Nội dung của lớp tập trung vào hai vấn đề chính: Phương pháp dạy các bài học đạo đức, Giáo dục công dân cùng phương pháp lồng ghép bài học này vào giảng dạy trong tất cả các môn ở trường học. Mỗi chủ đề sẽ có giáo án giảng dạy khác nhau và được phát triển, thay đổi theo dòng thời sự xã hội, cập nhật hằng ngày.
Sau mỗi buổi học, các thầy cô giáo chia sẻ cảm nhận, ý tưởng có thể vận dụng vào bộ môn mình phụ trách, sau đó thực hành bằng cách giảng lại hoặc giảng mới một vấn đề nào đó để cả lớp học cùng thảo luận, rút kinh nghiệm. Điểm độc đáo ở lớp học này không chỉ giáo viên dạy GDCD hay giáo viên tiểu học có dạy môn Đạo đức mới đi học, mà có cả giáo viên các bộ môn khác!
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nêu rõ mục tiêu tổng quát của GD-ĐT là giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Giáo dục đạo đức, vì thế, là một hoạt động quan trọng trong nhà trường, song song với giáo dục kiến thức.
Trong thời gian qua, các trường phổ thông trong cả nước đã đổi mới các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả giáo dục vẫn chưa như mong muốn, biểu hiện qua tình trạng còn một số học sinh vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật như bạo lực học đường, sử dụng trái phép chất ma túy, chất gây nghiện...
Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong phạm vi nhà trường, công tác bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực, phẩm chất, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên là khâu đột phá nhưng cũng là khâu khó khăn nhất. Thực tế hiện nay chỉ với một tiết học GDCD hay Đạo đức/tuần thì nhà trường khó có thể truyền tải hết các nội dung đạo đức cho học sinh. Tâm lí giáo viên và học sinh cho rằng, đây là môn phụ, không thi cử nhiều nên không chú tâm trong khi giáo dục nhân cách, đạo đức thì không thể ngày một ngày hai.
Phương pháp giảng dạy phần nhiều vẫn theo lề thói cũ, một chiều. Mô hình dạy đạo đức lồng ghép trong các môn học như Suối Nguồn giới thiệu, vì thế, nếu được thực hiện đúng phương pháp, được nhân rộng thì hiệu quả giáo dục sẽ nhân lên gấp bội. Một giáo viên được TS Nguyễn Đông Hải hướng dẫn dạy đạo đức tích hợp trong Vật lý cho biết, ông vỡ ra nhiều điều khi trong bài toán mạch điện ở lớp 11 có thể lồng ghép các bài học đạo đức như tính tập thể, nhu thuận, hiền hòa với mọi người.
Nếu mỗi giáo viên dạy môn khác đều có ý thức và phương pháp chọn ra những điểm liên hệ, tích hợp giáo dục đạo đức cho học sinh trong tiết dạy của mình, thì sẽ góp thêm que diêm nhỏ để thổi bùng lên ngọn lửa đẹp đẽ về tình yêu, lối sống cho học trò.