Gói hỗ trợ doanh nghiệp và lao động hậu Covid: Chậm vì phải tìm đúng đối tượng?

GD&TĐ - Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại khi các gói chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp còn chậm. Vì vậy, phải triển khai nhanh, đúng, đủ để người dân và doanh nghiệp sớm được thụ hưởng.

Các gói hỗ trợ được đánh giá là nhân văn nhưng triển khai tới lao động và doanh nghiệp còn chậm. Ảnh minh họa
Các gói hỗ trợ được đánh giá là nhân văn nhưng triển khai tới lao động và doanh nghiệp còn chậm. Ảnh minh họa

Người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí bày tỏ vui mừng khi đất nước kiểm soát được đại dịch Covid-19 và kinh tế - xã hội dần phục hồi với nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều đáng lo ngại do ảnh hưởng của đại dịch là rất lớn cùng với những bất ổn của tình hình thế giới, xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến tình hình trong nước.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, hiện nay người dân và doanh nghiệp rất khó khăn. Giá cả tăng cao nhưng lương người lao động không tăng, thậm chí giảm hoặc có tăng nhưng không đáng kể. Doanh nghiệp phải chịu chi phí đầu vào cao để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trước tình hình đó, chính sách miễn giảm thuế là một quyết sách đúng, kịp thời để góp phần kiềm chế giá cả, lạm phát cũng như hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp. Để chính sách này tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Lê Minh Trí kiến nghị nghiên cứu đánh giá bổ sung việc miễn giảm thuế sâu hơn. Theo đó, không chỉ 2% và kéo dài thời gian áp dụng không chỉ trong năm 2022 mà có thể hai năm hoặc dài hơn.

Ông Lê Minh Trí cũng nhấn mạnh chọn những khu vực, lĩnh vực, đối tượng bị tác động nặng nề nhất để hỗ trợ. Ông Trí nêu rõ, lựa chọn đúng đối tượng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hỗ trợ sẽ phục hồi nhanh để thúc đẩy, dẫn dắt chung nền kinh tế.

“Không hỗ trợ cào bằng mà có chọn lọc, ưu tiên để đảm bảo hợp lý. Lựa chọn khu vực, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hiệu quả, có khả năng phục hồi nhanh và có vai trò quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời, hàng năm có đánh giá điều chỉnh phù hợp”, ông Trí nhấn mạnh.

Để những quyết sách đúng đắn nhanh chóng đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp và người dân được tiếp cận, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị có phương án, kế hoạch phân công triển khai đồng bộ từ các bộ, ngành có liên quan đến UBND  các tỉnh, thành phố.

Đồng thời, cần có tiến độ cụ thể, có đánh giá hàng tháng, quý. Bên cạnh đó, Quốc hội cần có biện pháp giám sát hiệu quả thực kết quả thực hiện, không để triển khai chậm các gói hỗ trợ.

Bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch

Ông Tạ Minh Tâm, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ, gói hỗ trợ nếu dùng không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với người dân. Do đó đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm để các gói hỗ trợ phát huy hiệu quả.

Ông Tâm cho biết, việc ban hành các nghị quyết đã rất kịp thời, nhằm ứng phó với hoàn cảnh bất thường, chưa từng có tiền lệ. Từ khi được ban hành đến nay đã hơn 4 tháng, còn không ít nội dung đang trong quá trình tham vấn, trao đổi giữa các cơ quan chức năng.

Thủ tướng Chính phủ đã phải có các công điện để đôn đốc, chỉ đạo các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ để người dân và doanh nghiệp sớm được thụ hưởng chính sách.

Cùng với đó, đến nay dòng tiền thông qua các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11 phần lớn vẫn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng hoặc một số chính sách đã có đến nhưng chưa đáng kể. Ông Tâm cho biết, trên thực tế còn có những vướng mắc, lúng túng, chậm hướng dẫn trong thực thi các chính sách. Cụ thể như giảm thuế VAT, việc hỗ trợ lãi suất hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và tiền thuê đất…

Ông Tâm nêu vấn đề mục tiêu đặt ra của các gói hỗ trợ là phải giải ngân trong năm nay. Đồng thời các thủ tục triển khai phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, không xảy ra tình trạng xin cho, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ, dòng tiền của các gói hỗ trợ, kể cả đầu tư phát triển phải được hấp thu ngay vào nền kinh tế trong năm nay mới mới có thể phát huy hiệu quả tối ưu theo đúng mục tiêu đề ra. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát, cân nhắc các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận với gói hỗ trợ lãi suất

Bà Nguyễn Minh Tâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, cần kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận với gói hỗ trợ lãi suất.

Theo bà Tâm, hơn 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nền kinh tế bị suy giảm, kéo theo những ảnh hưởng từ biến động trên thế giới, giá cả nguyên vật liệu đầu vào. Nhất là giá xăng dầu liên tục tăng cũng đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đặc biệt là đối với ngư dân vươn khơi bám biển, giữ gìn bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các ngành trong việc triển khai Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 43 của Quốc hội nhưng vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc khiến cho những chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được thụ hưởng ưu đãi về vốn, về thuế mà các chương trình mong muốn mang lại.

Để các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được đi vào cuộc sống, bà Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất 2% năm được các doanh nghiệp và người dân rất kỳ vọng. Tuy nhiên, Nghị định ban hành đến nay vẫn tương đối chậm.

“Vì vậy, quá trình thực hiện đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành phối hợp điều hành không chỉ linh hoạt, quyết liệt mà phải kịp thời hướng dẫn các ngân hàng thương mại. Đặc biệt là với các ngân hàng thương mại đã đạt hạng mức tín dụng triển khai nhanh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân vay”, bà Tâm nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ