Linh hoạt dạy học STEM

GD&TĐ - Dạy học STEM thời gian qua được đưa vào nhiệm vụ của nhiều nhà trường tại Nghệ An. Qua đó, giáo viên dần đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy khả năng sáng tạo, tư duy logic cho học sinh. Dù vậy, để triển khai rộng rãi còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như do không tương thích với chương trình giáo dục hiện hành.

Lớp học STEM tại Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An
Lớp học STEM tại Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An

Trải nghiệm mới mẻ cho học sinh

Tại buổi sinh hoạt câu lạc bộ STEM của Trường THCS Võ Liệt (huyện Thanh Chương, Nghệ An), các em học sinh rất háo hức khi học môn Công nghệ trực tiếp với mô hình robot khá hiện đại. Nhiều em đã tự lập trình và điều khiểu được rô bốt dù còn đơn giản. Điển hình như Dương Văn Minh (HS lớp 8E), một trong những thành viên xuất sắc của đội tuyển robot của nhà trường. Em từng đạt giải Nhất cuộc thi robotics tìm hiểu lịch sử đền Bạch Mã và giải Khuyến khích tại “Ngày hội STEM” của huyện Thanh Chương.

Cậu học trò có niềm say mê với tin học từ nhỏ, nhưng chủ yếu tự mày mò với chiếc máy tính cũ ở nhà. Khi lên THCS, cũng là lúc em được học STEM và có cơ hội phát huy khả năng của mình. “Em thích nhất là được học thêm về lập trình, vì thế có thể hiểu được nguyên lý lập trình và công nghệ, biết được quy tắc lắp ráp của các mô hình robot nhỏ. Khi xem các cuộc thi robocon trên mạng, em cũng hiểu được một chút về mô hình do các anh chị sáng tạo ra”.

Thầy Nguyễn Ngọc Thành – GV phụ trách STEM của trường cũng nói thêm: “Dạy học STEM khiến học sinh hào hứng, thích thú sáng tạo. Các em cũng có hiểu biết về công nghệ. Ví dụ trước đây, khi tiếp xúc với các con robot và các trò chơi điều khiển, các em chỉ đơn thuần là chơi thôi. Nhưng nay, các em có thể hiểu rõ về cơ chế hoạt động, có thể xây dựng chương trình điều khiển và lập trình cho trò chơi của mình”.

Giờ học STEM của học sinh Trường THCS Võ Liệt, Thanh Chương
 Giờ học STEM của học sinh Trường THCS Võ Liệt, Thanh Chương

Trường THCS Võ Liệt đóng tại địa bàn xã thuần nông, nhưng là một trong những trường đầu tiên của huyện Thanh Chương đưa STEM vào hoạt động dạy học. “Trong xu thế cách mạng 4.0 hiện nay, trẻ nông thôn nếu không được sớm tiếp cận công nghệ thông tin sẽ rất thiệt thòi. Vì vậy, nhà trường mạnh dạn cử giáo viên đi tập huấn để triển khai STEM vào trong các môn học.

Chúng tôi cũng kêu gọi xã hội hóa để đầu tư xây dựng một phòng học lab STEM, mua các phần mềm ứng dụng với tổng giá trị hơn 30 triệu đồng. Nội dung dạy học ở trường không phải ở trình độ cao, nhưng có thể cung cấp kiến thức nền nhất định về công nghệ, giúp các em học tập tốt hơn sau này”, thầy Phạm Đức Kính – Hiệu trưởng nhà trường nói.

Được biết, huyện Thanh Chương hiện có 15 trường THCS, 11 trường tiểu học thành lập được các câu lạc bộ STEM với lịch sinh hoạt ít nhất 1 tiết/tuần. Đây cũng là huyện xây dựng chuyên đề dạy học, tổ chức dạy học tích hợp STEM hiệu quả của tỉnh Nghệ An.

Triển khai theo cấp độ phù hợp

Tuy nhiên, để triển khai rộng rãi trong các nhà trường còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu về cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Thầy Mai Văn Quyền - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho biết: “Nếu dạy được STEM rất tốt cho học sinh. Nhưng cũng cần nhiều yếu tố như: Giáo viên có năng lực, được bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm thường xuyên; cơ sở vật chất đảm bảo có phòng lab STEM để tổ chức dạy và học với máy móc, trang thiết bị đầy đủ. Trong khi ngay cả trường chúng tôi là trường THPT chuyên của tỉnh còn phải học chay phần lớn, thì các trường phổ thông khác sẽ còn khó khăn hơn nhiều”.

Trên thực tế chưa có chương trình dạy học STEM, vì vậy các nhà trường chỉ mới đưa vào dạy học theo hướng mở, linh hoạt. Tại Trường THPT Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), thời gian qua triển khai lồng ghép dạy học STEM vào nhiều môn học. Thầy Chu Viết Tấn, GV dạy STEM của trường cho hay: Dạy học STEM tổ chức với nhiều cấp độ khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của từng trường. Như ở trường chúng tôi ở cấp độ “bán STEM”. Bước đầu cho thấy học sinh đáp ứng tốt và hiệu quả.

Học sinh hứng thú với tiết học trải nghiệm
 Học sinh hứng thú với tiết học trải nghiệm

Các em được trải nghiệm, thích thú tìm tòi, nghiên cứu cũng như vận dụng các kiến thức liên môn vào thực tiễn. Tương tự, Trường THPT Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cũng đưa giáo dục STEM vào trong hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, sinh hoạt CLB… Thầy Dương Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Một phần do khối lượng kiến thức của chương trình hiện hành lớn, thầy trò phải dành phần lớn thời gian dạy - học văn hóa để đáp ứng các kỳ kiểm tra và thi cử”.

Hiện, giáo dục STEM được triển khai rộng rãi nhất ở các trường tiểu học. Tại TP Vinh, nhiều trường vận động xã hội hóa và phối hợp với một số trung tâm để đưa giáo dục STEM vào trường học. Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn băn khoăn về chương trình dạy học mang tính chất giải trí, khó đánh giá về chất lượng cũng như chi phí chênh lệch giữa các trung tâm.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho rằng:Khó khăn lớn nhất khi thực hiện giáo dục STEM và các phương pháp dạy học tích cực khác là không đồng bộ với hoạt động giáo dục hiện hành. Trong điều kiện đó, các nhà trường cần linh hoạt sáng tạo nhiều hình thức; mục tiêu cuối cùng vẫn là phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.