Linh hoạt trong việc đánh giá học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Đối với học sinh dân tộc thiểu số, thầy cô giáo hỗ trợ các em nâng cao tính tự học, tự lập trong cuộc sống. Giáo viên không áp đặt, nhằm giúp các em tự tin và phát huy được hết năng lực, sở trường của bản thân.

Giáo viên Điểm trường Đăk Púk – Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên giảng dạy cho học sinh.
Giáo viên Điểm trường Đăk Púk – Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên giảng dạy cho học sinh.

Linh hoạt trong giảng dạy

Thầy Nguyễn Ngọc Huynh, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho biết, năm học 2021-2022 lớp 2 và lớp 6 thực hiện chương trình, SGK mới. Do đó, trước khi bước vào năm học, cán bộ, giáo viên của trường đã được bồi dưỡng và hoàn thành 3 mô đun thuộc Chương trình ETEP. Cụ thể, tìm hiểu Chương trình tổng thể GDPT 2018; Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Cũng theo thầy Huynh, chương trình mới chú trọng giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh nên các giáo viên linh hoạt thay đổi phương pháp giảng dạy. Điều này phù hợp với các em học sinh vùng khó khăn, đặc biệt là học sinh DTTS. Đặc biệt, giáo viên chú trọng, nâng cao tinh thần tự học của học sinh để giúp các em tự tin phát huy năng khiếu, sở trường của bản thân.

Trong năm học 2021-2022, cô Nguyễn Dương Quí, giáo viên Trường Tiểu học xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum tiếp nhận giảng dạy các em học sinh lớp 1.

Theo cô Quí, trước khi bước vào năm học, cô đã được tập huấn, bồi dưỡng các mô đun. Trong quá trình tập huấn, bồi dưỡng giáo viên được giải đáp nhiều thắc mắc. Bên cạnh đó, có thể trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm. Cô học được nhiều hình thức và phương pháp dạy học mới, phù hợp với học sinh vùng DTTS.

Cô Quí cho hay, học sinh của trường phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tiếp thu kiến thức của các em có phần chậm hơn so với vùng thuận lợi. Chính vì vậy, cô thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp để nâng cao năng lực, phẩm chất học sinh. Năm học 2021-2022, cô Quí cho biết, sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực để học sinh chủ động, sáng tạo. Đặc biệt, chú trọng phát huy sở trường, năng khiếu của từng học sinh.

“Các em học sinh nơi đây khá nhút nhát, tự ti. Chính vì vậy, trước khi vào năm học mới mình sẽ làm quen, tâm sự, chia sẻ để học sinh cởi mở, tự tin hơn trong giao tiếp. Bên cạnh đó, mình chú trọng trang trí lớp học với nhiều màu sắc, hình thù để giúp học sinh phấn khởi, thích thú khi đến lớp.

Ngoài ra, mình tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá để các em có thể “học mà chơi, chơi mà học”, như: tìm con vật, chữ cái…Qua đó, giúp các em tự tin, ghi nhớ kiến thức nhanh và sâu hơn. Đặc biệt, đối với học sinh vùng khó mình đặc biệt chú trọng đến việc phát huy năng khiếu của từng em. Qua đó, học sinh sẽ tự tin thể hiện bản thân và phát huy được năng lực, phẩm chất của mình”, cô Quí nói.

Nâng cao tinh thần tự học, tự lập cho học sinh DTTS

Các em học sinh Trường PTDT bán trú THCS Đăk Ring (huyện Kon Plông, Kon Tum) chủ động dọn dẹp chỗ ở bán trú.

Các em học sinh Trường PTDT bán trú THCS Đăk Ring (huyện Kon Plông, Kon Tum) chủ động dọn dẹp chỗ ở bán trú.

Thầy Hà Minh Tuệ, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên (xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, Kon Tum) cho biết, năm học 2021-2022 toàn trường có 254 học sinh theo học tại 6 điểm trường.

Theo thầy Tuệ, các em học sinh của trường đều là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tiếp thu kiến thức còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, nhà trường và giáo viên thường xuyên quan tâm, hỗ trợ để giúp các em học tập tốt hơn.

Thầy Tuệ cho hay, các em học sinh vùng dân tộc thiểu số hạn chế về việc tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, các em có tính tự lập cao, như: chủ động trong việc vệ sinh cá nhân và có một số kỹ năng sống cơ bản. Chính vì vậy, bên cạnh việc đánh giá về học tập, giáo viên nâng cao tính tự giác, tự chủ trong cuộc sống của học sinh. Qua đó, giúp các em có nền tảng và kiến thức cơ bản để bước vào bậc THCS.

Tương tự, thầy giáo A Triều, giáo viên điểm trường Đăk Púk – Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên (xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) cho biết, để học sinh phát huy được năng lực, phẩm chất, thầy hướng dẫn, giúp đỡ các em phát huy tính tự chủ, tự học và nâng cao tinh thần tự giác.

“Bên cạnh việc dạy kiến thức trên trường, lớp mình chú trọng cho các em phát triển kỹ năng của bản thân. Cụ thể, đan xen trong bài học hoặc hoạt động ngoại khoá mình hướng dẫn các em những kỹ năng sống cơ bản. Qua đó, giúp các em biết tự vệ sinh cá nhân, biết giúp đỡ bố mẹ, tự lập, kỹ năng bảo vệ bản thân khi ở khu vực nhiều đồi núi và sông suối… Mình muốn tạo cho các em những kỹ năng sống cơ bản, thói quen tốt trong cuộc sống”, thầy A Triều tâm sự.

Đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số, thầy A Triều cho biết, bản thân đánh giá học sinh thông qua quan sát trực quan trong mỗi tiết học. Bên cạnh đó, đánh giá học sinh thông qua hỏi - đáp giữa giáo viên – học sinh và học sinh – học sinh. Đồng thời, đánh giá phẩm chất, năng lực các em thông qua các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm và kỹ năng sống. Qua những hoạt động này, thầy A Triều mong muốn các em tự tin, tự giác hơn trong học tập cũng như cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.