Linh hoạt hay siết chặt?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ với lãi suất 2% với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quy mô 40 nghìn tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, các ngân hàng mới giải ngân gần 4.100 tỷ đồng cho 550 khách hàng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Kết quả này Ngân hàng Nhà nước cho là “hạn chế”, còn Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thì lo ngại “với tiến độ này thì việc giải ngân là rất khó khăn”.

Nguyên nhân chậm giải ngân, theo Ngân hàng Nhà nước, là do khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất; bên cạnh đó, nhiều hộ sản xuất - kinh doanh không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ; và những nguyên nhân từ phía các ngân hàng thương mại.

Không rõ khó khăn từ phía ngân hàng là gì, song các chuyên gia cho rằng, ngân hàng thường không mặn mà với gói hỗ trợ lãi suất bởi đối tượng vay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nên mức độ rủi ro cũng cao hơn.

Hơn nữa, yêu cầu “không hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng trong quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất” của Ngân hàng Nhà nước cũng là một yếu tố quan trọng. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch rất cần hỗ trợ lãi suất nhưng hầu hết không đáp ứng nổi quy định của ngân hàng về tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh tốt…

Gói hỗ trợ lãi suất 2% được các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vô cùng trông đợi. “Dòng tiền như dòng máu”, nếu gói này được triển khai tốt thì sẽ “tiếp máu” kịp thời giúp doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ hơn sau đại dịch Covid-19. Như vậy mới có cơ hội đạt được các mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng mạnh thời gian qua, bất cứ động thái cung tiền nào cũng gia tăng áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, gói hỗ trợ lãi suất 2% sử dụng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nghĩa là Ngân hàng Nhà nước không phải chi 40 nghìn tỷ đồng bù lãi. Vì vậy, đây là chính sách vô cùng hợp lý để đưa dòng tiền đến với doanh nghiệp, đồng thời tránh làm tăng áp lực lên lạm phát.

Lúc này đòi hỏi sự linh hoạt của cơ quan điều hành. Lâu nay, các ngân hàng chỉ nhìn vào tài sản bảo đảm để cho vay. Vậy nên chăng, với gói hỗ trợ lãi suất 2% này, nên cho phép các doanh nghiệp nếu không có tài sản thế chấp thì có thể được vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng 1 năm.

Vẫn biết Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có những cái khó của mình trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Chẳng hạn, phải tránh được tình trạng trục lợi chính sách, không để xảy ra chuyện “dê đi lạc vào nhà giàu”, hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu… Vậy nhưng nếu chặt chẽ quá, khắt khe quá thì mối lo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ trở thành hiện thực và chính sách hỗ trợ một lần nữa lại không đến được với người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.