Liên kết SX để tăng giá trị cho cây thạch đen, giúp người dân xóa đói giảm nghèo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một trong những cây cho thu nhập kinh tế cao, cải thiện cuộc sống cho người nông dân ở Lạng Sơn là thạch đen.

Kế hoạch năm 2022 diện tích cây thạch đen trên địa bàn là 3.500ha, ước thực hiện 9 tháng đầu năm khoảng 3.000ha đạt 85,7% kế hoạch.
Kế hoạch năm 2022 diện tích cây thạch đen trên địa bàn là 3.500ha, ước thực hiện 9 tháng đầu năm khoảng 3.000ha đạt 85,7% kế hoạch.

Hiện thạch đen được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Dưới đây, là những chia sẻ về hướng phát triển của Lạng Sơn đối với cây thạch đen cũng như sản phẩm thạch đen của ông Lý Việt Hưng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn với Báo Giáo dục và Thời đại:

PV: Thưa ông, hiện Lạng Sơn là tỉnh có diện tích trồng thạch đen tương đối lớn, vậy ông có thể cho biết quy mô và những phương thức trồng hiện nay?

Ông Lý Việt Hưng: Những năm trước, diện tích trồng thạch đen trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn duy trì ở mức 1.600 – 2.000 ha/năm tập trung tại các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng.

Từ cuối năm 2020, Nghị định thư về các quy định Kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, diện tích trồng thạch đen đã tăng lên.

Năm 2021, diện tích trồng trên 3.100ha tăng 51,4% so với năm 2020, sản lượng đạt trên 17.000 tấn. Kế hoạch năm 2022 diện tích cây thạch đen trên địa bàn là 3.500ha, ước thực hiện 9 tháng đầu năm khoảng 3.000ha đạt 85,7% kế hoạch.

Thạch đen hiện nay được trồng chủ yếu bằng phương pháp giâm cành, trên đất ruộng và đất nương, sản xuất theo hình thức nông hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã. Theo đó, chúng tôi luôn chú trọng đến khâu bảo quản, nhân giống để có sản phẩm tốt nhất.

Đặc biệt, hiện nay thạch đen đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch ra nước ngoài do đó chúng tôi càng chú trọng đến công đoạn sản xuất sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn yêu cầu mà nước ngoài đề ra.

PV: Hiện nay, thạch đen đang được Trung Quốc nhập khẩu, vậy để đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như các chỉ số về an toàn để xuất sang Trung Quốc?

Ông Lý Việt Hưng: Để thạch đen xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, cần đảm bảo các điều kiện như: vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được cấp mã số do phía Trung Quốc xét duyệt, chấp nhận.

Trong thời gian vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tuyên truyền, hướng dẫn, thông báo tới hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các quy định của phía Trung Quốc về cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.

Tính đến nay, đã có 140 vùng trồng được cấp mã số với diện tích trên 660 ha; 13 cơ sở đóng gói được cấp mã số, đảm bảo phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, thực hiện việc kiểm tra giám sát đối với những vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số đảm bảo luôn duy trì tình trạng đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc.

Do những yêu cầu khắt khe của thị trường Trung Quốc bởi vậy Sở Nông nghiệp đặc biệt chú trọng, sát sao với các hộ dân về quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm.

Bởi không dễ dàng gì một sản phẩm từ nông nghiệp được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài do vậy cần chú trọng các yêu cầu đặt ra để từ đó xây dựng thương hiệu, mở rộng thêm thị trường các nước khác

Ông Lý Việt Hưng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh NC.

Ông Lý Việt Hưng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh NC.

PV: Từ khi thạch đen xuất đi nước ngoài người dân trồng thạch đen ở huyện Tràng Định cũng như một số huyện khác đã thoát nghèo, cũng như giải được bài toán khó về đầu ra. Vậy ông có thể chia sẻ hành trình để đưa thạch đen ra nước ngoài?

Ông Lý Việt Hưng: Trước đây, thạch đen chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, tuy nhiên, từ ngày 01/5/2018 phía Trung Quốc đã áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu, các doanh nghiệp phía Trung Quốc xin nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam đều phải có giấy phép của cơ quan chức năng với đầy đủ thông tin sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói.

Do vậy, các loại nông sản không được xuất khẩu chính ngạch bị dừng xuất khẩu sang Trung Quốc (kể cả đường tiểu ngạch). Đối với mặt hàng cây thạch đen khô, Trung Quốc ngừng nhập từ ngày 01/9/2018 đã ảnh hưởng tới người nông dân trồng thạch đen trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Xác định được những thay đổi trong chính sách biên mậu của Trung Quốc cho thấy đã đến lúc phải thay đổi hướng xuất khẩu, coi Trung Quốc là thị trường khó tính để giảm xuất khẩu tiểu ngạch, tập trung xuất khẩu chính ngạch, giảm thiểu rủi ro và tăng giá trị sản phẩm. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 1271/UBND - KTTH ngày 21/12/2018 về đề nghị hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc trong xuất khẩu thạch đen gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, đề nghị Bộ xem xét, giúp đỡ tỉnh Lạng Sơn thực hiện các yêu cầu của phía đối tác Trung Quốc để mặt hàng thạch đen được xuất khẩu chính ngạch.

Đồng thời, yêu cầu các Sở ban ngành và các huyện, thành phố khẩn trương triển khai tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nông dân sản xuất thạch đen nói riêng, nông sản nói chung và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản, đóng gói.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 24/9/2019 Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức đón tiếp, làm việc với đoàn chuyên gia kiểm dịch thực vật Trung Quốc tại Lạng Sơn để đánh giá vùng trồng và cơ sở đóng gói thạch đen.

Qua nhiều cuộc làm việc, tham gia góp ý dự thảo Nghị định thư, ngày 08/12/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Từ đây, thạch đen của Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

PV: Thưa ông, Lạng Sơn có định hướng cho phát triển cây thạch đen để phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo ra sao?

Ông Lý Việt Hưng: Thạch đen được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Định hướng phát triển thạch đen được đưa vào Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Về xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2020 – 2030.

Trong đó, xây dựng các vùng sản xuất tập trung tạo vùng nguyên liệu, hàng hóa quy mô lớn, làm cơ sở phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và khai thác, tạo thương hiệu sản phẩm, quy mô 3.000 ha tại các huyện Tràng Định, Bình Gia.

Ngày 21/01/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về các nhóm nhiệm vụ trọng tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện năm 2021. Trong đó, đưa ra nhiệm vụ “quy hoạch vùng trồng, cấp mã số vùng trồng cây Thạch đen, phấn đấu mở rộng diện tích vùng trồng cây Thạch đen từ 3.000 ha trở lên; tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá để thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm Thạch đen”.

Cho đến nay, các hoạt động cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ, đầu tư xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, … cho cây thạch đen vẫn đang được tiến hành thường xuyên, liên tục, có hiệu quả.

Tuy nhiên, ngoài xuất khẩu nguyên liệu thô, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, nước giải khát, chế biến dược liệu có uy tín, kinh nghiệm về chế biến đến Lạng Sơn khảo sát đầu tư nhà máy chế biến sâu sản phẩm thạch đen;

Đồng thời, chúng tôi mở rộng tìm kiếm kết nối thị trường, đưa sản phẩm thạch chế biến vào phân khúc chuỗi nhà hàng, hệ thống siêu thị; Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng khác như Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc,…

Tổ chức sản xuất theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiệu quả, khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết sản xuất để tăng giá trị và quản lý tốt chất lượng sản phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ