Tín dụng đen núp bóng
Có thể thấy, sức hấp dẫn của tín dụng tiêu dùng đã thu hút được không ít nhà đầu tư. Đặc biệt, các hình thức cho vay với lãi suất “cắt cổ” qua mạng nhưng “khoác áo” vay tiêu dùng đang bùng phát mạnh mẽ. Chỉ cần click chuột và gõ từ khóa “vay tiền” trên Google, ngay lập tức hàng triệu kết quả xuất hiện, trong đó có nhiều trang cho vay trực tuyến như: ATMonline, vaytieudung, vaytienbank, vaytiennong, SHA, doctordong… đều có những lời quảng cáo hấp dẫn “vay siêu nhanh”, “thủ tục đơn giản”…
Theo đó, chỉ cần gửi ảnh chứng minh nhân dân, hộ khẩu hay giấy phép lái xe qua mạng, ngay lập tức khách hàng được giải ngân. Anh Nông Thanh Tùng (phố Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội) người đã vay tiền online cho biết: Được một người bạn giới thiệu, tôi vào một trang web và thấy quảng cáo là vay nhanh với lãi suất chỉ từ 2 đến 20%/năm, song thực tế tôi phải thanh toán cao hơn mấy chục lần, sau khi họ cộng chi phí tư vấn, quản lý tiền vay. Chẳng hạn riêng chi phí quản lý tiền vay đã 2%/ngày, có nghĩa riêng khoản này một tháng người vay đã phải trả là 60%...
Điều đáng nói, tuy các tổ chức tín dụng này cho vay với lãi suất “cắt cổ” nhưng lại không hề phạm luật. Bởi theo Điều 468, Luật Dân sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định trần lãi suất tối đa không vượt quá 20% của khoản vay (kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận lãi suất). Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng lại cho phép lãi suất thỏa thuận (theo quy định trường hợp có luật chuyên ngành thì thực hiện theo luật chuyên ngành), nên các tổ chức tín dụng này hoàn toàn không hề phạm luật.
Theo phân tích của chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, ở Việt Nam tín dụng đen đang chiếm khoảng 35% thị trường tín dụng phi chính thức, ước tính vào khoảng hơn nửa triệu tỷ đồng. Con số này là rất lớn và đang gây ra không ít hệ lụy cho nền kinh tế. Thế nhưng, hành lang pháp lý lại chưa thực sự rõ ràng nên rất khó để kiểm soát và quản lý loại hình tín dụng này.
Cần biện pháp quản lý chặt chẽ
Lo lắng về hoạt động cho vay tiêu dùng đang có dấu hiệu biến tướng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn chấn chỉnh hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Công văn nêu rõ, các công ty tài chính phải tăng cường kiểm soát nội bộ, kiểm tra, giám sát hệ thống, nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật về cho vay tiêu dùng và đòi nợ…
Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia ngành ngân hàng, việc tăng cường nhắc nhở, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước là rất cần thiết, vì thời gian qua có không ít công ty không chỉ cho vay với lãi suất cao, mà còn sử dụng xã hội đen để siết nợ, liên kết với công ty cung ứng sản phẩm “lừa” người tiêu dùng ký vào hợp đồng vay vốn… gây không ít bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, những bất cập của thị trường cho vay tiêu dùng hiện nay, nhất là tín dụng đen núp bóng tín dụng tiêu dùng đều là những công ty, tổ chức phi chính thức, chứ không phải các công ty được cấp phép.
Bởi vậy, rất cần có biện pháp quản lý các hình thức cho vay biến tướng mới xuất hiện, thay vì “siết” công ty tài chính tiêu dùng. Mặt khác, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa ra các quy định chặt chẽ để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hình thức biến tướng, lợi dụng vay tiêu dùng để giăng bẫy tín dụng đen gây nên những phản ứng trong xã hội.