Kiểm tra định kỳ với học sinh lớp 1 và 2 học trực tuyến: Phản ánh đúng quá trình học tập

GD&TĐ - Trong điều kiện dạy học trực tuyến, điều mà phụ huynh học sinh (HS) lớp 1 và 2 quan tâm là có kiểm tra giữa kỳ hay không? Làm sao để HS không áp lực và phản ánh đúng thực chất quá trình học tập. 

Giáo viên cần nắm bắt thường xuyên việc học của học sinh khi dạy học trực tuyến. Ảnh: NTCC
Giáo viên cần nắm bắt thường xuyên việc học của học sinh khi dạy học trực tuyến. Ảnh: NTCC

Chờ định hướng

Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ - Hà Nội) chưa lên phương án kiểm tra giữa kỳ theo hình thức trực tuyến bởi đang chờ chỉ đạo chuyên môn từ phòng GD&ĐT.

“Trường hợp HS Hà Nội được trở lại trường (tháng 11), được ôn tập trực tiếp sau đó mới tiến hành kiểm tra định kỳ trực tiếp sẽ phản ánh đúng nhất chất lượng, hiệu quả dạy học...” – cô Tuyết Minh bày tỏ.

Song theo cô Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hiệu trưởng nhà trường, kiểm tra đánh giá HS tiểu học đặc biệt HS lớp 1 và 2 được GV tiến hành thường xuyên theo nhiều cách trong quá trình dạy học. Mặt khác, bài kiểm tra giữa kỳ chỉ mang ý nghĩa đánh giá ở một thời điểm nhất định. Do đó, chưa hoặc nếu không kiểm tra giữa kỳ đúng kế hoạch (cuối tháng 10) cũng không ảnh hưởng tới tiến trình dạy học.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, cũng cho biết: Phòng GD&ĐT quận Ba Đình chỉ đạo các trường, nếu đến giữa học kỳ I, HS vẫn chưa thể đến trường học thì việc kiểm tra trực tuyến diễn ra theo đúng tiến độ. Các trường xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra giữa kỳ phù hợp với đặc điểm từng môn học, có tính đồng bộ, thống nhất trong các khối lớp; có hướng dẫn chi tiết cụ thể cho HS, đặc biệt HS đầu cấp...

Tuy nhiên, với HS lớp 1 và 2 do còn nhỏ, kĩ năng công nghệ thông tin hạn chế, vẫn cần sự hỗ trợ của phụ huynh khi học và làm bài nên phòng chỉ đạo các trường cân nhắc phương án tổ chức kiểm tra trực tuyến hoặc hình thức khác phù hợp; báo cáo phòng, quận để xem xét, phê duyệt theo đúng quy định và phù hợp thực tiễn đơn vị.

Theo cô Đỗ Huyền Trang, GV Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội), nhà trường, tổ chuyên môn chưa yêu cầu kiểm tra giữa kỳ với HS khối 1 mà mới đang lên phương án nắm bắt việc học của HS theo cách chia số HS thành nhiều nhóm, mời HS vào room sớm trước giờ học để từng HS đọc lại bài; viết trên giấy chụp gửi lại để GV nhận xét…

Việc kiểm tra chất lượng giữa kỳ theo tinh thần như ôn lại bài cũ, tránh đặt nặng vấn đề hoặc gây áp lực cho phụ huynh về kết quả. Mặt khác, kiểm tra giữa kỳ với HS lớp 1 - 2 không lấy vào cơ sở dữ liệu nên GV có thể linh hoạt hình thức sao cho phù hợp nhất.

Trường Tiểu học Thanh Mỹ (Sơn Tây – Hà Nội) đang chờ chỉ đạo chuyên môn của phòng GD&ĐT trong việc kiểm tra định kỳ với HS khối 1 - 2. Tuy nhiên, cô Khuất Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: Nếu không kiểm tra đánh giá giữa kỳ với HS lớp 1 - 2 cũng hợp lý bởi khi học trực tuyến việc GV nắm bắt kết quả, sức học hàng ngày của HS mới quan trọng.

Kiểm tra trực tuyến với HS lớp 1 - 2 nếu tiến hành không tốt sẽ gây khó khăn bởi các em thao tác trên máy tính, điện thoại chưa thành thạo. Trường hợp phụ huynh ngồi cạnh hỗ trợ trong quá trình kiểm tra và tác động vào quá trình này phản ánh kết quả không đúng thực chất.

Học sinh lớp 1, 2 học trực tuyến còn bỡ ngỡ trong ứng dụng CNTT. Ảnh: Đức Trí
Học sinh lớp 1, 2 học trực tuyến còn bỡ ngỡ trong ứng dụng CNTT. Ảnh: Đức Trí

Chỉ kiểm tra cuối kỳ và cuối năm

Thông tư 22 và công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học năm học 2021 - 2022, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo với lớp 1, lớp 2 chỉ đánh giá định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học ở 2 môn Toán và Tiếng Việt.

Mặt khác, Bộ GD&ĐT đã có văn bản cho phép cơ sở giáo dục tiểu học chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện và điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường một cách phù hợp. Khi dịch bệnh được kiểm soát, cần dạy học trực tiếp để bổ sung kiến thức cho HS trước khi dạy học theo nội dung mới và kiểm tra đánh giá theo quy định. Không kiểm tra, đánh giá các nội dung đã tinh giản, bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học.

Cô Khuất Thị Nga cũng nêu quan điểm: Không kiểm tra đánh giá giữa kỳ hợp lý. Nhưng nếu trong trường hợp việc học theo hình thức trực tuyến kéo dài tới hết học kỳ I thì việc kiểm tra đánh giá định kỳ cần tiến hành với điều kiện các nhà trường, phòng GD&ĐT phải xây dựng được kế hoạch kiểm tra phù hợp tình hình thực tế. Việc kiểm tra đánh giá định kỳ trong bối cảnh dạy học trực tuyến cần được chuẩn bị kỹ lưỡng mới đánh giá chuẩn kết quả học tập cuối kỳ và cuối năm học.

Chị Hà Hồng Gấm có con học lớp 1, Trường Tiểu học Khương Thượng (Đống Đa - Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Học trực tuyến với HS khối 1 - 2 từ đầu năm học không phản ánh hết kết quả, khả năng học tập của trẻ. Vì vậy, kiểm tra giữa kỳ không cần thiết bởi thời gian còn lại của năm học khá nhiều để HS thay đổi, phát huy sức học. Cần làm sao để HS thấy việc học dù trực tuyến là vui và dần thích nghi để hứng thú chờ đợi tới trường học tập trực tiếp. Việc kiểm tra định kỳ vào cuối học kỳ I và cuối năm học dù học trực tiếp hay trực tuyến cần thiết, ý nghĩa hơn…

Từ thực tế dạy học trực tuyến với HS lớp 1, cô Đỗ Huyền Trang cho rằng: Nếu học trực tiếp trên lớp có thể tiến hành bài kiểm tra giữa kỳ nhẹ nhàng cho HS. Nhưng học trực tuyến không cần thiết để tránh gây áp lực cho phụ huynh, HS. “Học là cả quá trình, thời điểm này có thể nhiều HS chưa quen, kết quả học còn đuối hơn bạn khác. Nếu kiểm tra giữa kỳ trực tuyến sẽ mang lại lo lắng cho phụ huynh…” – cô Trang trao đổi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.