khách thưởng ngoạn tranh như đang sống trong không gian gia đình. Vì vậy không gian bài trí của triển lãm “Giấc mơ” là một điểm nhấn khác biệt, chỉ có xem trực tiếp mới cảm nhận hết được, mọi sự mô tả gián tiếp sẽ khó thể hiện.
Thủ đắc nghệ thuật
Chuyển mình từ lối vẽ sơn dầu sang sơn mài, rồi áp dụng nghệ thuật bài trí sắp đặt, nhưng quan trọng “Giấc mơ” vừa là kế thừa những gì mà Nguyễn Hoài Hương đã theo đuổi suốt mấy chục năm qua, vừa là bước chuyển mới. Ở đây cũng là các hình ảnh Bắc Bộ, không khí Huế và không gian kiến trúc Việt quen thuộc, nhưng đã được tinh lược thành các biểu tượng.
Đôi khi chỉ là một bông hoa, một cây bằng lăng, hoặc chỉ vài mảng màu, gam màu đã đủ diễn đạt một vùng quê, một nếp nhà, một cảm nghĩ. Đặc biệt, đến với sơn mài trừu tượng, Nguyễn Hoài Hương càng phát huy được cái nhìn gián tiếp và tinh thần u mặc mà bản thân đã thủ đắc, chiêm nghiệm từ lâu.
“Không chỉ bề thế về quy mô, đa dạng về vật liệu, chất liệu, mà “Giấc mơ” còn đánh dấu bước chuyển mới với sơn mài. Trong các vật liệu đã dùng để sáng tác, sơn mài mới đến với Hoài Hương tròn 4 năm nay nhưng lại là chất liệu hợp “cạ” hơn cả”, nhà phê bình Lý Đợi đánh giá.
Cũng theo ông Lý Đợi, cá tính và công việc lâu nay của Nguyễn Hoài Hương gần gũi với sự tỉ mỉ, nặng tính thiết kế, trang trí. Sơn mài dung chứa những điều này một cách tự nhiên, nên phát huy được nhiều sở trường và cảm hứng của nghệ sĩ. Hơn nữa, sơn mài cũng giống như cuộc đời, luôn ẩn tàng những bí mật và bất ngờ, chỉ sau khi mài thì mới lộ diện ra. Sự lộ diện này thường nằm ngoài các tiên liệu hoặc dự phóng của tác giả. Vì vậy mà tính sáng tạo, chất nghệ thuật nhiều hơn tính thợ, chất nghề.
Trong 4 năm ngắn ngủi nhưng hoạ sĩ Hoài Hương có đến hàng trăm bức tranh sơn mài, đó là thành quả của phương pháp làm việc khoa học. Nhiều người cho rằng, nếu một mình hoạ sĩ thì không thể hoàn thành được từng ấy hoạ phẩm trong thời gian 4 năm. Tuy nhiên, hoạ sĩ Hoài Hương nói rằng, ông có đội ngũ phụ việc lành nghề và chăm chỉ nên khi đến với sơn mài cảm thấy tương đối nhẹ nhàng.
Với tốc độ sáng tạo như hiện nay, giới mỹ thuật dự đoán chỉ trong vòng 3 - 5 năm tới, Hoài Hương sẽ có thêm rất nhiều bộ tranh sơn mài bề thế. Xem những bức sơn mài khổ lớn mới thấy hết công phu, sự kết hợp tài tình giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Một vài bức sử dụng cả nghìn vỏ trứng, chỉ lấy chỏm trứng để cẩn ngược và mài.
Ngắm những bức tranh sơn mài của Hoài Hương thấy rõ những lộng lẫy, rực rỡ nhưng không phải cái vàng son mang tính cổ điển. Bảng màu tươi mới nhưng không thường thấy trong sơn mài truyền thống. Nhiều người nghi ngờ hoạ sĩ dùng sơn Nhật, tuy nhiên không phải vậy, bởi chỉ sơn ta mới cho thấy màu tím Huế trong vắt và mộng mơ.
“Giấc mơ” của Nguyễn Hoài Hương sẽ khai mạc vào chiều tối ngày 20/3, kéo dài đến hết 28/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM – số 97 Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, Q.1.