STEM không chỉ là robot và máy tính

GD&TĐ - Vài năm trở lại đây, giáo dục STEM được nhắc nhiều và bắt đầu triển khai tại một số trường học tại Việt Nam thông qua những bài giảng có định hướng STEM theo chương trình sách giáo khoa chứ không chỉ dừng lại ở các hoạt động ngoại khóa, thông qua các cuộc thi trải nghiệm sáng tạo. Các chủ   đề của STEM rất đa dạng, từ sinh học, hóa học, vật lý, khoa học  môi trường…

STEM không chỉ là robot và máy tính

Lý giải hiện tượng tự nhiên trong một giờ học

Các bé lớp nhỡ (Trường Mầm non thuộc Hệ thống giáo dục SKY – LINE Đà Nẵng) chăm chú xé, vò giấy cho mềm rồi dán vào một cái chai nhựa và tạo hình thành một ngọn núi. Mô hình ngọn núi sau đó được phơi nắng cho lớp keo khô lại rồi tô màu, trông xa giống như một ngọn núi thật. Một nhóm khác chuẩn bị các vật dụng để làm thí nghiệm, bao gồm bột Baking Soda, giấm và màu thực phẩm.

Các bạn cẩn thận cho màu thực phẩm vào “miệng” của ngọn núi, tiếp theo là đổ giấm, cuối cùng bột Baking Soda. Chỉ một tích tắc sau đó, “hiện tượng núi lửa phun trào” xảy ra với dòng “nham thạch” không ngừng phun lên miệng núi lửa. Vì thích thú quá nên sau khi “núi lửa” ngừng hoạt động, các bé cho thêm giấm và Baking Soda vào để tiếp tục “ồ à” theo từng đợt phun trào mới.

Cũng nhờ có giờ học STEM, các bé biết thêm bí kíp làm kem đơn giản: Chỉ cần bỏ thêm chút muối sẽ làm đá tan nhanh, tạo thành hỗn hợp mềm, xốp như kem trong vài phút mà không cần phải dùng đến tủ đông hay tủ lạnh mới có kem lạnh để thưởng thức.

STEM cũng hiện hữu trong giờ học của các chị lớp lớn. Với các vật liệu đơn giản như chai nhựa dung tích 1,5 lít, van bơ, van xả, ống dẫn nước, bơm tay, bánh xe, súng bắn keo, keo nến, thước đo, các vật liệu nhẹ như giấy, nhựa mềm…, 3 nhóm HS lớp 11 Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cùng cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (GV Vật lý) say sưa thực hiện “Mô hình và hoạt động của xe chuyển động bằng phản lực”.

Cô Hiếu cho biết: “Mô hình này giúp HS ứng dụng định luật bảo toàn động lượng vào trải nghiệm cuộc sống thực tế bằng cách thiết kế các “động cơ” chuyển động bằng phản lực đơn giản”...

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

STEM không phải là một chương trình học riêng biệt

Bà Christina Kim – Giám đốc Tổ chức EQSTEM (Hàn Quốc) cho rằng: Giáo dục STEM đang bị hiểu không chính xác. Nhiều người nghĩ rằng dạy robot hay lập trình chính là STEM. Tuy nhiên, STEM là phương pháp giáo dục tích hợp phát triển nhiều kỹ năng cho người học. Nó bao gồm khả năng sáng tạo, tư duy, làm việc nhóm cũng như nhiều kỹ năng khác và nội dung kiến thức cũng tích hợp nhiều môn học khác nhau chứ không chỉ là môn Toán hay lập trình.

Từ kinh nghiệm thực tế trong triển khai giáo dục STEM, bà Lê Thị Nam Phương – Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục SKY – LINE cho biết: “STEM được sử dụng như một phương pháp giáo dục mà ở đó các yếu tố về nội dung và phương pháp giảng dạy của 4 lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Mathematics) được tích hợp hài hòa trong các tiết học ở các môn khác nhau chứ STEM không phải là một chương trình học riêng biệt chỉ xoay quanh 4 môn học này”.

Thầy Phan Hùng – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết: Với chủ trương đưa STEM vào trường học, nhà trường có kế hoạch xây dựng phòng dạy học STEM. “Trước mắt, khi chưa có phòng dạy học STEM, Ban giám hiệu chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát lại các phòng học bộ môn và phòng thí nghiệm để tận dụng không gian cùng một số dụng cụ, thiết bị thí nghiệm có sẵn như: Kìm, kéo, búa, mỏ hàn, máy khoan, cưa, tua vít, súng bắn keo, dây điện…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ