Lính Mỹ khoe siêu cối tự ngắm bắn tại Syria

GD&TĐ -Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp Mỹ vừa đăng tải bức ảnh sử dụng súng cối thông minh XM905 trong hoạt động quân sự tại Syria.

Binh sĩ Mỹ sử dụng cối XM905 tại Syria.
Binh sĩ Mỹ sử dụng cối XM905 tại Syria.

Tờ War Zone cho biết, hình ảnh khẩu cối đặc biệt được đặc nhiệm Mỹ đăng tải trên trang Twitter chính thức của lực lượng này hôm 20/2 cho thấy, binh sĩ Mỹ đã sử dụng khẩu XM905 bắn đạn chiếu sáng 120mm. Nhưng không rõ đây là hoạt động chiến đấu hay chỉ là màn bắn đạn thật trong diễn tập.

Theo báo Mỹ, XM905 còn được biết đến với cái tên AMPS là Tổ hợp cối phòng thủ tiên tiến, vũ khí thông minh có thể giúp đặc nhiệm Mỹ tự bảo vệ trước nguy cơ bị tấn công từ các nhóm dân quân và lính đánh thuê.

XM905 là một trong những vũ khí hiện đại nhất trang bị cho đặc nhiệm Mỹ khi hoạt động tại Trung Đông, được phát triển bởi tập đoàn Mistral Mỹ và Elbit của Israel.

Cốt lõi của hệ thống này là tổ hợp cối XM905 cỡ nòng 120 mm, được đặt trên bệ xoay để binh sĩ có thể đổi hướng khai hỏa một cách nhanh chóng.

Điểm làm nên sự đặc biệt của XM905 so với các loại cối thông thường là chúng được trang bị cơ cấu hãm tương tự pháo truyền thống, giúp giảm giật và tăng độ chính xác khi bắn. Bệ cối được giữ ổn định bởi ba chân.

Hệ thống quay bệ cối chạy bằng điện, cho phép nòng cối xoay 180 độ chỉ trong 12 giây. Pháo thủ nạp tọa độ mục tiêu vào máy tính điều khiển hỏa lực, sau đó XM905 sẽ tự tính toán dữ liệu đường đạn và bắn.

Điểm đặc biệt tiếp theo của XM905 là chúng có thể duy trì độ chính xác rất cao ngay cả khi đặt trên bề mặt không bằng phẳng. XM905 đạt tầm bắn tối đa 8 km, được trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau như nổ mạnh (HE), khói và đạn chiếu sáng.

Giới chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của XM905 giúp lính đặc nhiệm Mỹ tại các căn cứ xa xôi có hỏa lực mạnh, đặc biệt trong trường hợp không kịp gọi không quân hoặc pháo binh yểm trợ.

Hiện những khẩu cối tối tân XM905 đang được đặc nhiệm Mỹ triển khai gần mỏ dầu al-Omar ở phía Đông Deir ez-Zor, Syria. Mỏ dầu này có sản lượng khai thác trước cuộc khủng hoảng năm 2011 khoảng 30.000 thùng dầu thô/ngày.

Al-Omar đã bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khai thác rất nhiều trong quá trình chiếm đóng khu vực từ năm 2014-2017 và hiện do lực lượng Mỹ và đồng minh Lực lượng Dân chủ Syria người Kurd nắm giữ.

Theo ước tính của Bộ Năng lượng Syria, đã có lượng dầu thô trị giá hàng trăm triệu USD được chuyển từ mỏ này qua Iraq. Việc Mỹ chiếm đóng vùng Đông Bắc Syria đã làm giảm đi 90% nguồn tài nguyên dầu khí của Damascus, tước đi nguồn vốn lớn để tái thiết đất nước.

Khác với cựu Tổng thống Donald Trump, người công khai thừa nhận các lực lượng Mỹ đóng quân ở Syria để giữ dầu và đã cân nhắc về việc rút quân vào cuối nhiệm kỳ của mình, chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định quân đội Mỹ ở Syria chỉ để ngăn chặn sự hồi sinh của tổ chức IS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.