VNEN khắc phục được một số nhược điểm trong cách dạy...
Theo cô Trần Thị Minh Thu - Trưởng phòng tiểu học Sở GD&ĐT Lào Cai, để thực hiện thành công VNEN cần nghiên cứu sâu, tìm hiểu kỹ về lý thuyết của Mô hình.
Đồng thời bám sát cơ sở trong quá trình thực hiện. Từ đó tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, các vấn đề mới và khó trong quá trình thực hiện. Cuối cùng là kiểm chứng, đối chiếu, so sánh với các trường không thực hiện VNEN.
Theo cô Trần Thị Minh Thu, qua quá trình tìm hiểu, vận dụng và kiểm chứng - cho thấy: Không có phương pháp dạy học nào là toàn năng, không có mô hình nào cho ra sản phẩm giáo dục toàn những học sinh giỏi.
Nhưng VNEN khắc phục được một số nhược điểm trong cách dạy học hiện nay như: Khắc phục cách dạy học áp đặt, thụ động một chiều, cải thiện được môi trường sư phạm từ gò bó sang tự nhiên, thân thiện, giúp hình thành năng lực học sinh bởi trong Mô hình trường học mới không chỉ truyền thụ kiến thức qua các môn học mà còn phát triển kỹ năng hình thành năng lực qua các hoạt động giáo dục.
"Bản thân tôi trực tiếp đưa đoàn cán bộ, giáo viên sang thăm và học tập kinh nghiệm tại một số trường tiểu học của Thái Lan, Singapore, mời các chuyên gia giáo dục Anh, Mĩ… sang tập huấn về phương pháp, kĩ thuật dạy học nhóm cho cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học Lào Cai.
Qua đó, chúng tôi thấy rằng có rất nhiều điểm tương đồng. Ví dụ: Ở Singapore phương châm “dạy ít, học nhiều” giúp cho học sinh phát triển năng lực tự học. Năng lực tự học và kĩ năng làm việc nhóm của học sinh Thái Lan, Singapore đã rất thuần thục đạt đến mức tự nhiên.
Chúng tôi học được cách làm việc nhóm từ các cô giáo tiểu ở Mĩ, Anh. Họ biết khơi gợi khả năng riêng của từng người. Còn ở Việt Nam, khi mới tập làm nên còn khiên cưỡng và đôi khi hình thức" - cô Trần Thị Minh Thu trao đổi.
Cũng theo cô Trần Thị Minh Thu, Mô hình trường học mới phù hợp với hướng đi đổi mới GD-ĐT. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện tốt VNEN cần giải quyết 2 vấn đề cơ bản: Phải có được sự đồng thuận và đảm bảo chất lượng giáo dục.
Đảm bảo chất lượng giáo dục
Cô Trần Thị Minh Thu - chia sẻ: Để có được sự đồng thuận đầu tiên phải làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương. Làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền như: Thành lập các Ban, các tổ tư vấn, tuyên truyền từ cấp tỉnh đến huyện, đến trường.
Tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân (có những buổi đối thoại của thành phố Lào Cai do trực tiếp Chủ tịch thành phố điều hành). Vận động mỗi cán bộ, giáo viên là một tuyên truyền viên cho công cuộc đổi mới của ngành Giáo dục, trong đó có Mô hình trường học mới.
Để Đảm bảo chất lượng giáo dục trong Mô hình trường học mới, chúng tôi xác định: Để có được sự đồng thuận tốt nhất; cách tuyên truyền, vận động tốt nhất là phải đảm bảo chất lượng giáo dục.
Vì vậy mỗi trường học thực hiện Mô hình VNEN phải bám sát mục tiêu giáo dục tiểu học, bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình và căn cứ tình hình thực tế để xác định mục tiêu phù hợp, các lộ trình phù hợp đạt mục tiêu và linh hoạt áp dụng các giải pháp chuyên môn sâu, khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện để hạn chế đến mức thấp nhất các lỗi có thể mắc phải.
"Chúng tôi đã chỉ đạo nhiều giải pháp chuyên môn, đồng hành cùng giáo viên khắc phục những khó khăn khi thực hiện Mô hình trường học mới" - cô Trần Thị Minh Thu trao đổi.