Công nghệ này đang làm dấy lên cuộc tranh cãi về tính bảo mật dữ liệu cá nhân.
Mối lo ngại về công nghệ nhận dạng khuôn mặt
Tại Quảng trường Cộng hòa, thành phố Belgrade, các camera dạng mái vòm treo tường lặng lẽ “ngắm nhìn” dòng người qua lại.
Từ năm 2019, Quảng trường Cộng hòa là một trong 800 địa điểm trong thành phố được chính phủ Serbia giám sát bằng camera trang bị phần mềm nhận diện khuôn mặt. Các thiết bị này được mua từ công ty điện tử Huawei, trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.
Danilo Krivokapić, người đứng đầu tổ chức nhân quyền SHARE Foundation, trụ sở tại Belgrade cho biết chính quyền thành phố đã không trưng cầu ý kiến của người dân về việc lắp đặt camera.
Đầu năm 2020, tổ chức đã khởi động chiến dịch “Hàng nghìn camera” nhằm đặt câu hỏi về tính hợp pháp, hiệu quả của việc lắp đặt camera và phản đối chương trình này.
Dự án của Belgrade làm dấy lên mối quan tâm trước sự gia tăng hệ thống thành phố thông minh. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy FRT giúp giảm số lượng tội phạm so với camera thông thường. Thay vào đó, Krivokapić lo ngại đây sẽ là công cụ để chính phủ kiểm soát người dân.
Krivokapić cho biết: “Có rất nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp như dữ liệu được lưu trữ ở Serbia hay Trung Quốc? Và liệu Huawei có quyền truy cập vào dữ liệu hay không?”.
Chính phủ Serbia khẳng định Huawei không thể truy cập hay lưu giữ dữ liệu. Nhưng Lee Tien, luật sư cấp cao làm việc tại bang San Francisco, Mỹ, cho biết, một trong những lý do chính khiến các công ty công nghệ lớn cung cấp công nghệ giám sát AI cho chính phủ các nước là bởi hy vọng thu thập lượng lớn dữ liệu nhằm cải thiện thuật toán của họ.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt (FRT) từ lâu đã được lắp đặt tại sân bay, trên điện thoại thông minh và là công cụ giúp cảnh sát xác minh tội phạm. Nhưng giờ đây, nó đang tiến xa hơn vào không gian công cộng lẫn riêng tư.
Từ Quito đến Nairobi, Moscow đến Detroit, hàng trăm thành phố đã lắp đặt camera được trang bị FRT. Phần mềm này hứa hẹn cung cấp dữ liệu nhằm xây dựng thành phố an toàn hoặc thành phố thông minh.
Xu hướng trên là tân tiến nhất tại Trung Quốc, quốc gia có hơn 100 thành phố đã mua hệ thống giám sát nhận dạng khuôn mặt vào năm 2019. Nhưng sự phản đối đang gia tăng tại nhiều quốc gia. Các nhà nghiên cứu, người ủng hộ quyền tự do cá nhân, học giả đang theo dõi việc sử dụng FRT, vạch trần tác hại của nó và vận động các biện pháp ngăn ngừa.
Steven Feldstein, nhà nghiên cứu chính sách tại Washington DC, cho biết đến năm 2019, 64 quốc gia sử dụng FRT, trong đó 56 quốc gia áp dụng nền tảng này để xây dựng thành phố thông minh. Nhiều quốc gia mua camera từ các công ty Trung Quốc qua các khoản vay từ ngân hàng Trung Quốc.
Chuyên nghiên cứu về quyền con người, vấn đề giám sát, trị an, Pete Fussey, nhà xã hội học làm việc tại Trường Đại học Essex, Anh, cho biết chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng các thành phố an toàn hay thông minh làm giảm tỷ lệ tội phạm. Những tuyên bố này được lợi dụng để quảng bá cho công nghệ giám sát mới thông qua nhận diện khuôn mặt.
Sự thúc đẩy của Covid-19
Vào tháng 3, Vladimir Bykovsky, cư dân sống tại Moscow, Nga mới trở về từ hàn Quốc, rời căn hộ để đi vứt rác. 30 phút sau, cảnh sát xuất hiện trước cửa nhà anh, thông báo Bykovsky đã vi phạm quy tắc cách ly. Anh sẽ bị phạt tiền và phải hầu tòa.
Khi được hỏi tại sao biết Bykovsky rời nhà, cảnh sát cho biết nhờ camera lắp đặt ngoài khu căn hộ của anh kết nối với hệ thống giám sát nhận dạng khuôn mặt hoạt động trên toàn Moscow.
Từ tháng 1/2020, Nga đã triển khai hệ thống giám sát tại thủ đô Moscow qua phần mềm của Công ty công nghệ NtechLab. Alexey Minin, cựu quản lý công ty cho biết vào thời điểm đó, đây là hệ thống nhận dạng khuôn mặt trực tiếp lớn nhất thế giới. Các báo cáo cho biết hệ thống đã phát hiện 200 người vi phạm lệnh cách ly trong vài tuần đầu khi Moscow bị phong tỏa do Covid-19.
Giống như Nga, chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đã sử dụng FRT để theo dõi việc thực hiện cách ly phòng dịch. Vào tháng 5, Giám đốc điều hành sân bay Heathrow, thủ đô London, Anh, cho biết sẽ thử nghiệm máy quét thân nhiệt gắn camera nhận dạng khuôn mặt để xác định các ca nghi nhiễm Covid-19.
Các nhà nghiên cứu lo ngại việc sử dụng FRT có thể kéo dài sau đại dịch. Điều này có thể ảnh hưởng tới quyền tự do xã hội.
Vấn đề về dữ liệu cá nhân
Một mối quan tâm khác, đặt biệt ở Mỹ, là danh sách theo dõi mà cảnh sát sử dụng để kiểm tra hình ảnh có thể rất lớn, bao gồm những người họ không biết. Đầu năm 2020, The New York Times tiết lộ Công ty phần mềm Clearview AI, trụ sở tại thành phố New York đã thu thập hàng tỷ hình ảnh từ các trang mạng xã hội, tổng hợp thành cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt.
Công ty đã cung cấp dịch vụ cho cảnh sát trong và ngoài nước Mỹ. Điều này chứng minh rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ngày càng dễ tiếp cận trên quy mô lớn và không quá khó để vận hành.
Clearview không phải là công ty duy nhất thu thập hình ảnh trực tuyến về khuôn mặt. PimEyes, công ty công nghệ tại Ba Lan, có trang web cho phép mọi người tìm kiếm hình ảnh trực tuyến. Công ty sở hữu 900 triệu hình ảnh, dù không lấy trực tiếp từ các trang mạng xã hội.
Hiện nay, dường như không thể ngăn cản bất cứ ai muốn xây dựng kho dữ liệu nhận dạng khuôn mặt từ ảnh đăng tải trên Internet. Vào tháng 7, các nhà khoa học tại Trường Đại học Chicago, Mỹ, đã giới thiệu phần mềm Fawkes, bổ sung chỉnh sửa không thể nhận thấy bằng mắt thường cho ảnh đăng tải trực tuyến. Từ đó, đánh lạc hướng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng các nền tảng chia sẻ ảnh hoặc mạng xã hội có thể bảo vệ người dùng bằng cách quét phần mềm Fawkes trước khi ảnh được tải lên Internet.
Tại Trung Quốc, nhiều người không hài lòng với việc sử dụng rộng rãi tính năng nhận dạng khuôn mặt. Cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 6.000 người vào tháng 12/2019 của Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ thông tin cá nhân Nandu cho thấy, 80% người được hỏi lo lắng về tính bảo mật lỏng lẻo của FRT. 83% muốn quản lý dữ liệu về khuôn mặt của họ, bao gồm việc xóa dữ liệu này khi cần thiết. Các bài báo đặt vấn đề từ phía báo chí khiến chính phủ Trung Quốc phải đưa ra các biện pháp chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ dữ liệu thông tin.
Tại châu Âu, cảnh sát có thể kiểm soát dữ liệu từ FRT cho mục đích sinh trắc học nếu cần thiết nhưng phải tuân theo biện pháp bảo vệ thích hợp. EU đang xem xét đưa ra quy tắc AI trong việc sử dụng vào mục đích sinh trắc học. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có nên giám sát hàng chục nghìn người bằng camera nhận diện khuôn mặt để kiểm soát tỷ lệ phạm tội hay không.