Người ta bảo anh bị điên. Kỳ thực anh bị trầm cảm sau khi trải qua những cú sốc tâm lý trong gia đình. Người ta không biết trầm cảm là gì nên mặc nhiên cho rằng anh điên, mà đã điên thì sẵn sàng cầm dao giết cả người thân. Thế nên anh trở thành đối tượng cần phải tránh xa. Sự lạnh lùng của cuộc sống xung quanh, tiếng cười dè bỉu, chê bai xung quanh càng khiến anh trầm cảm nặng hơn.
Gặp anh, lúc chị đã để lỡ đôi ba cuộc tình. Gặp anh là lúc chị muốn buông bớt gánh nặng gia đình để tìm một bến đỗ riêng mình. Nhưng đến với anh, phải đâu là bến đỗ bình yên, mà chỉ là kết thúc chặng khó này sang một chặng gian nan khác.
Vậy mà chị vẫn quyết định lấy anh, trong cảm thán của người thân. Vì chị sợ ế? Vì chị nhắm mắt để có một người chồng? Thiên hạ thì tò mò phán đoán rất nhiều. Nhưng chị chỉ nói với các em “Vì nhìn vào mắt anh, chị biết anh là người tốt, và anh không phải bị điên đâu”.
Những ngày dẫn anh về bên ngoại, nhiều người không bắt chuyện với anh, vì nghĩ nói với người điên khác gì không nói. Nhưng đi đâu, chị cũng vẫn dẫn theo anh đi với đầy vẻ tự tin, tự hào. Khi nghe ai có lời trêu chọc anh, chị “lừ” mắt đáp trả. Chị vẽ ra việc làm cho cả hai vợ chồng, chỉ lối cho anh làm theo.
Đôi lúc anh lơ đễnh, chểnh mảng, chị kiên nhẫn nói “Chúng mình phải chăm chỉ hơn họ, chúng mình sẽ có nhà to hơn họ”. Không biết tại sao, chị lại có thể kiên nhẫn với anh như thế.
Bất kể có chuyện gì diễn ra trong dòng họ, của láng giềng, chị cũng nói với anh theo cách phân tích vấn đề, cái gì đúng cái gì sai. Lúc đầu anh nghe như không nghe. Dần dần anh tham gia vào câu chuyện, đưa ý kiến phản biện. Hóa ra không phải anh đần như người ta nghĩ, chỉ là khi anh chuẩn bị định nói gì người ta đã hả hê cười, dè bỉu nên mọi nguồn cơn đều tắt ngấm. Với chị, anh là một người khác!
Tình yêu như phù sa lấp bồi! Sự kiên nhẫn khiến người ta thấu hiểu nhau hơn. Lắng nghe sẽ gặp lời sâu thẳm từ cõi lòng. Và vì thế anh trở nên hoạt bát hơn khi có chị. Anh tự tin hơn khi có chị khuyến khích khai mở lại tâm trí. Anh không phải người hoạt ngôn sắc lẹm nhưng lời nào cũng chắc câu đó. Và anh trở thành người anh rể được tất cả các em vợ tôn trọng, bởi anh không tài giỏi nhưng không có mấy người thành con rể tốt như anh.
Nhiều người gặp lại ngỡ ngàng, sao một người bị cho là điên giờ lại có thể nói những lời chắc nịch như vậy. Em gái của vợ dẫn một người bạn trai về, anh không thể hiện thái độ gì đặc biệt nhưng lúc ra về anh có dặn em vợ xem kỹ lại. Quả thực, một tuần sau, em rằng không thể lấy anh ta, hóa ra anh ta tưởng cô giàu nên tìm cách “đào mỏ”.
Anh chị có hai đứa con, đứa nào cũng yêu kính bố. Chúng ra đời và lớn lên không biết rằng bố mình từng bị người ta gọi là “thằng điên”. Người ta nói chị cứ như diễn lại tích cũ “hoa khôi dạy chồng”. Chị bảo chỉ là vì những người rơi vào trạng thái tâm thần bất ổn như anh rất cần tình yêu thương và sự nhẫn nại của người xung quanh. Những điều đó sẽ dẫn họ trở về trạng thái minh mẫn thường có, hoặc ngược lại sẽ đẩy họ vào vũng lầy u tối hơn, và có người mãi mãi là người điên dại.
Những người bác sĩ vẫn khám bệnh cho anh và những bệnh nhân khác để phát thuốc định kỳ còn phải nể chị vì chị không có chuyên môn y khoa nhưng chị đã chữa bệnh cho chồng bằng tình yêu thương và sự thấu cảm của mình.
Ngày càng nhiều người đang bình thường bỗng trở nên tâm thần, người thì trầm cảm, người hoang tưởng... Có lẽ bác sĩ cũng sẽ bất lực bởi những liều thuốc hiện đại không thể cứu họ, khi mà cuộc sống xung quanh đè nặng lên họ bằng sự lạnh lùng, chì chiết, khinh thường, đay nghiến khiến tâm trí họ cuồng nộ cùng quẫn.
Tình yêu, sự cảm thông kiên nhẫn của gia đình và những người xung quanh là liều thuốc quý giá nhất để chữa bệnh tâm thần. Từ thiện không phải cho nhau tiền bạc, tu đâu phải là ăn chay niệm Phật tụng kinh. Hãy từ thiện từ những ánh nhìn lời nói, thái độ cảm thông và biết khích lệ người khác.