Liên kết trồng cà phê sạch để phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mong muốn xây dựng vùng cà phê sạch, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Lam Anh liên kết với người dân trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ.

Người dân trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và phát triển kinh tế.
Người dân trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và phát triển kinh tế.

Hợp tác xã 3 không

Ông Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (xã Glar, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) chia sẻ, với mong muốn xây dựng vùng trồng cà phê sạch đúng nghĩa, đơn vị đã đứng ra kêu gọi và liên kết người dân tham gia trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ. Những thành viên đầu tiên tham gia chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na tại địa phương. Khi tham gia vào tổ liên kết sản xuất, các thành viên sẽ được hỗ trợ, tập huấn, bổ sung các kiến thức canh tác trong việc trồng, chăm sóc và thu hái cà phê đáp ứng theo tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, thành viên thực hiện trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ sẽ được HTX đứng ra kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

“HTX cũng vận động thành viên và nông hộ trên địa bàn tham gia liên kết để xây dựng mô hình vườn ứng dụng mẫu. Vườn ứng dụng mẫu nhằm thay thế phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật độc hại sang việc sử dụng các chế phẩm vi sinh, tăng cường chăm bón vườn cây bằng các loại phân bón tự ủ, hữu cơ vi sinh. Hơn 30 hộ dân trên địa bàn xã Glar nói riêng và huyện Đăk Đoa đã mạnh dạn tham gia xây dựng vườn mẫu với tổng diện tích gần 15 ha”, ông Anh nói.

Cũng theo Giám đốc HTX, mô hình vườn mẫu được xây dựng để đối chứng về chi phí canh tác, hiệu quả chăm sóc, cải tạo vườn cây hướng đến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Với phương thức trồng cây bằng phân hữu cơ vi sinh, các loại phân tự ủ… để quản lý sâu bệnh hại sẽ dần thay thế thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Nhờ vậy, giảm thiểu lượng phân bón hóa học lên đến 70%, giảm được chi phí sản xuất một năm từ 30% – 50%.

“Khi người dân tham gia vào mô hình sản xuất, chúng tôi luôn thực hiện phương châm 3 không. Cụ thể, không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc trừ nấm bệnh hóa học. Khi chuyển đổi cơ cấu cung cấp dinh dưỡng giữa hai loại phân vô cơ và hữu cơ vẫn sẽ đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng cho cây trồng. Bên cạnh đó, ứng dụng chế phẩm vi sinh vào giai đoạn chăm sóc hợp lý, vườn cây sẽ phát triển bền vững”, ông Hữu Anh khẳng định.

Xoá đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn minh

Anh Xuân là một trong những người tiên phong chuyển đổi gần 1,5 ha cà phê trồng theo phương thức truyền thống sang tiêu chuẩn UTZ.

Anh Xuân là một trong những người tiên phong chuyển đổi gần 1,5 ha cà phê trồng theo phương thức truyền thống sang tiêu chuẩn UTZ.

Những năm trước kia, gia đình anh A Lut (làng Dôr 2, xã Glar, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) trồng cà phê theo phương thức truyền thống nên sản lượng không cao. Mặc dù làm quần quật sáng tối, thế nhưng nhà anh A Lut chỉ đủ ăn.

Khi hay tin trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, sử dụng chế phẩm vi sinh thay thế cho thuốc bảo vệ thực vật anh A Lut tìm hiểu để có hướng đi mới.

Sau khi nắm được thông tin, trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ sẽ mang đến năng suất, chất lượng cao và ít ảnh hưởng đến môi trường anh A Lut là một trong những hộ tiên phong đăng kí tham gia HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh. Tại đây, anh được HTX hướng dẫn cách bón phân, quản lý cỏ đúng theo quy trình. Đặc biệt là không dùng thuốc diệt cỏ và các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường,… Nhờ chăm sóc đúng cách, vườn cây của gia đình anh ngày càng đạt năng suất cao.

Anh Xuân (làng Groi Wet, xã Glar) là một trong những người tiên phong chuyển đổi gần 1,5 ha cà phê trồng theo phương thức truyền thống sang tiêu chuẩn UTZ. Sau khoảng 4 năm triển khai anh Xuân đã tìm hiểu kĩ về loại phân bón, cách cải tạo đất để phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Thay vì sử dụng phân bón hoá học, anh Xuân tận dụng các loại phân chuồng, dùng trấu lúa và vỏ cà phê để ủ phân.

“Việc sử dụng phân chuồng hay ủ phân từ trấu, vỏ cà phê… sẽ tiết kiệm, giảm thiểu chi phí. Đồng thời việc không sử dụng các loại phân bón hoá học sẽ hạn chế những ảnh hưởng, tác động đến môi trường. Hiện nay, vườn cây của gia đình tôi phát triển tốt và ổn định. Mỗi năm, với 1,5 ha cà phê gia đình tôi thu khoảng 5 tấn nhân”, anh Xuân chia sẻ.

Nhằm giúp thành viên có những hiệu quả, lợi ích nhất định, HTX đã liên kết với các công ty, như: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Olam…. Từ đó, hỗ trợ người dân ổn định đầu ra với giá cao hơn thị trường. Đồng thời, HTX cũng chế biến sản phẩm cà phê chất lượng cao mang thương hiệu Slarland Coffee, sản phẩm đã được UBND tỉnh Gia Lai công nhận đạt OCOP 3 sao vào năm 2020.

Với những hiệu quả mang lại, việc chăm sóc và áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn UTZ cùng ứng dụng chế phẩm vi sinh đã nhân rộng đến nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Đak Đoa, như: xã Trang, A Dơk, Kon Gang,… và các huyện lân cận như Mang Yang, Chư Sê,..

Ông Bùi Quang Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Glar cho hay, những năm qua nhờ các lớp tập huấn người dân đã áp dụng Khoa học – Kĩ thuật tiên tiến, hướng đến sản xuất cà phê chất lượng cao, bền vững.

Theo ông Thoại việc người dân áp dụng tiêu chuẩn như 4C, UTZ vào sản xuất đã thay đổi được nếp nghĩ cách làm và phương thức sản xuất truyền thống. Từ đó, tăng thu nhập hướng đến việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn minh tại địa phương. Đặc biệt, giảm thiểu các sản phẩm hoá học tác động đến môi trường sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ