Linh hoạt triển khai Mô hình Trường học mới

GD&TĐ - Năm học 2016 - 2017, TP Cần Thơ có thêm nhiều trường tiểu học tự nguyện tham gia Mô hình Trường học mới (VNEN). Kết thúc năm học, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Qua đó chất lượng GD tiếp tục được duy trì, đặc biệt là GD tiểu học. Năm học 2016 - 2017, TP Cần Thơ có thêm nhiều trường tiểu học tự nguyện tham gia Mô hình Trường học mới (VNEN). Kết thúc năm học, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Qua đó chất lượng GD tiếp tục được duy trì, đặc biệt là GD tiểu học.

Linh hoạt triển khai Mô hình Trường học mới

Mở rộng quy mô Trường học mới

Năm học 2016 - 2017 là năm thứ 5 TP Cần Thơ triển khai Mô hình VNEN. Cách làm của thành phố có sự linh động trong nội dung dạy học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó là củng cố, bồi dưỡng, phát huy vai trò của tổ mạng lưới chuyên môn các cấp. Tập trung tăng cường công tác dự giờ, thăm lớp, kiểm tra, uốn nắn hoạt động dạy và học để hướng tới kết quả tốt nhất.

Với kế hoạch và lộ trình triển khai Mô hình VNEN được tính toán cụ thể, ngành GD-ĐT TP Cần Thơ từng bước cử đội ngũ tham dự đầy đủ lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT, nắm bắt quan điểm chỉ đạo kiến thức chuyên môn những vấn đề liên quan mô hình. Bên cạnh đó tiếp tục tổ chức tập huấn, theo dõi để chấn chỉnh kịp thời những chỉ tiêu triển khai chưa đạt kết quả cao, giúp các trường hoàn thành tốt chỉ tiêu.

Để giải quyết vấn đề cơ sở vật chất, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở GD&ĐT thành phố làm việc với lãnh đạo các quận, huyện và lập kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đạt chỉ tiêu 60%, tạo điều kiện để mô hình phát triển thuận lợi… Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Năm học 2016 - 2017, thành phố đã mở rộng thêm 45 trường nâng tổng số lên 121 trường thực hiện việc dạy học theo Mô hình VNEN trên tinh thần tự nguyện với 1.172 lớp, 39.909 HS. Trong đó khối 2 có 355 lớp với 11.824 HS; Khối 3 có 302 lớp với 10.096 HS; Khối 4 có 273 lớp với 9.524 HS và khối 5 có 242 lớp với 8.465 HS. So với năm học 2015 - 2016, tăng 666 lớp, 22.001 HS.

Bằng nhiều giải pháp triển khai Mô hình VNEN, kết quả về chất lượng trong năm học 2016 - 2017 rất khả quan. Môn Tiếng Việt: Hoàn thành tốt 25.259/39.909 (tỷ lệ 63,29%); Chưa hoàn thành: 45/39.909 (tỷ lệ 0,11%). Môn Toán: Hoàn thành tốt 25.080/39.909 (tỷ lệ 63,84%); Chưa hoàn thành 36/39.909 (tỷ lệ 0,09%). Năm học 2016 - 2017, thành phố cũng đã mở rộng thêm 60 trường tiểu học nâng tổng số lên 101 trường thực hiện việc dạy học Tiếng Việt 1 - Công nghệ GD trên tinh thần tự nguyện với 310 lớp, 8.921 HS, so với năm học qua tăng 189 lớp, 4.751 HS.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, ở cấp THCS, TP Cần Thơ tiếp tục triển khai thực nghiệm Mô hình VNEN đối với lớp 7 tại Trường THCS Trà An thuộc Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy với 4 lớp 7, 132 HS. Triển khai ở khối lớp 6 tại 17 trường với 34 lớp, 1.219 HS tại 8 quận huyện. Các đơn vị đã thực hiện đúng các văn bản của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn đánh giá HS THCS theo Mô hình VNEN. Kết quả cuối năm học đối với lớp 7, về năng lực và phẩm chất tốt 96,97%; năng lực và phẩm chất đạt 3,03%. Trong học tập hoàn thành tốt đạt tỷ lệ 29,55%, hoàn thành 69,70%. Đối với lớp 6, về năng lực và phẩm chất tốt 90,16%; năng lực và phẩm chất đạt 8,58%. Trong học tập hoàn thành tốt 34,06%; hoàn thành 59,4%; có nội dung chưa hoàn thành 6,56%.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Để xã hội, đặc biệt là phụ huynh, HS nắm rõ những chủ trương đổi mới GD, đặc biệt là khi triển khai Mô hình VNEN, ngành GD-ĐT Cần Thơ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Không chỉ cấp sở, cấp phòng đẩy mạnh tuyên truyền mà các trường học đã tích cực tuyên truyền cho người dân, các ban ngành đoàn thể để tạo sự ủng hộ của cộng đồng trong việc triển khai thực hiện mô hình.

Thông qua đó, các trường đã tổ chức họp phụ huynh HS để thông tin về việc thực hiện mô hình, cách sử dụng tài liệu học tập. Trong đó chú ý những nội dung cần sự hợp tác hỗ trợ của cha mẹ HS trong quá trình triển khai thực hiện… Ban quản lý dự án VNEN thường xuyên giám sát, dự giờ thăm lớp, tổ chức các tiết dạy minh họa, giúp giáo viên có điều kiện để học tập, nâng cao tay nghề. Đồng thời kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; việc quản lý và sử dụng kinh phí, tài liệu dạy học được dự án cung cấp.

“Song song với công tác tuyên truyền thì việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên được chú trọng. Trong năm học 2016 - 2017, ở cấp tiểu học, ngành GD-ĐT TP Cần Thơ đã tổ chức được 39 chuyên đề nâng cao chất lượng dạy và học các môn học và dự giờ giáo viên được 263 tiết (so với năm qua số chuyên đề tổ chức tăng 11, số tiết dự giờ tăng 38 tiết. Tổ tư vấn, hỗ trợ cấp thành phố đến dự giờ, hỗ trợ kỹ thuật dạy - học và đánh giá HS được 12 tiết ở các trường trên địa bàn hai đơn vị quận Cái Răng và huyện Cờ Đỏ)…” - ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết.

Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng GD được thành phố thực hiện là đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy HS làm trung tâm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của các em. Có 100% trường tiểu học tổ chức hình thức dạy học “theo nhóm” trong suốt buổi học.

Giáo viên được chủ động trong việc thực hiện chương trình, thời lượng giảng dạy và các nội dung lồng ghép, tích hợp, đa số biết vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đối tượng và điều kiện dạy học của đơn vị.

Dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất HS, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo và hứng thú học tập, tạo điều kiện để mọi HS trong giờ học đều “được học” và “học được”, HS biết tương tác trong trao đổi, giúp đỡ, chia sẻ, từng bước mạnh dạn, tự tin trong quá trình học tập, đáp ứng tốt phương châm: “Thầy dạy thật - Trò học thật - Chất lượng thật”.

Từ nhiều giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, chất lượng GD năm học 2016 - 2017 cấp tiểu học của TP Cần Thơ tiếp tục giữ vững, ổn định và phát triển. Cụ thể, tỷ lệ HS hoàn thành chương trình lớp học tỷ lệ 99,47%; Tỷ lệ HS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,93%; Tỷ lệ HS được khen thưởng cuối năm đạt 64,51%. Kết quả đánh giá chất lượng học tập môn Toán, Tiếng Việt được nâng cao đáng kể. Trong đó, môn Toán: Hoàn thành tốt tỷ lệ 65,64%; hoàn thành 33,99%; chưa hoàn thành 0,36%. Môn Tiếng Việt: Hoàn thành tốt tỷ lệ 62,77%; hoàn thành 36,74%; chưa hoàn thành 0,49%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.