Liên thông từ cao đẳng lên đại học: Lựa chọn vững vàng, tương lai vững chắc

GD&TĐ - Điểm thi không như mong muốn, việc lựa chọn học cao đẳng và liên thông lên đại học là một lộ trình linh hoạt và thiết thực cho nhiều thí sinh.

Chuyên gia tuyển sinh đến từ các trường cao đẳng tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến với chủ đề “Chọn nghề vững chắc, không lo thất nghiệp”. Ảnh: P.V
Chuyên gia tuyển sinh đến từ các trường cao đẳng tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến với chủ đề “Chọn nghề vững chắc, không lo thất nghiệp”. Ảnh: P.V

Lựa chọn học nghề tại các trường cao đẳng, sau đó liên thông lên đại học đang trở thành một lộ trình thông minh, linh hoạt và mang lại nhiều lợi thế thiết thực. Người học có thể liên thông từ trường nghề lên đại học như thế nào và lộ trình này có thực sự thuận lợi không?

Đây là thông tin của các chuyên gia từ những cơ sở đào tạo uy tín tại chương trình Tư vấn tuyển sinh trực tuyến 2025 do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức, sáng 22/7.

Chương trình có sự tham gia của đại diện 4 cơ sở đào tạo uy tín: Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, Trường CĐ iSPACE, Trường CĐ Công nghệ TPHCM và Trường CĐ Bách Khoa Sài Gòn, giúp phụ huynh và học sinh có cái nhìn rõ nét về định hướng nghề nghiệp tương lai.

Rõ ràng, linh hoạt và được công nhận

Trước băn khoăn của nhiều thí sinh về con đường liên thông đại học, ThS Nguyễn Duy Tiến, Trưởng Phòng Tuyển sinh - Truyền thông Trường CĐ Công nghệ TPHCM, khẳng định: đây là một nguyện vọng hoàn toàn chính đáng và đã được thể chế hóa bằng quy chế đào tạo liên thông của Bộ GD&ĐT.

Lộ trình này đã và đang được triển khai rất hiệu quả tại nhiều trường. Đơn cử, Trường CĐ Công nghệ TPHCM đã ký kết hợp tác với nhiều trường đại học uy tín để tạo điều kiện cho sinh viên liên thông lên bậc đại học: Khối ngành Kinh tế: Liên thông với Đại học Tài chính – Marketing; Khối ngành Công nghệ và Kỹ thuật (Công nghệ ô tô, Điện tử...): Liên thông với Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM; Khối ngành truyền thống (Dệt may): Liên thông với các trường thuộc Bộ Công Thương như Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.

25038341e2076b593216.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ TPHCM.

Một trong những ưu điểm lớn nhất của lộ trình liên thông là sự linh hoạt. Các lớp liên thông thường được tổ chức vào cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) và kết hợp học trực tuyến đối với các môn lý thuyết.

Điều này giúp người học vừa đi làm tích lũy kinh nghiệm, vừa có thể tiếp tục nâng cao trình độ. Thời gian để hoàn thành chương trình đại học thường chỉ mất từ 1,5 đến 2 năm.

ThS Nguyễn Duy Tiến nhấn mạnh: "Quan trọng hơn, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng từ bất kỳ trường nào đều có thể đăng ký liên thông tại các trường đại học trên toàn quốc có tuyển sinh hệ liên thông, không giới hạn ở các trường đối tác."

Tiết kiệm chi phí, vững tay nghề

Chia sẻ từ kinh nghiệm của chính bản thân, ThS Nguyễn Văn Minh Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, khẳng định việc chọn học cao đẳng sau khi tốt nghiệp THPT là một quyết định không hề hối hận. Lộ trình này mang lại nhiều lợi thế vượt trội.

Thực tế, chương trình cao đẳng thường kéo dài 2,5 năm, với hơn 70% thời lượng tập trung vào thực hành. Sinh viên ra trường với tay nghề vững vàng, tự tin gia nhập thị trường lao động sớm hơn, rút ngắn thời gian đào tạo và vững kỹ năng.

dscf9423.jpg
Sinh viên Trường CĐ iSPACE.

Bên cạnh những lợi thế về kỹ năng thực hành, việc lựa chọn học cao đẳng còn giúp giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho gia đình với mức học phí hợp lý, chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm.

Xu hướng tuyển dụng hiện nay cũng cho thấy các doanh nghiệp ưu tiên nhân sự từ các trường cao đẳng (chiếm tới 70%). Lý do là bởi sinh viên cao đẳng có kỹ năng thực tế tốt và phù hợp với cơ cấu lương của doanh nghiệp.

Sau khi đi làm, tích lũy kinh nghiệm và có thu nhập ổn định, việc học liên thông lên đại học sẽ trở nên chủ động và hiệu quả hơn rất nhiều.

ThS Nguyễn Văn Minh Tiến khẳng định: "Không có sự lựa chọn đúng, không có sự lựa chọn sai. Chỉ có sự lựa chọn phù hợp. Hầu hết các ngành học bậc đại học hiện nay đều có ở bậc cao đẳng, các em không lo thiếu ngành học, không lo thiếu việc làm".

Đào tạo gắn liền thực tiễn: Chìa khóa lập nghiệp vững chắc

Trong bối cảnh thị trường lao động nhiều biến động, chiến lược đào tạo gắn liền thực tiễn, kết nối sâu rộng với doanh nghiệp và cam kết việc làm chính là "chìa khóa" giúp sinh viên tự tin lập nghiệp. Đây cũng là thế mạnh cốt lõi của các trường cao đẳng.

Tại chương trình Tư vấn tuyển sinh trực tuyến 2025, các trường như CĐ Đại Việt Sài Gòn, CĐ iSPACE, CĐ Công nghệ TPHCM và CĐ Bách Khoa Sài Gòn đều nhấn mạnh triết lý đào tạo "thực học – thực hành – thực nghiệp".

Mô hình "Nhà trường - Doanh nghiệp - Sinh viên" được vận hành chặt chẽ, nơi các chuyên gia từ doanh nghiệp trực tiếp tham gia giảng dạy, mang kinh nghiệm thực tiễn vào từng bài giảng.

Nhờ chiến lược này, cam kết việc làm trở thành một bảo chứng tin cậy. ThS Lê Thị Bích Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, nhấn mạnh chiến lược "thực học – thực hành – thực nghiệp" với hơn 70% thời lượng dành cho thực hành. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp ở các ngành mũi nhọn luôn đạt trên 90%.

14be3a91fc0e4a50131f.jpg
Sinh viên Trường CĐ Bách Khoa Sài Gòn.

Để sinh viên và gia đình hoàn toàn an tâm theo đuổi con đường học vấn, các trường cao đẳng còn có những chính sách hỗ trợ tài chính thiết thực. Điển hình là quỹ học bổng 1,5 tỷ đồng của Trường CĐ Công nghệ TPHCM hay cam kết không tăng học phí toàn khóa của Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.

Ngoài ra, trước những lo lắng của học sinh, sinh viên về sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo (AI), ThS Lê Hoàng Bình Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ iSPACE, đã chia sẻ định hướng đào tạo của nhà trường. Ông cho biết, những năm qua các mô hình ứng dụng AI đã làm thay đổi cách làm việc và cuộc sống con người.

CĐ iSPACE định hướng chương trình đào tạo làm sao để sinh viên ngành Công nghệ thông tin không chỉ tồn tại mà còn có thể đón đầu xu hướng và không lo bị thay thế. Cụ thể, nhà trường giúp sinh viên ứng dụng thành thạo AI để tăng năng suất công việc, rút ngắn chương trình đào tạo, giúp người học tiếp thu nhanh kỹ năng và kiến thức.

img-6928.jpg
Sinh viên Trường CĐ Đại Việt.

Tại CĐ iSPACE, mục tiêu đào tạo không phải để sinh viên "chạy theo" công nghệ mà là làm chủ công nghệ. Chương trình học luôn được cập nhật theo các xu hướng công nghệ mới nhất và áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại. Đặc biệt, trường tích hợp kỹ năng sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ việc học tập, thay vì để AI thay thế con người.

Sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn được huấn luyện tư duy công nghệ – tư duy giải quyết vấn đề, thứ mà AI chưa thể thay thế con người.

"Con đường từ cao đẳng liên thông lên đại học không chỉ là một giải pháp tình thế khi không đủ điểm, mà đã trở thành một lộ trình chiến lược, giúp người học tiết kiệm chi phí, vững tay nghề, sớm có việc làm và xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự nghiệp tương lai", các chuyên gia nhấn mạnh.

Các diễn giả tham gia Chương trình Tư vấn tuyển sinh năm 2025.

Các diễn giả tham gia Chương trình Tư vấn tuyển sinh năm 2025.

Sáng 22/7, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến với chủ đề “Chọn nghề vững chắc, không lo thất nghiệp”.

Chương trình có sự tham gia của ThS Lê Thị Bích Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn; ThS Lê Hoàng Bình Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng iSPACE; ThS Nguyễn Duy Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Cao đẳng Công nghệ TPHCM và ThS Nguyễn Văn Minh Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn.

Với nhiều thông tin cập nhật và chia sẻ thực tiễn, chương trình gợi mở những hướng đi phù hợp trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh, nhu cầu nhân lực chất lượng cao tăng mạnh và sự chuyển dịch rõ rệt sang các ngành đào tạo thực hành, kỹ thuật – công nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ