Linh hoạt tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh vùng cao

GD&TĐ - Việc tổ chức bán trú cho HS vùng cao, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học được xem như là một cách để góp phần hạn chế tình trạng HS nghỉ học, bỏ học. 

Linh hoạt tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh vùng cao

Tổ chức bán trú cho HS ở vùng miền núi xa xôi, có điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn là một điều không hề dễ dàng. Bên cạnh một số trường vùng cao vận động các nguồn hỗ trợ để tổ chức bếp ăn bán trú cho HS, một số trường cũng đã động viên phụ huynh chuẩn bị cơm trưa cho con mang đi từ nhà.

Tăng tỉ lệ chuyên cần trong học sinh

Nằm cách thị trấn Khe Sanh khoảng 30km, nhưng HS Trường Tiểu học Hướng Phùng (H. Hướng Hóa, Quảng Trị) đã cố gắng tổ chức và duy trì mô hình bán trú cho HS từ bốn năm nay. Mới đầu, nhà trường ưu tiên tổ chức cho khối lớp Một, rồi theo hình thức cuốn chiếu, đến nay, đã có lớp bán trú cho HS khối 1, 2, 3, 4.

Thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Với mô hình này, bước đầu góp phần giảm quãng đường di chuyển cho các em HS, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, hạn chế bỏ học, nghỉ học. Đồng thời, lớp học bán trú cũng góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dạy học, tạo thói quen tự học cho HS. Giáo viên có điều kiện phụ đạo, giúp các em ôn bài, nhắc nhở, theo dõi quá trình học tập. Mặt khác, việc HS ở lại bán trú giúp phụ huynh giảm gánh nặng về thời gian trong việc đưa đón con em, tập trung lao động sản xuất để nâng cao kinh tế”.

Hết giờ học buổi sáng, các em HS người dân tộc Vân Kiều bắt đầu xếp cặp sách gọn gàng, lần lượt đến bể rửa tay và vào nhận cơm ở phòng bán trú. Mọi công việc đều được các em thực hiện gọn gàng, ngăn nắp, trật tự, không chen lấn. Em Dương Công Minh Kỳ, trú ở thôn Tân Pun, học sinh lớp 4 vừa bê khay cơm nóng hổi, cho biết: “Được ở lại ăn trưa ở trường con rất vui, không phải đi bộ về nhà ăn cơm nguội rồi lại đi bộ trở lại trường. Trời mưa thì không bị mưa ướt, còn được ngủ trưa ấm nữa”.

Để có được niềm vui giản dị đó, thầy Nguyễn Mai Trọng kể: “Hồi đầu mới vận động phụ huynh về chủ trương mở lớp bán trú cho HS, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Phụ huynh ban đầu chưa tin tưởng, rồi điều kiện CSVC phục vụ cho bán trú cũng thiếu thốn. Chưa kể là không ít ý kiến cho rằng sao gánh thêm việc, thêm trách nhiệm làm gì bởi địa bàn xa xôi cách trở, nhỡ xảy ra chuyện gì liên quan đến VSATTP thì trách nhiệm gánh đủ… Nhưng rồi thương các em, mình vẫn quyết định thực hiện”.

Thầy Trọng phân tích thêm: “Chị cứ nghĩ là chúng tôi tổ chức dạy 2 buổi/ngày thì HS phải đi bộ về một quãng đường xa, hoặc là phụ huynh phải bỏ việc để đưa đón nên số em học buổi sáng rồi không trở lại trường học buổi chiều không phải là ít. Thế nên dù không ít khó khăn, trở ngại, tôi cũng quyết tâm mở lớp bán trú. Cũng may năm đầu tiên, nhà trường được Dự án Tầm nhìn thế giới hỗ trợ 25 triệu đồng để mua sắm các dụng cụ nhà bếp cần thiết. Rồi dần dần phụ huynh nhìn thấy cái lợi cho con, thế là họ gật đầu đồng ý”.

Trong điều kiện thiếu thốn, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chất lượng bữa ăn, nhà trường yêu cầu tổ phục vụ bếp phải có lịch thống kê các món ăn, đảm bảo vệ sinh, tươi và sạch, hàng ngày lưu mẫu thức ăn ít nhất là 24 tiếng. Hàng tuần, nhà trường mời phụ huynh kiểm tra chất lượng bữa ăn bán trú để đóng góp ý kiến. Trước mỗi lớp bán trú có gắn một bảng thông tin bao gồm số điện thoại, tên tuổi giáo viên phụ trách, số điện thoại của hiệu trưởng để phụ huynh theo dõi và phản hồi.

Giải quyết bài toán thiếu nhân viên cấp dưỡng

Mỗi sáng, trước khi đưa con đến lớp, chị Hồ Thị Ry (xã Tà Long, H. Đăkrông, Quảng Trị) đều không quên mang theo một cặp lồng gồm cơm và thức ăn trưa cho con. Để giữ ấm, chị Ry “đầu tư” luôn cặp lồng giữ nhiệt để đến trưa, đồ ăn của con không quá nguội. Chị Ry cho biết: “Đưa cơm trưa đi theo cho con như này, mình rất tiện, buổi trưa không phải từ rẫy về đón con. Hồi trước, có khi con ngủ trưa dậy muộn, nhà không có ai đưa con tới lớp nên buổi chiều các con ở nhà tự chơi với nhau, mình đi rẫy cũng không yên tâm nhưng không bỏ được việc để đưa đón cả ngày”.

Bắt đầu từ Trường Mầm non Hướng Hiệp, mô hình vận động phụ huynh mang theo suất ăn trưa từ nhà cho các cháu mầm non đã được nhân rộng ở tất cả các điểm trường chưa có nhân viên cấp dưỡng của huyện Đăkrông.

Ông Phạm Văn Đức – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Đăkrông - cho biết: Toàn huyện Đăkrông có 61 điểm trường lẻ, trên thực tế, việc tổ chức bếp ăn cho các điểm trường mầm non gặp rất nhiều khó khăn. “Hầu hết các điểm lẻ số lượng trẻ rất ít, có nhiều điểm lẻ chỉ có một cô giáo phụ trách với khoảng trên dưới mười trẻ. Giáo viên này chủ yếu làm nhiệm vụ chuyên môn, không thể kiêm nhiệm thêm chức năng cấp dưỡng, vì không có giáo viên thứ hai làm nhiệm vụ trông lớp, đó là chưa kể việc đi mua thực phẩm từ điểm lẻ đến các trung tâm xã, huyện rất xa, đường sá đi lại khó khăn.

Mặt khác, số lượng trẻ ít, các trường không đủ kinh phí để trả lương khi bố trí thêm một giáo viên hay cô nuôi. Chính vì vậy, đối với các huyện miền núi đặc thù như Đăkrông, nơi có nhiều điểm lẻ mầm non đóng tại các bản làng cheo leo, cách trở thì việc vận động phụ huynh chuẩn bị cơm cho con đến lớp để các cháu được học bán trú là một phương án khả thi” – ông Đức phân tích.

Theo như nhận xét của cô giáo Nguyễn Thị Hiệp (giáo viên tại điểm lẻ thôn A Rồng, Trường Mầm non Hoa Lan, thị trấn Krông Klang) thì từ khi vận động phụ huynh chuẩn bị cơm trưa mang theo, các con đến lớp đều đặn hơn. “Các con nhìn nhau nên ăn cũng nhanh, buổi trưa được ngủ lại tại trường, không phải di chuyển nhiều nên được ngủ tròn giấc, các con phát triển sức khỏe tốt hơn, buổi học vui vẻ hơn”. Cứ mỗi sáng khi phụ huynh mang theo cơm cho con đến lớp, giáo viên nhận, ghi tên các cháu và đưa lên kệ cất đặt đảm bảo bữa cơm trưa của các cháu an toàn vệ sinh. Trong bữa cơm trưa mang đến trường, các trường cũng đã tư vấn chế độ dinh dưỡng để phụ huynh chuẩn bị cho con mình những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng nhất có thể.

“Việc thiếu về đội ngũ, khó khăn trong các điều kiện chung đối với ngành Giáo dục thì xã hội hóa để chia sẻ gánh nặng kinh phí thuê cấp dưỡng phục vụ nấu ăn cho các cháu, nhất là đối với các hộ dân thuộc miền núi khó khăn vẫn còn là bài toán nan giải. Vận động được phụ huynh cho con mang cơm đến lớp để học bán trú đã là thành công bước đầu. Vấn đề tiếp theo là làm sao để phụ huynh quan tâm hơn đến chất lượng cho bữa cơm của con mình nhằm đảm bảo dinh dưỡng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm” - ông Phạm Văn Đức chia sẻ.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng hơn 500 nhân viên cấp dưỡng mầm non trên tổng số 38.206 cháu, chủ yếu từ 36 - 72 tháng tuổi. Nếu tính 35 cháu nhà trẻ/1 nhân viên dinh dưỡng hoặc 50 cháu mẫu giáo/1 nhân viên dinh dưỡng thì cần thêm ít nhất 317 nhân viên cấp dưỡng mới cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ