Tạp chí quân sự Jane’s đưa tin cho hay, hôm 12/7, Hải quân Trung Quốc đã chính thức đưa vào trang bị tàu do thám không gian Yuan Wang 7 sau một thời gian dài xây dựng tại nhà máy đóng tàu Giang Nam. Đây là cũng là tàu thứ 7 thuộc lớp tàu giám sát và theo dõi không gian Yuan Wang do Trung Quốc tự thiết kế và đóng mới.
Yuan Wang là lớp tàu giám sát không gian lớn nhất của Trung Quốc với chiều dài tới 220m và có lượng giãn nước lên đến 25.000 tấn. Trung Quốc đang vận hành 7 chiếc Yuan Wang trong đó tính luôn cả Yuan Wang 7, chiếc Yuan Wang đầu tiên được Bắc Kinh đưa vào trang bị từ năm 1977.
Các tàu Yuan Wang thường được Trung Quốc sử dụng để theo dõi và hổ trợ các đợt phóng vệ tinh quân sự lẫn dân sự của nước này, bên cạnh đó chúng còn tham gia vào các đợt thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc.
Biên đội tàu Yuan Wang của Hải quân Trung Quốc hoạt động ở nhiều khu vực vùng biển khác nhau trên thế giới như Yuan Wang 1 là ở Biển Hoàng Hải hay Yuan Wang 4 ở Ấn Độ Dương và vùng biển phía Tây Australia.
Dù được đặt tên giống nhau nhưng Yuan Wang 1 và Yuan Wang 2 có thiết kế khác so với các tàu Yuan Wang thế hệ mới hiện tại. Từ Yuan Wang 3 trở đi lớp tàu do thám này được trang bị cụm ba ăng-ten cỡ lớn có đường kính từ 10-12m có tầm hoạt động lên đến 4.500km.
Theo giới truyền thông Trung Quốc cho biết, sau khi được đưa vào trang bị, tàu Yuan Wang 7 sẽ tham gia vào chương trình nghiên cứu không gian của Trung Quốc cụ thể hơn là kế hoạch phóng tàu vũ trụ có người lái Thần Châu 11 vào cuối năm nay.
Được biết lần phóng tàu vũ trụ Thần Châu gần đây nhất Trung Quốc đã phải sử dụng tới bốn tàu Yuan Wang để theo dõi hoạt động của con tàu này.
Để vận hành một con tàu Yuan Wang thế hệ mới Trung Quốc cần tới thủy thủ đoàn hàng trăm người nhưng con số cụ thể luôn được giữ kín.
Toàn bộ hệ thống dây dẫn dữ liệu trên tàu Yuan Wang đều sử dụng cáp quang, còn hệ thống điện của nó hoàn toàn có thể cung cấp đủ năng lượng cho một thành phố có dân số lên tới 300.000 người.
Trong ảnh là tàu Yuan Wang 6 thuộc biên chế Cục theo dõi và giám sát vệ tinh Trung Quốc được đi vào hoạt động từ năm 2008.