Li hôn để đầu tư bất động sản

GD&TĐ - Ở các thành phố lớn, Trung Quốc quy định mỗi hộ gia đình chỉ được phép sở hữu tối đa 2 căn hộ.

Nhờ chính phủ kiểm soát chặt chẽ, giá thành chung cư mới ở Trung Quốc đã hạ nhiệt.
Nhờ chính phủ kiểm soát chặt chẽ, giá thành chung cư mới ở Trung Quốc đã hạ nhiệt.

Bắt đầu từ năm 2015, họ phải đối mặt với một kiểu “lách luật” hết sức mệt mỏi: Tạm li hôn để mua thêm căn hộ, xong xuôi thì tái hôn.

Lấy quyền mua căn hộ

Năm 2020, Trung Quốc khủng hoảng vì tỉ lệ li hôn gia tăng, lên tới 3,36 vụ/1.000 dân. Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, họ phát hiện căn nguyên chính là Covid-19 và căn nguyên phụ hết sức khác thường: Đầu tư bất động sản.

Tại Trung Quốc, nhằm kiểm soát giá thành bất động sản, chính phủ quy định mỗi hộ gia đình chỉ được phép có tối đa 2 căn hộ. Các cặp vợ chồng muốn có nhiều căn hộ hơn đã nghĩ ra cách một “lách luật”: Li hôn.

Wu Xin (42 tuổi), sống tại Thượng Hải là một ví dụ. Chị có chồng và 2 đứa con trai, 2 căn hộ (đều do chồng đứng tên). “Tôi chắc chắn, giá nhà đất Thượng Hải còn tăng nữa”, Wu Xin dự đoán. Vì muốn có quyền mua căn hộ mới, chị cùng chồng lên kế hoạch “li hôn giả”.

Trên mặt pháp lý, Xin không có tài sản bất động sản. Sau khi li hôn, chị trở thành người không nhà và có quyền hợp pháp để mua căn hộ. Vào tháng 11/2020, vợ chồng Xin dắt nhau ra tòa.

“Kiểu li hôn để lấy quyền mua căn hộ này đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2015”, Wang Caihong (Thượng Hải), người trung gian mua bán bất động sản cho biết. “Không ai rõ đã có bao nhiêu cặp vợ chồng Trung Quốc li hôn vì nó, nhưng chắc chắn họ đã góp phần làm tăng tỷ lệ li hôn qua các năm, đặc biệt là năm 2020”.

Bất chấp tác động của Covid-19 lên tài chính, chỉ trong tháng 12/2020, tổng các căn hộ đã qua sử dụng được bán lại ở Thượng Hải là 39.000 (tăng 96% so với cùng kỳ năm 2019).

Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc xem li hôn giả như chiến lược kinh doanh bất động sản thu lợi lớn.
Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc xem li hôn giả như chiến lược kinh doanh bất động sản thu lợi lớn.

Lời “khủng”

“Tôi với chồng thường bảo nhau, chỉ cần tìm thấy căn hộ nào trong khả năng ngân sách của mình là phải mua lấy ngay”, Xu Qingra (39 tuổi) chia sẻ. Năm ngoái, vợ chồng Qingra “chấm” một căn hộ. Họ nhanh chóng hoàn tất thủ tục li hôn vào tháng 9/2020. Tháng 1/2021, Qingra lấy được giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà mới mua. Chỉ đúng 1 ngày sau, cô cùng chồng ra ủy ban đăng ký tái hôn.

“Bạn không thể tưởng tượng nổi, tôi đã hạnh phúc đến thế nào. Nếu không nhờ dứt khoát, vợ chồng tôi đã không có cơ hội để sở hữu căn hộ thứ 3 này”, Qingra hào hứng kể. Trước khi thành công mua nó, cô giữ bí mật nguyên nhân 2 vợ chồng li hôn. “Tôi cứ cảm thấy trái đạo đức thế nào đó”, Qingra tiếp tục. “Nhưng bây giờ, cô chỉ thấy vui sướng tột cùng”.

Xin thì có kế hoạch mua thêm nhà từ năm 2017, khi vợ chồng chị sinh đứa con trai thứ 2. Văn hóa Trung Quốc quan niệm, nam giới phải có nhà. Từ khi mới sinh con trai, các bậc phụ mẫu ở đây đã lo chuẩn bị nhà cửa mà sau này sẽ để lại cho “cậu ấm”. “Với vai trò là cha mẹ, chúng tôi có trách nhiệm phải mua thêm bằng được 2 căn hộ, cho mỗi đứa con trai một căn”, Xin tuyên bố.

Chính quyền Trung Quốc kiểm soát gắt gao giá bán căn hộ mới, giữ mức rẻ, tạo điều kiện cho người dân đủ tài chính mua. Thế nhưng, chính điều đó lại thúc đẩy lòng tham đầu tư bất động sản.

Cứ mỗi khi xuất hiện dự án phát triển khu định cư mới nào, người dân Trung Quốc lại đổ xô đến đăng ký. Năm 2018, Thượng Hải mở khu phức hợp nhà ở hơn 400 căn hộ tại Phố Đông và có tới trên 3.000 người đăng ký.

Để giải quyết, các dự án phải đưa ra hình thức rút thăm. Vợ chồng Wu thất bại khi rút thăm ở Phố Đông, nhưng thành công ở khu phố khác, với giá 80.000 tệ/m2 (khoảng 280 triệu đồng). Bây giờ, chỉ giá sàn căn hộ của họ đã ở mức 120.000 tệ/m2 (tương đương 420 triệu đồng).

“Xét ra thì qua vụ này, gia đình tôi lời đến 3,6 triệu tệ (tương đương 12,6 tỷ đồng)”, Xin khoe. Vì thế, chị không ngại li hôn để đầu tư bất động sản. “Tôi không cho rằng điều này là phi đạo đức. Khách quan mà nói, nó là một chiến thuật. Mỗi người đều có một chiến thuật đầu tư mạo hiểm khác nhau. Nếu bạn không thích thì đừng làm, chứ đừng có phê phán người khác”.

Trung Quốc quy định, mỗi hộ gia đình chỉ được phép sở hữu tối đa 2 căn hộ.
Trung Quốc quy định, mỗi hộ gia đình chỉ được phép sở hữu tối đa 2 căn hộ. 

Vỡ mộng đầu tư

Tháng 12/2020, vợ chồng Xin hoàn tất thủ tục li hôn. Vài ngày sau, họ xếp hàng tại một công trường xây dựng mới ở Thượng Hải, chờ rút thăm trúng người được mua. “Chỉ có 200 căn hộ được chào bán, mà có tới 2.600 người rút thăm”, Xin kể lại. Chị rút thăm không trúng, chỉ còn cách chờ cơ hội khác đến.

Trước đây, chính quyền Trung Quốc có phần “nhắm mắt làm ngơ” cho các cặp vợ chồng li hôn vì mục đích đầu cơ bất động sản như Wu. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc bùng nổ buôn bán bất động sản. Giá thành nhà đất đã qua sử dụng tăng chóng mặt.

Tháng 1/2020, ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Thâm Quyến và Thượng Hải, nó bất thần vọt gấp 1,3% so với năm trước. Lo ngại “nguy cơ bong bóng bất động sản”, Trung Quốc mạnh tay “hạ nhiệt thị trường”. Và, một trong các giải pháp hàng đầu của họ là chặn đứng “li hôn giả”.

Tháng 8/2020, Nam Kinh và Thâm Quyến thông qua quy định về bất động sản mới: Người li hôn chỉ được phép mua nhà sau 3 năm. Ngày 21/1/2021, Thượng Hải nối tiếp làm theo. Chỉ 1 tuần sau, số lượng các vụ giao dịch bất động sản giảm 26%.

“Chính sách mới đã tiêm một liều an thần vào thị trường nhà đất đang quá nóng sốt”, nhà phân tích bất động sản Yang Yulei nhận định. “Mặc dù vẫn còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì, nhưng ít nhất nó cũng góp phần chấm dứt các vụ li hôn giả”.

Về phần Xin, chỉ sau một đêm, giấc mộng đầu tư căn hộ tan vỡ. Nếu muốn có quyền mua, chị phải duy trì tình trạng li hôn thêm 2 năm 9 tháng. “Cho dù có chờ, tôi cũng không biết giá thành nhà đất sau này sẽ ra sao, rồi còn cả các chính sách nữa. Biết đâu đến lúc đó, tất cả đều bất lợi thì sao”, Xin ngậm ngùi. Chị quyết định tái hôn gấp.

Theo Sixthtone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ