(GD&TĐ) - Làm sao để trẻ không bị hụt hẫng và cáu giận khi cha mẹ muốn con mình không chơi game nữa, không xem ti vi nữa để chuyển sang đi ăn cơm, học bài... theo ý của bố mẹ? Làm sao để trẻ không lười học, không đánh bạn? Có vô số những mong muốn từ phía các bậc phụ huynh về con mình khi chúng bỗng trở nên bướng bỉnh.
Không được xâm hại tinh thần và cơ thể khi trẻ chưa ngoan
Giải thích tại sao dùng từ “không nước mắt” trong một chương trình giảng dạy cho các bậc phụ huynh về phương pháp kỷ luật đối với trẻ em, Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên (Nguyên cố vấn chính sách cho Tổ chức Project Việt Nam và Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ) phân tích: Mỗi khi kỷ luật con cái thì ai phải chảy nước mắt? Thường khi trẻ con bị người lớn dùng các hình phạt để kỷ luật thì chính trẻ em và cha mẹ phải rơi nước mắt. Theo bà Ái Liên, đã là cha mẹ thì chẳng ai muốn con mình phải khóc, chẳng ai muốn con mình phải đau. Nhưng mà trong nhiều tình huống, dường như các bậc cha mẹ không biết làm điều gì khác hơn. Khi mà cha mẹ không biết làm thế nào để một đứa trẻ không hư thì họ buộc phải đánh, phải mắng con.
Những đứa trẻ không thể ngoan và học giỏi nếu không có sự dạy dỗ đúng cách của người lớn Ảnh: Bắc Sơn |
Chuyên gia Ái Liên cũng viện dẫn một số nội dung khuyến cáo của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ: “Không có trường hợp nào được coi là chính đáng để sử dụng bạo lực với trẻ em. Không có một lý do nào được gọi là hợp lý để sử dụng bạo lực với trẻ em”. Vì bạo lực với trẻ thì ảnh hưởng đầu tiên đến thân thể của trẻ, khiến trẻ bị đau. Không chỉ vậy bạo lực còn ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ, nó làm cho trẻ bị áp lực tinh thần và lớn lên đứa trẻ đó có thể hay sợ hãi, hay giận dữ và mất tự tin. Điều đáng sợ nhất là đứa trẻ bị người lớn sử dụng bạo lực sẽ nghĩ rằng mọi vấn đề trên đời này đều có thể giải quyết bằng bạo lực. Từ đó, khi đứa trẻ lớn lên rất có thể nó sẽ lại sử dụng bạo lực trong tất cả các trường hợp. Dẫn chứng một hình ảnh để các phụ huynh có thể hình dung ra “ám ảnh” bạo lực ở trẻ con: Một đứa trẻ nhìn thấy đàn kiến đi qua nó, nó có thể lấy tay đè bẹp và giết chết từng con kiến... mà không cảm thấy sợ hãi, không cảm thấy thương những con kiến bé nhỏ. Rồi khi lớn lên, cũng vì hình ảnh bạo lực ám ảnh, đứa trẻ đó có thể sát hại những sinh vật to lớn hơn vì không có tình thương và cảm thấy bạo lực là chuyện “bình thường”.
Với những bậc phụ huynh thiếu kiềm chế, dù thi thoảng có thể quá bực tức trước những việc làm sai của con cái thì có thể bột phát quát mắng con, thậm chí đánh con mình, thì khi trấn tĩnh lại, những bậc phụ huynh đó cần phải nhìn lại vấn đề, xem xét hành vi của mình, cố gắng điều chỉnh hành vi của mình, thậm chí bên cạnh việc tìm cách phân tích cho con trẻ thấy được những cái sai của chúng thì bản thân phụ huynh cũng phải thấy rằng đánh mắng trẻ cũng là một hành động sai trái và cần phải nhận lỗi với con, thậm chí là phải xin lỗi để tránh đứa trẻ bị bạo lực tổn thương tinh thần.
Để thực hiện kỷ luật “không nước mắt” đối với trẻ em thì không thể chỉ bằng một hành động, trong một thời điểm mà phải được ứng xử thường xuyên với “quy tắc” phù hợp. Theo bà Ái Liên thì phải có “quy tắc” trong thưởng phạt đối với trẻ em, bên cạnh đó khen - chê trẻ cũng phải có “nghệ thuật” và quan trọng nhất là phải có “quy tắc ứng xử”.
Khích lệ và cho trẻ thời gian
Hãy cho trẻ thời gian và khích lệ trẻ để trẻ tiến bộ và có thể thực hiện điều cha mẹ mong muốn, điều này được chuyên gia khích lệ các bậc cha mẹ trong cách thưởng - phạt một đứa trẻ. Cha mẹ có thể đề ra những phần thưởng cho trẻ để khuyến khích trẻ thực hiện những mục tiêu đề ra. Chẳng hạn, cha mẹ có thể nói với con mình là nếu hàng ngày trẻ tự giác học bài thì một ngày trẻ sẽ được tính một “điểm thưởng”, sau một thời gian cộng nhiều “điểm thưởng” cho trẻ thì cha mẹ có thể đổi thành những “món quà” mà trẻ thích, ví dụ đổi một số “điểm thưởng” nhất định trẻ đạt được để cho trẻ đi chơi công viên, hay đổi “điểm thưởng” cho trẻ đi mua sách truyện.v.v. Cho trẻ cơ hội để cố gắng phấn đấu từng bước một là điều rất cần thiết. Nếu trẻ tích cực thực hiện mục tiêu cha mẹ đề ra để đạt được những phần thưởng theo mức độ tăng dần, thì cha mẹ cũng phải đặt những phần thưởng trẻ mong muốn nhiều nhất ở những mức cao và khích lệ để trẻ phấn đấu.
Trẻ cần được bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của chính mình, tốt hơn là chịu sự áp đặt cứng nhắc của người lớn |
Mặc dù có thể lấy “vật chất” ra để làm phần thưởng cho trẻ khi trẻ tiến bộ hoặc có những thành tích, song theo chuyên gia thì điều quan trọng hơn việc dành cho trẻ những phần thưởng vật chất là phải làm sao cho trẻ có được ý thức, có ý chí vươn lên, tự muốn học hỏi, tự muốn thử sức, tự muốn rèn luyện. Những lời khen thật lòng của các bậc cha mẹ rất cần để trẻ nhanh tiến bộ.
Phải cho trẻ tự muốn làm việc tốt, chứ không phải “bắt” trẻ làm việc tốt vì cha mẹ, vì gia đình, hay vì những người khác, vì những lý do khác mà trẻ không thấy “thuyết phục”. Phải để trẻ nghĩ rằng trẻ làm việc tốt vì trẻ muốn thế và tự nhận thấy trẻ cần phải làm việc tốt và không muốn làm việc xấu.
Đứa trẻ nào cũng có thể sửa lỗi
“Chỉ có hành động xấu, còn trẻ thì phải luôn luôn tốt” - Đó là nhắn nhủ của chuyên gia Ái Liên với các bậc cha mẹ khi muốn kỷ luật trẻ mỗi khi trẻ mắc lỗi. Cha mẹ phải hiểu và có cách thức để chê con trẻ khi trẻ mắc lỗi, để trẻ không thấy mình bị chỉ trích nặng nề và sẵn sàng sửa lỗi khi mắc lỗi. Khi trẻ mắc lỗi, không nên bắt trẻ nhìn nhận chúng là chủ thể của hành động sai, cần phải giúp trẻ hiểu rằng hành động nào thì là sai và một đứa trẻ ngoan thì không làm điều sai. Cha mẹ hiểu được những sai lầm của cha mẹ khi khen chê con mình và biết cách khắc phục, thì sẽ khiến những đứa con “tâm phục” và mỗi khi trẻ phạm lỗi, chúng sẽ biết lắng nghe cha mẹ nói, biết lắng nghe cha mẹ phân tích lỗi sai của chúng.
Hình ảnh bạo lực ám ảnh trong đầu những đứa trẻ và rất có thể được “mầm mống” từ những biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực của gia đình đối với các em. |
Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải dùng tới biện pháp kỷ luật khi trẻ mắc lỗi thì các bậc cha mẹ cũng phải học hỏi, suy nghĩ về phương pháp kỷ luật trẻ sao cho trẻ nhận ra lỗi của mình và quyết tâm sửa sai, tránh phạm lại lỗi. Những đứa trẻ không thể ngoan ngay theo ý cha mẹ, không thể sửa lỗi ngay nếu không được cha mẹ tạo điều kiện phấn đấu. Cần phải cho trẻ thời gian, khích lệ tinh thần của trẻ.
Để trẻ sửa sai, bên cạnh dùng biện pháp kỷ luật mang tính tâm lý thay vì sử dụng những hình thức bạo lực tinh thần và thân thể đối với trẻ, để trẻ ít mắc lỗi hơn thì chính cha mẹ cũng cần phải làm gương cho trẻ. Nếu cha mẹ là những tấm gương xấu thì trẻ cũng không thể học hỏi được điều tốt ở cha mẹ.
Minh Thư