Liệu chỉ có con đường đại học mới mang lại nhiều lựa chọn hơn trong tương lai?

GD&TĐ - Ngày càng nhiều bạn trẻ luôn băn khoăn với câu hỏi: “Liệu học đại học có phải là con đường duy nhất để tìm được công việc đúng với ước mơ?”.

Liệu chỉ có con đường đại học mới mang lại nhiều lựa chọn hơn trong tương lai?

Giữa bối cảnh công nghệ và mạng xã hội phát triển như vũ bão, nhiều người thành công nhờ tự học. Trong khi đó, nhiều sinh viên ra trường chưa xin được việc làm, phải làm lao động chân tay, vật lộn mưu sinh càng khiến nhiều bạn trẻ băn khoăn giữa các lựa chọn.

Sự phân vân này không chỉ nằm ở cá nhân các bạn trẻ mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội. Cùng chia sẻ về quan điểm này, nhà báo Lê Hồng Lâm – một cây viết nổi tiếng trong lĩnh vực phim ảnh, nghệ thuật – cho biết anh thường xuyên được các bạn trẻ đặt câu hỏi: “Đại học có phải con đường duy nhất để vào đời không?”. ​​Bài đăng của Hồng Lâm thu hút hàng nghìn lượt “like” và hơn 100 lượt bàn luận sôi nổi.

Khi đại học không còn là con đường duy nhất….

Hơn 20 năm trước, Lê Hồng Lâm, giống như nhiều người trẻ thời đó, tin rằng học đại học là con đường tốt nhất để theo đuổi ước mơ. Tuy nhiên, với kiến thức và trải nghiệm sau 20 năm làm nghề, anh đã có cái nhìn rộng mở hơn. Anh tin rằng các bạn trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn cho tương lai nếu biết chấp nhận rủi ro và tìm kiếm cơ hội khác ngoài giảng đường.

Tài khoản V.Q.M nêu ý kiến rằng học nghề và làm thợ giỏi vẫn có tương lai sáng lạn. Ở Đức, nhiều người trẻ chọn học nghề thay vì học đại học do thị trường lao động cần thợ lành nghề hơn là cần thầy giáo. Đôi khi, lương của thợ lành nghề còn cao hơn cả lương kỹ sư.

Nhiều người trong chúng ta đi làm vì áp lực từ bố mẹ, xã hội, và cuộc sống. Chúng ta quên rằng công việc là cho chính mình. “Đôi khi, chúng ta bắt đầu công việc từ sở thích, nhưng rồi trách nhiệm và thu nhập dần biến nó thành một hành trình mà động lực bên trong chuyển hóa thành động lực bên ngoài. Điều này không tốt hay xấu hơn, chỉ là sự yên tĩnh giúp bạn lắng nghe bản thân rõ hơn. Vì thế, hãy dành thời gian yên tĩnh để suy nghĩ về câu hỏi này và tìm con đường phù hợp nhất cho mình” - trích dẫn từ chia sẻ của chị Thuỳ Minh - nhà sáng tạo nội dung số. Việc áp lực từ nhiều phía đôi khi cũng trở thành yếu tố làm giảm thiểu “sự lành mạnh" khi đưa ra lựa chọn cho bản thân.

Thành công đến từ nhiều con đường khác nhau, đại học không phải là lựa chọn duy nhất để có thể đạt được những mục tiêu trong cuộc sống và sự nghiệp. Xã hội hiện đại đang ngày càng tạo ra những công việc, những lĩnh vực đa dạng đòi hỏi các kỹ năng và kinh nghiệm khác nhau. Những công việc này không chỉ dành cho những người có bằng cấp cao mà còn cho những người có tay nghề, kinh nghiệm thực tế và khả năng sáng tạo. Vì vậy, việc tìm kiếm và phát triển bản thân theo nhiều hướng khác nhau sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của thị trường lao động. Nên là “Sự nhạy bén nhận ra ngách thị trường và có kỹ năng để đáp ứng, cơ hội và thu nhập là không giới hạn” - youtuber Sunhuyn chia sẻ.

Cũng vì lẽ đó, chủ đề này luôn nhận được nhiều sự quan tâm khi được chia sẻ rộng rãi trên các trang và nhóm cộng đồng. Mỗi bài đăng thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ và thảo luận sôi nổi về các lựa chọn sau khi tốt nghiệp THPT.

TCB 19.7 -2.png
Hình ảnh minh hoạ các chia sẻ gần đây từ các kênh cộng đồng trên các nền tảng mạng xã hội

Với nhiều thế hệ, đại học vẫn là nền tảng vững chắc để phát triển

Trong khi đó, nhiều người cho rằng trường lớp rất quan trọng, con đường đến thành công dễ đi nhất. Kể về trải nghiệm của bản thân dưới bài đăng của Lê Hồng Lâm, một tài khoản tên Chu Hoài Phương cho biết chị từng đi làm công nhân hơn một năm sau khi tốt nghiệp trung học. Đó là quãng thời gian giúp chị hiểu giá trị của việc có một tấm bằng đại học và quyết tâm trở lại con đường học hành. Trải qua nhiều công việc mang lại thu nhập rất cao và những cơ hội đổi đời đều không liên quan đến kiến thức đã học ở giảng đường nhưng chưa bao giờ chị thấy đi học là điều vô ích.

Tham gia vào cuộc bàn luận này, nhà báo Phan Đăng bày tỏ quan điểm dù ở hoàn cảnh nào cũng nên học đại học. Một vài cái tên nổi tiếng không học đại học vẫn thành công không thể đại diện cho số đông. Theo anh, trường học là nơi nhanh nhất để tiếp thu kiến thức được tổng hợp một cách có hệ thống thay vì mất thời gian tự mò mẫm. Anh luôn trân trọng thời gian theo học hai trường đại học vì không chỉ thu nạp kiến thức mà còn học được cách tư duy để trở thành một nhà báo, một diễn giả vững nghề.

Phan Đăng tin rằng những chất liệu tư duy, kiến thức bài bản ở trường đại học truyền thống là nền tảng để các bạn trẻ dễ thích nghi, làm chủ bản thân ở trường đại học cuộc đời. “Ngay cả khi bạn đến gặp tôi, cho tôi thấy bạn có khả năng tự học tốt thì với tất cả sự thành thật của mình, tôi vẫn khuyên bạn nên trải nghiệm một lần ngồi lên ghế giảng đường”, cựu MC “Ai là triệu phú” bày tỏ.

TCB 19.7 -3.png
Phan Đăng trong một buổi chia sẻ với các bạn sinh viên

Mỗi người, mỗi cuộc đời, mỗi sự lựa chọn

Theo Giáo sư Trương Nguyện Thành chia sẻ trên trang cá nhân của mình, 5 năm đại học không quyết định vận mệnh cuộc đời. Yếu tố quyết định chính là tinh thần cầu thị, ham học hỏi, và khao khát trở thành phiên bản tốt hơn qua từng ngày. Mọi tên tuổi lừng lẫy trên thế giới hay ở Việt Nam đều là biểu tượng của tinh thần tự học, dù có bằng cấp hay không.

"Học" không chỉ đơn thuần là tiếp thu kiến thức chuyên môn mà còn là cơ hội để rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy phân tích, giải quyết vấn đề phức tạp, làm việc nhóm, và tư duy sáng tạo. Trong một tương lai đầy bất định, không có con đường phát triển sự nghiệp nào là hoàn hảo và chắc chắn. Sự kiên trì, tính kỷ luật, tư duy sáng tạo và tinh thần ham học hỏi sẽ là những yếu tố quyết định sự thành công.

Mỗi con người đều có mỗi năng lực khác nhau, thế nên con đường thành công của họ cũng vô vàn các sự lựa chọn khác nhau. Nếu tấm bằng đại học là điều không thể thiếu để bạn theo đuổi ước mơ của mình, thì hãy chăm chỉ học tập hết mình, tích lũy thật vững chuyên môn. Nhưng nếu con đường bạn muốn hướng tới không nhất thiết phải được đo đếm bằng chương trình đại học kéo dài nhiều năm, thế thì đừng ép buộc bản thân phải đi học đại học như xã hội nghĩ, hãy dành thời gian học thứ khác để tới được ước mơ của bạn.

Suy cho cùng, để chinh phục bất kỳ mục tiêu nào, chúng ta thật sự cần chú trọng phát triển kỹ năng, liên tục cập nhật kiến thức để thích nghi với sự thay đổi của xã hội và thế giới ngoài kia. Tương lai của bạn bắt đầu từ hôm nay, từ những nỗ lực nhỏ nhặt nhưng bền bỉ. Hãy luôn mở rộng tầm nhìn, không ngừng học hỏi và sáng tạo. Điều quan trọng là phải kiên trì và không sợ thất bại, vì mỗi lần vấp ngã là một bài học quý giá. Với sự quyết tâm và thái độ tích cực, bạn sẽ từng bước tiến gần hơn đến những thành công và mục tiêu mà mình mong muốn.

Dù bạn đang trên hành trình nào, thì việc xác định rõ mục tiêu, xây dựng nền tảng, đều bắt đầu bằng “hành động" của chính bạn ngay lúc này.Chúc bạn sớm tìm được con đường phù hợp dẫn tới phiên bản tốt nhất của chính mình!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ