Quy chế được ký kết thực hiện Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025 với mục tiêu “Xác định rõ trách nhiệm và tăng cường năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc triển khai Đề án, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ của các Bộ trong việc phối hợp triển khai Đề án”.
Nhằm thống nhất các Bộ trong triển khai các chính sách về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em, Quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Đề án chăm sóc vì phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng (gọi tắt là Quy chế phối hợp liên ngành) có 4 chương và 21 Điều, gồm các nội dung chính như: phối hợp triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai thực hiện Đề án;
Nghiên cứu rà soát và thực hiện chính sách pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án; phối hợp triển khai chương trình tư vấn giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về phát triển toàn diện trẻ em; kiện toàn các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; xây dựng mạng lưới kết nối dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng;
Phối hợp triển khai các mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; phối hợp việc thống kê, cung cấp thông tin và báo cáo tình hình triển khai Đề án, nghiên cứu khoa học; giao ban liên ngành về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời.
Quy chế cũng phân công cụ thể trách nhiệm của các ngành trong việc phối hợp triển khai, thực hiện Đề án.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: Các Bộ cùng nhau thống nhất và triển khai Quy chế phối hợp liên ngành sẽ góp phần quan trọng để hoàn thành mục tiêu của quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quan trọng hơn nữa là bảo đảm cho trẻ em được phát triển toàn diện, được tiếp cận toàn diện các dịch vụ; can thiệp và hỗ trợ đồng bộ cho trẻ em góp phần quan trọng thực hiện Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng: Quy chế tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ để mỗi cơ quan hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng và tổn thương nặng nề đối với trẻ em, hàng nghìn trẻ em bị mồ côi do dịch bệnh COVID 19 gây ra mất mát đối với cha, mẹ các cháu, và ngay cả bản thân các cháu cũng phải hứng chịu bị mắc COVID 19. Hơn lúc nào hết, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội cần phải chung tay, hợp sức để bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đặc biệt nhấn mạnh: Trong giai đoạn tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ có tác động đến việc nâng cao chất lượng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, trong đó có nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 7 trẻ. Bởi vì, giáo dục trẻ tại nhóm này còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, cần có các chính sách và giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ giáo dục mầm non, đặc biệt là giáo dục mầm non ngoài công lập để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm chất lượng phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2022-2025.
Về phía bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Tạ Quang Đông ý kiến: Đánh giá cao việc các Bộ tham gia ký kết và triển khai Quy chế phối hợp liên ngành để thống nhất trong triển khai các chính sách về chăm sóc toàn diện trẻ em. Trong chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế, trong đó tập trung vào nhiệm vụ bảo đảm cho trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, rèn luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tầm vóc; tuyên truyền, giáo dục về việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ngay từ những năm đầu đời cho cha mẹ, các thành viên gia đình.
Bộ GD&ĐT đề cao vai trò các bậc cha mẹ tham gia vào quá trình chăm sóc phát triển trẻ thơ góp phần thực hiện tốt mục tiêu chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời, làm cho cha mẹ, cộng đồng hiểu về giáo dục mầm non, từ đó có sự thống nhất trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ nhà trường, gia đình và xã hội, đây được xem là vấn đề cơ bản đảm bảo cho việc thực hiện quyền trẻ em. Ngay sau Đề án được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 845/QĐ-BGDĐT ngày 5/4/2019 để hiện thực hóa các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án. – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh