Lịch sử pháo hoa

GD&TĐ - Ngày nay, hầu hết người dân trên thế giới đều có thể mua pháo hoa dễ dàng từ những quầy hàng để đốt mừng vào những ngày lễ, tết.

Pháo hoa.
Pháo hoa.

Pháo hoa hiện là một ngành kinh doanh hàng tỷ USD, nhưng để đạt được điều đó phải mất hàng nghìn năm.

Pháo hoa Trung Quốc

Bắt đầu từ khoảng năm 200 trước CN, người Trung Quốc cổ đại thường ném những thân cây tre vào các hố lửa nhằm tạo ra tiếng nổ để xua đuổi tà ma.

Truyền thuyết kể rằng, vào khoảng thời gian từ năm 600 - 900 CN, một nhà giả kim thuật người Trung Quốc đã trộn kali nitrat, lưu huỳnh và than củi để tạo ra một loại bột màu đen (sau này được gọi là thuốc súng). Bột này được đổ vào các thanh tre (và sau này là các ống giấy cứng) để tạo thành pháo hoa đầu tiên của con người. 

Những người hâm mộ pháo hoa Trung Quốc tiếp tục cải tiến kỹ thuật bằng cách thêm bụi thép và phôi sắt, làm cho các vụ nổ có hình dáng lung linh gần giống với pháo hoa mà chúng ta biết ngày nay.

Chẳng bao lâu sau, mục đích xua đuổi tà ma dần bị lãng quên, mọi người chỉ quan tâm đến ánh sáng xinh đẹp mà nó phát ra. Loại pháo hoa cổ xưa này dần trở thành một phần không thể thiếu trong lễ mừng năm mới và đám cưới ở đất nước này. 

Lịch sử pháo hoa ảnh 1

Pháo hoa ở châu Âu

Chỉ đến khi những tuyến đường thương mại giữa phương Đông và châu Âu mở ra, các quốc gia ở lục địa già mới được tiếp xúc với pháo hoa. Khi thuốc súng từ phương Đông tiến về phía Tây vào thời Trung cổ, người châu Âu mới bắt đầu thử nghiệm các hỗn hợp khác nhau để tạo thành những vật gây nổ với các mức độ khác nhau.

Người Ý là những người châu Âu đầu tiên chế tạo pháo hoa, và các nhà cai trị châu Âu đặc biệt thích sử dụng pháo hoa để “mê hoặc thần dân và chiếu sáng lâu đài của họ trong những dịp trọng đại”.   

Khi người châu Âu bắt đầu phát triển tên lửa, pháo hoa và tăng thêm sức công phá cho súng hỏa mai, đại bác. Họ cũng sử dụng pháo hoa tương tự như những loại pháo hình thành từ hỗn hợp tre và thuốc súng, trong những lễ kỷ niệm trang trọng, mặc dù không có các phối màu huyền ảo như ngày nay.

Do “các đội lính cứu hỏa” điều hành, các buổi lễ bắn pháo hoa được tổ chức trong các sự kiện tôn giáo lớn, lễ kỷ niệm của hoàng gia hoặc lễ mừng chiến thắng của quân đội.

Tranh vẽ cảnh đốt pháo hoa trên sông Thames ở Anh vào năm 1797.
Tranh vẽ cảnh đốt pháo hoa trên sông Thames ở Anh vào năm 1797.

Pháo hoa ở Mỹ

Khi nước Anh mở rộng 13 thuộc địa ở Mỹ, pháo hoa đã đến với đất nước non trẻ này vào cuối những năm 1700. Người ta tin rằng, những màn bắn pháo hoa ban đầu của Mỹ nhằm mục đích làm tăng nhuệ khí của binh lính trong chiến tranh, và có khả năng những màn trình diễn này kết hợp với việc bắn đại bác và súng hỏa mai trên khắp các thuộc địa. 

Pháo hoa mà người Mỹ biết và yêu thích ngày nay chỉ mới có mặt vào thế kỷ 19, khi người Ý bắt đầu thử nghiệm kết hợp kim loại với chất nổ để tạo ra những màn trình diễn công phu và đẹp mắt. Vào khoảng năm 1830, hai doanh nghiệp gia đình ở Ý đã nổi lên trong lĩnh vực chế tạo pháo hoa, là Zambelli Fireworks và Grucci Fireworks.

Họ bắt đầu cạnh tranh với nhau trong các cuộc thi về thiết kế, âm thanh, kích thước và màu sắc. Từ những cuộc thi này, họ nghiên cứu tạo ra các hình dạng và hoa văn qua những vụ nổ đầy màu sắc, thay đổi hoàn toàn cách mọi người nghĩ về pháo hoa.

Đến cuối những năm 1800, gia đình Grucci và Zambelli từ Ý chuyển đến Mỹ, mang theo những màn trình diễn pháo hoa lộng lẫy mới lạ.

Không lâu sau khi những doanh nghiệp pháo hoa đầu tiên đến Mỹ, Hiệp hội ngăn chặn tiếng ồn không cần thiết được thành lập để vận động cho việc hạn chế về pháo hoa. Nhờ vậy, mỗi tiểu bang đã thông qua luật về cách thức, địa điểm và thời điểm sử dụng pháo hoa, tránh những tai nạn nguy hiểm cùng những tiếng nổ gây tác hại trong cộng đồng dân cư.  

Những người yêu thích pháo hoa cũng không ngừng nghĩ cách để làm cho các vụ nổ ăn mừng của họ trở nên thú vị hơn và an toàn hơn. 

Ngoài ngày trọng đại 4/7 hằng năm, pháo hoa vẫn được người Mỹ sử dụng trong các ngày kỷ niệm, các cuộc liên hoan, sự kiện đặc biệt, tranh tài thể thao.

Theo Historydaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.