Liên kết thi theo 2 nhóm là phương án tối ưu

Liên kết thi theo 2 nhóm là phương án tối ưu

(GD&TĐ) - Nên bật đèn xanh cho vài trường ĐH có năng lực tốt, có chuyên gia giỏi, nòng cốt tổ chức kỳ thi tuyển sinh và các trường ĐH khác tín nhiệm trường nào thì liên kết tham gia thi với trường đó. Cuối cùng nếu hình thành được 2 nhóm tổ chức kỳ thi tuyển sinh thì có thể hy vọng là chất lượng sẽ tốt. Ví dụ như ở phía Nam có thể là ĐHQG TP HCM, phía Bắc có thể là ĐHQG Hà Nội – GS Lâm Quang Thiệp chia sẻ với báo GD&TĐ.

Nên phân biệt hai khái niệm: “Tự chủ tuyển sinh” và “Tự chủ tổ chức thi tuyển sinh”

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp
GS.TSKH Lâm Quang Thiệp

Tôi cảm thấy nhiều người hiểu khái niệm “tự chủ tuyển sinh” của các trường ĐH không chính xác. Trường ĐH có quyền “tự chủ tuyển sinh” nhưng không có nghĩa là mọi trường đại học có quyền “tự chủ tổ chức thi tuyển sinh”.

Bởi vì tổ chức một kỳ thi tuyển sinh có chất lượng cao là một dịch vụ rất phức tạp và tốn kém mà một trường ĐH bình thường khó có thể làm tốt.

Do đó Nhà nước cần bố trí một bộ phận nào đó của mình hoặc cho phép một cơ quan nào đó tổ chức dịch vụ chuyên môn hóa này để hỗ trợ các trường đại học.

Có thể đưa ra một ví dụ để so sánh: chuyện viết thư và gửi thư cho người này người khác là quyền tự chủ của mỗi người, nhưng bưu điện là một dịch vụ chuyên môn hóa chung mà Nhà nước phải tổ chức để lo việc chuyển thư, chứ không phải mỗi người viết thư phải “tự chủ” chuyển thư đi.

Cũng như vậy, các trường ĐH cần được tự chủ tuyển sinh, nhưng cần có một dịch vụ chuyên môn hóa tổ chức một kỳ thi tuyển sinh chung để các trường có thể dựa vào đó lấy điểm nhằm tự chủ xét tuyển.

Ở nhiều nước tiên tiến (như  Nga, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan…) Nhà nước giao cho một cơ quan chuyên nghiệp của mình làm việc này, còn ở Mỹ có hai tập đoàn tư nhân đảm nhiệm. Có lẽ không có một nước tiên tiến nào trên thế giới thả nổi cho mọi trường đại học tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh cho mình.

Có thể nói các trường ĐH Mỹ tự chủ rất cao trong việc tuyển sinh, nhưng không có trường đại học nào tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh. Hai tập đoàn đánh giá tư nhân rất chuyên nghiệp tổ chức các dịch vụ thi SAT và ACT để các trường ĐH Mỹ lấy kết quả từ đó mà “tự chủ tuyển sinh”.

Hai tập đoàn này gần như chia đôi thị phần thi tuyển sinh ở Mỹ: Khoảng 1,5 triệu thí sinh thi SAT; 1,5 triệu thí sinh thi ACT. Mỗi dịch vụ thi nói trên  được tổ chức 5 - 6 lần/năm, học sinh Mỹ cuối bậc phổ thông muốn vào ĐH thì hoặc thi SAT, hoặc thi ACT. Nếu đợt này thi chưa tốt, học sinh có thể ôn luyện, nộp lệ phí để thi tiếp trong vài tháng sau. Từ các trường đại học đỉnh cao như Harvard đến các trường đại học, cao đẳng địa phương đều sử dụng các dịch vụ này.

Năm 1995, Vụ ĐH (Bộ GD&ĐT) có mời ông Chủ tịch ACT sang Việt Nam. Khi nói chuyện, tôi hỏi làm một đề thi tốn bao nhiêu tiền, ông ta trả lời là tốn khoảng 1 triệu USD. Chính vì làm đề thi chất lượng cao tốn tiền như vậy nên không có bất kỳ một trường ĐH nào ở Mỹ tự tổ chức thi tuyển sinh cả. Các tập đoàn chuyên nghiệp có thể bỏ nhiều tiền như vậy để làm đề thi vì lúc đó họ thu lệ phí của 1,5 triệu thí sinh mỗi năm khoảng 30 triệu USD.

Có người tưởng rằng cứ ra đề thi và cho thi một cách bình thường thì vẫn có điểm cao điểm thấp để có thể tuyển chọn. Họ nhầm! Làm như vậy thì chưa biết là cái điểm thu được đó đo cái gì, do đó việc tuyển chọn sẽ rất sai lệch. Có cả một khoa học và công nghệ để ra đề thi có chất lượng cao, đo được cái cần đo, nhưng công nghệ đó đòi hỏi phải có chuyên gia giỏi và chi phí cao.  

Tại Nga, một Bộ trưởng Bộ GD Nga đã nhận định tiêu cực lớn nhất ở trường ĐH là ở khâu tuyển sinh, nên nước Nga quyết tâm tổ chức một kỳ thi quốc gia chung kết hợp tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH. Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh từ năm 2009 để tổ chức kỳ thi này.  

Tóm lại, các trường đại học cần được tự chủ tuyển sinh, nhưng việc “thi tuyển sinh” không thể để mọi trường đại học “tự chủ” tổ chức mà phải có cách để thực hiện  dịch vụ thi tuyển sinh tương đối tập trung, chuyên môn hóa và có chất lượng cao.

Tối ưu là hình thành 2 nhóm trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh

Thi “3 chung” có nhiều ưu điểm, đặc biệt nó tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi thí sinh ở mọi miền của đất nước muốn thi vào trường ĐH nào cũng đều có cơ hội dự thi.

Nhưng “3 chung” còn một số hạn chế, trong đó có những bất cập về chất lượng đề thi cũng như việc quy định một điểm sàn chung là bất hợp lý, giảm quyền tự chủ của các trường. Nhưng nếu bỏ “3 chung” mà thả nổi cho mọi trường tự tổ chức thi là vô cùng nguy hiểm, chất lượng tuyển sinh sẽ rất kém và tiêu cực gia tăng.

Tôi cho rằng nếu Bộ GD&ĐT không còn tổ chức một kỳ thi tuyển sinh chung thì Bộ nên khuyến khích vài trường ĐH có năng lực tốt tổ chức kỳ thi, còn các trường đại học còn lại tín nhiệm trường nào thì liên kết với trường đó để tham gia đề án tuyển sinh chung.

Cuối cùng trong cả nước sẽ hình thành hai trung tâm tuyển sinh cho hai nhóm trường, chẳng hạn ở tại ĐHQG Hà  Nội và ĐHQG TPHCM. Một số trường đòi hỏi chất lượng cao hơn hoặc có yêu cầu đặc biệt về ngành nghề sẽ lấy kết quả kỳ thi chung của một trung tâm để “sơ tuyển”, sau đó bổ sung một số biện pháp kiểm tra khác để xét “chung tuyển”, còn đa số trường có thể chủ yếu dựa vào kết quả kỳ thi chung đó mà xét tuyển. 

Tại sao nên hình thành chỉ hai nhóm tuyển sinh? Vì rằng, như đã nói, quy mô dự thi đủ lớn thì mới có điều kiện thuận lợi làm đề thi có chất lượng cao.

Nếu làm được như vậy thì có thể tin là chất lượng tuyển sinh sẽ được nâng cao hơn hiện nay, vì rằng từ 2 trường ĐH nòng cốt và 2 nhóm trường này có thể chọn nhiều chuyên gia giỏi để làm đề thi, hai trung tâm tuyển sinh sẽ thi đua và “cạnh tranh” để đảm bảo chất lượng các kỳ thi chứ không độc quyền, và quan trọng là phía trên còn có Bộ GD&ĐT giám sát.

Bộ đã lưu ý là có thể hình thành nhiều nhóm “3 chung” (dùng đề chung, thi chung, sử dụng kết quả chung) nhưng tôi nghĩ chỉ nên hình thành 2 nhóm “2 chung” (dùng đề chung và thi chung, còn sử dụng kết quả để tùy từng trường quyết định).

Dự thảo quy chế tuyển sinh đã có ý này, nhưng cần có chủ trương khuyến khích rõ ràng, và làm thế nào để việc liên kết cuối cùng chỉ còn hai nhóm.  

Gia Hân ghi

*****

Nhằm giúp ngành Giáo dục có một phương án tuyển sinh theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục ĐH, vừa tạo điều kiện tối đa cho các nhà trường và thí sinh trong công tác tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực, khách quan, khoa học của một kỳ thi Quốc gia, báo Giáo dục & Thời đại mở “Diễn đàn trao đổi về phương án tuyển sinh đại học 2014”, đăng tải rộng rãi những ý kiến, chia sẻ, hiến kế tâm huyết của các nhà quản lý, các nhà giáo, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục.

Mọi trao đổi, đóng góp xin gửi về: gdtd.tuyensinh2014@gmail.com.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ