Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh 2024: Đột phá sau 20 năm?

GD&TĐ - Với chủ đề 'Khát vọng phương Nam', Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh 2024 được kỳ vọng chọn ra những tác phẩm xứng tầm.

'Bông hồng cài áo' - vở diễn mới của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Ảnh: Hoàng Thái Thanh
'Bông hồng cài áo' - vở diễn mới của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Ảnh: Hoàng Thái Thanh

Với chủ đề “Khát vọng phương Nam”, Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh 2024 được kỳ vọng chọn ra những tác phẩm xứng tầm, khắc họa diện mạo của nghệ thuật sân khấu kịch nói, hướng đến những giá trị cốt lõi về đời sống của con người TP Hồ Chí Minh - văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nhiều năm chờ đợi

Khoảng 20 năm trước, TP Hồ Chí Minh là nơi sân khấu hoạt động sôi nổi nhất cả nước với nhiều liên hoan. Tuy nhiên, những liên hoan này không duy trì được lâu. Gần nhất là Liên hoan Sân khấu Mùa Thu được tổ chức lần đầu vào năm 1998 và sau đó vào năm 2001, với nhiều thể loại như kịch, cải lương, ca múa nhạc, xiếc… Năm 2006, TP Hồ Chí Minh tổ chức thêm Liên hoan Sân khấu Xã hội hóa toàn quốc rồi gián đoạn từ đây.

Theo nhiều chuyên gia am hiểu lĩnh vực này, một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ việc huy chương liên hoan không có giá trị cấp quốc gia, khiến chúng không đủ sức hút đối với các sân khấu.

Các vở diễn tham gia liên hoan có thời lượng từ 90 phút đến tối đa 150 phút, được dàn dựng từ năm 2021 đến nay. Đặc biệt, các vở diễn phục dựng phải có thành phần sáng tạo mới, chưa từng đạt giải tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hoặc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.

Trong khuôn khổ liên hoan, triển lãm tư liệu hình ảnh về hoạt động sân khấu TP Hồ Chí Minh sẽ được khai mạc. Triển lãm giới thiệu hoạt động sân khấu TP Hồ Chí Minh từ giai đoạn 1976 đến nay, cùng những vở diễn và nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật tham dự liên hoan.

Hiện nay, đời sống nghệ thuật và giải trí của thành phố phát triển nhanh về số lượng, việc tổ chức các liên hoan gom chung nhiều thể loại sẽ cồng kềnh. Tổ chức các liên hoan tách riêng, bắt đầu từ kịch nói và cải lương là điều cần thiết, không chỉ tạo sân chơi nghệ thuật theo tiêu chuẩn của hội đồng chuyên môn, mà còn đáp ứng nhu cầu thực tế của nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là nhu cầu về huy chương để xét tuyển danh hiệu.

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch tổ chức Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh 2024 nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Liên hoan dự kiến diễn ra từ 12 – 19/11, tập trung vào thể loại kịch nói, với sự tham gia của các đơn vị sân khấu trong và ngoài công lập tại thành phố và một số tỉnh, thành lân cận…

Theo NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, thành phố là nơi đời sống kịch nghệ hoạt động nhộn nhịp nhất cả nước, với rất nhiều đơn vị công lập lẫn xã hội hóa. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, các liên hoan sân khấu do Trung ương tổ chức lại diễn ra ở các tỉnh, thành khá xa TP Hồ Chí Minh, điều này vô tình khiến nhiều đơn vị tại thành phố muốn tham gia đành bỏ lỡ vì thiếu kinh phí di chuyển.

“Quay trở lại sau hơn 20 năm, Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh 2024 là dịp quan trọng để giới thiệu những giá trị tốt đẹp của nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là lĩnh vực sân khấu. Qua đó, đánh giá thành tựu, chất lượng hoạt động của nghệ thuật sân khấu thành phố. Sự kiện này cũng tạo cơ hội cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, cả công lập lẫn ngoài công lập, trên địa bàn thành phố giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm”, ông nói.

NSND Trần Ngọc Giàu cho biết thêm, hiện nay nhiều sân khấu tại TP Hồ Chí Minh chú trọng yếu tố giải trí, dẫn đến việc lơ là tính học thuật của kịch nghệ. Trong bối cảnh đó, tiêu chí cốt lõi của liên hoan sân khấu lần này đề cao tính thông điệp, ý nghĩa và cách thể hiện của các vở diễn nhằm nâng cao tính học thuật cho sân khấu giải trí, đồng thời giúp các nghệ sĩ cân bằng giữa nghệ thuật hàn lâm và giải trí bình dân.

Ông cho rằng, việc đặt trọng tâm vào thông điệp, cách thể hiện không chỉ làm cho sân khấu giải trí trở nên sâu sắc và có giá trị hơn, mà còn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ phát triển toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật và làm phong phú thêm môi trường sân khấu tại TP Hồ Chí Minh.

“Hy vọng liên hoan này sẽ tạo được “thương hiệu” riêng để có thể tổ chức định kỳ và được người làm nghề, khán giả chờ đợi”, ông nhấn mạnh.

Gấp rút xây dựng tác phẩm

lien-hoa-san-khau-tp-hcm-2024-dot-pha-sau-20-nam-1.jpg
Vở diễn 'Vịt chạy đồng' của các bạn sinh viên được NSND Trịnh Kim Chi cân nhắc đem tới liên hoan. Ảnh: Trịnh Kim Chi.

Ngay sau khi kế hoạch tổ chức Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh 2024 được công bố, nhiều đơn vị nhà hát kịch đã gấp rút xây dựng tác phẩm tham dự. Các nghệ sĩ cũng kỳ vọng hội đồng nghệ thuật của liên hoan tìm được những tác phẩm xứng đáng, chất lượng cao, khắc họa được diện mạo của nghệ thuật sân khấu.

Với diễn viên Đình Toàn (Nhà hát kịch Idecaf), việc có một liên hoan lớn được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh tạo nhiều thuận lợi cho các đoàn kịch tại thành phố vì tiết kiệm được chi phí di chuyển, sắp xếp nhân sự, chi phí phục trang và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận khán giả.

“Điều này không chỉ tạo sự tiện lợi mà còn cho chúng tôi cảm giác như một ngày hội nghề của anh chị em ở các đơn vị sân khấu. Mọi người có thể gặp gỡ, giao lưu và xem các tác phẩm của nhau. Liên hoan cũng là cơ hội để chúng tôi trao đổi, học hỏi và rút kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng và phát triển tốt hơn trong công việc của mình”, anh nói.

Chia sẻ về quá trình chuẩn bị tác phẩm dự thi, diễn viên Đình Toàn cho biết, với chủ đề “Khát vọng phương Nam”, Nhà hát kịch Idecaf chọn vở diễn mang hơi hướng đặc trưng của vùng đất này. Đó là vở diễn “Đức Thượng công tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” (tác giả: Phạm Văn Quý, đạo diễn: Hoàng Duẩn).

Vở kịch kể về nhân vật lịch sử quan trọng của Nam Bộ, một vị công thần trong những ngày đầu khai phá và phát triển vùng đất phương Nam.

“Ông Lê Văn Duyệt không chỉ góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển Nam Bộ, mà còn đưa nhiều nét văn hóa, nổi bật là hát bội đến với công chúng, tạo nên hoạt động văn hóa sôi nổi ở miền Nam. Đây sẽ là lựa chọn đầu tiên của chúng tôi cho liên hoan. Nếu có cơ hội được tham gia thêm vài tác phẩm khác, chúng tôi sẽ cân nhắc những vở kịch chất lượng, được khán giả đón nhận”, nam diễn viên cho hay.

Tiếp tục đem tới liên hoan chất trẻ, Sân khấu Thế Giới Trẻ dự thi vở kịch “Ông già trong đoàn lô tô” (tác giả và đạo diễn Bùi Quốc Bảo). Đây là kịch bản được phóng tác từ truyện ngắn “Cải ơi” của Nguyễn Ngọc Tư. Lực lượng diễn viên gồm những cái tên được khán giả trẻ yêu thích hiện nay như Khả Như, Quang Tuấn, Phương Lan, Hoàng Phi, Hồng Trang, Quỳnh Quý…

Còn Sân khấu Trịnh Kim Chi sẽ tham dự liên hoan với vở diễn “Khát vọng ngày mai” (tác giả: Trần Văn Hưng, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc). Vở diễn kể về khát vọng và hành trình của những con người muốn phát triển tuyến metro của thành phố, nhằm nối liền tuyến metro quốc gia.

“Tác phẩm thể hiện tình yêu Tổ quốc một cách dung dị mà sâu sắc, nhằm gửi đến khán giả thông điệp cùng chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Với ý nghĩa đặc biệt đó, các diễn viên rất chăm chút, sáng tạo cho vai diễn của mình”, NSND Trịnh Kim Chi (Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi) bộc bạch.

Dịp này, NSND Trịnh Kim Chi hy vọng liên hoan có thể cho phép mỗi đơn vị tham gia từ 2 vở diễn trở lên với mong muốn được thể hiện nhiều hơn cho khán giả. “Nếu liên hoan cho phép mỗi đơn vị tham gia từ 2 vở trở lên, chúng tôi muốn gửi thêm vở “Vịt chạy đồng” có nội dung ngợi khen, trân trọng nhân nghĩa ở đời của những người dân miền quê chân chất.

Đây là vở kịch tốt nghiệp của sinh viên nhưng có chất lượng nghệ thuật cao. Tuy nhiên, chúng tôi chờ xem tiêu chuẩn về diễn viên của liên hoan thế nào. Chúng tôi rất mong muốn có cơ hội để thể hiện nhiều hơn”, cô nói.

Trong niềm háo hức chờ đón liên hoan, Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần đầu tư vở diễn mới để tham dự. Đó là vở “Đồng chí” (tác giả: Lê Thu Hạnh) về đề tài chiến tranh, hậu chiến và vở diễn “Đêm vượn hú” (tác giả: Xuyên Lâm, đạo diễn: Chánh Trực) có đề tài xã hội và bảo vệ môi trường với màu sắc tâm lý, trinh thám.

“Tuyến nhân vật chính trong vở diễn này là những người đã trải qua cuộc chiến, cống hiến tuổi trẻ của mình cho cách mạng. Đây là một câu chuyện nhắc nhớ chúng ta về những gì ông cha đã hy sinh để quê hương mình đổi mới, văn minh như hôm nay.

Liên hoan nên được diễn ra hai năm một lần vì những người làm nghề trông chờ để gặp nhau, khoe những gì hay nhất của mình với đồng nghiệp. Quan trọng là khán giả thích xem những tác phẩm có nhiều màu sắc”, NSND Mỹ Uyên (Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B) cho biết thêm.

lien-hoa-san-khau-tp-hcm-2024-dot-pha-sau-20-nam-2.jpg
Nhà hát kịch Idecaf mang vở kịch 'Đức Thượng công tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử' tới liên hoan. Ảnh: Idecaf.

Mong chờ tác phẩm chất lượng

Cùng với quy mô lớn, sự tham gia của đông đảo các đơn vị nghệ thuật và hệ thống giải thưởng mang tầm quốc gia, Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh 2024 đặt ra tiêu chí kép, vừa đảm bảo tính nghệ thuật cao, vừa đáp ứng được thị hiếu của công chúng. Đó là thử thách lớn, nhưng cũng là cơ hội để kịch nói thành phố phát triển và đến gần hơn với công chúng.

Là một người trẻ có niềm yêu thích dành cho kịch nói, Nguyễn Bích Duy (sinh viên năm 4, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, liên hoan này khiến cô có thêm niềm tin sân khấu kịch nói đang ngày được quan tâm, đầu tư và phổ biến hơn với đông đảo khán giả, đặc biệt là những bạn trẻ.

“Việc tổ chức một chương trình liên hoan dành cho sân khấu kịch nói ở TP Hồ Chí Minh mở ra cho tôi thêm mong mỏi, không lâu nữa trong tương lai, các chương trình liên hoan dành cho loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc như cải lương cũng sẽ được tổ chức nhiều hơn và đều đặn hơn”, Duy cho hay.

Cũng theo Bích Duy, liên hoan lần này mang lại nhiều hiệu ứng tích cực cho khán giả. Đầu tiên, đối với những người yêu thích nghệ thuật, liên hoan tạo thêm cơ hội để họ tìm hiểu, tiếp cận và gắn bó hơn với loại hình này.

Đối với những người chưa quan tâm nhiều đến nghệ thuật, qua truyền thông và chia sẻ, liên hoan có thể thu hút thêm sự chú ý của họ. Cuối cùng, đối với các diễn viên trẻ, liên hoan cung cấp cơ hội học tập, làm nghề và cống hiến cho khán giả.

Đồng quan điểm với Bích Duy, Lê Xuân Nam (sinh viên năm 3, Trường Đại học Gia Định) cũng mong chờ những tác phẩm chất lượng được trình diễn tại liên hoan. “Tôi thường đến xem các vở kịch của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

Thông thường những vở kịch của sân khấu này sẽ hướng tới các câu chuyện ở vùng quê sông nước miền Tây, tình cảm gia đình, tình yêu và những câu chuyện đầy tính nhân văn. Trong liên hoan lần này, tôi mong chờ Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sẽ có những tác phẩm xuất sắc”, Xuân Nam chia sẻ.

UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức Liên hoan Sân khấu TP Hồ Chí Minh năm 2024. Ban tổ chức cho biết, dù quy mô tổ chức cấp thành phố, nhưng huy chương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận giá trị, đủ tiêu chuẩn để góp vào việc xét phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ