(Ảnh minh họa, internet) |
Cụ thể, các cơ quan nêu trên có nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu cà phê gắn với sản xuất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa sản xuất và tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu theo hướng: nâng cao năng lực Hiệp hội Cà phê Ca Cao Việt Nam, tăng khả năng dự trữ cà phê khi xuống giá; kiểm soát giá xuất khẩu, nhất là đối với giá các hợp đồng giao hàng trong tương lai và trong kỳ hạn; kiểm soát ngăn ngừa hiện tượng ép giá thu mua, hạ giá khi xuất khẩu gây thiệt hại cho người trồng cà phê; hỗ trợ trực tiếp cho người trồng cà phê ký gửi khi có rủi ro về thị trường giá cả.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, việc hỗ trợ tài chính để trồng thay thế vườn cà phê già cỗi phải được thực hiện theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại công văn số 4450/VPCP-KTN ngày 1/7/2009. Theo đó việc vay vốn đầu tư cho công tác trồng tái canh phải thực hiện theo các quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của nhà nước và vay vốn từ chương trình kích cầu của Chính phủ. Tổng công ty Cà phê Việt Nam làm việc cụ thể với Ngân hàng phát triển Việt Nam và các Ngân hàng thương mại để được hướng dẫn cụ thể.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh và Bộ, ngành có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch phát triển ngành Cà phê Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2010, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực giảm so với cùng kỳ cả về lượng và giá trị như: Gạo đạt 677 triệu USD, giảm 30,7% về lượng và giảm 16,8% về giá trị; cà phê đạt 461 triệu USD, giảm 25,3% về lượng và giảm 31% về giá trị.
Giang Đông