Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân

GD&TĐ - Một hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hạt nhân đã được thông qua tại Liên hợp quốc hôm 7/7 mặc dù có sự phản đối từ các cường quốc hạt nhân như Anh, Pháp, Mỹ.

Quang cảnh cuộc họp của Liên hợp quốc
Quang cảnh cuộc họp của Liên hợp quốc

 Những quốc gia này cho rằng hiệp định không quan tâm tới thực tế đang phải đối phó với các mối đe dọa an ninh toàn cầu, ví dụ như từ Triều Tiên. Hiệp ước đã được thông qua với 122 phiếu thuận, 1 phiếu chống từ một thành viên của NATO là Hà Lan, và 1 phiếu trắng từ Singapore.

Không có quốc gia nào trong số 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel) tham gia đàm phán hoặc bỏ phiếu.

Thậm chí Nhật Bản, quốc gia duy nhất phải hứng chịu bom hạt nhân năm 1945, cũng tẩy chay các cuộc đàm phán giống như hầu hết các quốc gia NATO.

Những tiếng vỗ tay và reo hò vang lên hội nghị của Liên hợp quốc sau khi cuộc bỏ phiếu đã khép lại 3 tuần đàm phán về văn bản quy định đưa ra lệnh cấm phát triển, tàng trữ hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong vòng vài giờ sau khi hiệp ước thông qua, Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã bác bỏ hiệp ước và cho biết họ không có ý định tham gia. Trong 1 tuyên bố chung, đại sứ của 3 nước tại Liên hợp quốc cho rằng “sáng kiến này rõ ràng coi thường thực tế của môi trường an ninh quốc tế. Hiệp ước không đưa được ra giải pháp cho mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoặc giải quyết các thách thức an ninh khác theo đó khiến cho việc gia cố hạt nhân là cần thiết”

Triều Tiên đã đánh dấu một cột mốc khiến nhiều quốc gia lo ngại khi phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lần đầu tiên ngày 4/7 vừa qua.

Các cường quốc hạt nhân cho rằng kho vũ khí của họ đóng vai trò ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân và cho biết họ vẫn duy trì cam kết từng bước giải trừ vũ khí trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân kéo dài hàng thập kỷ tìm cách ngăn chặn phổ biến vũ khí nguyên tử nhưng cũng đặt trách nhiệm cho các quốc gia hạt nhân phải giảm bớt kho vũ khí của họ. Tuy nhiên, sự mất kiên nhẫn vẫn đang lớn dần trong số các nước không có vũ khí hạt nhân về tốc độ giải trừ quân bị chậm chạp, cũng như những lo ngại rằng vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ rơi vào tay kẻ xấu.

Theo AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.