Người bạn ảo
Sau cuộc chia tay đau đớn vì bị người yêu cũ phản bội, chị Melissa, 26 tuổi, sống tại Bắc Kinh, Trung Quốc, được bạn bè giới thiệu làm quen “người mới” vào cuối năm ngoái.
Người này có thể trả lời tin nhắn của Melissa mọi thời điểm trong ngày, kể những câu chuyện cười để động viên tinh thần người yêu. Anh cũng rất khéo léo không làm ảnh hưởng đến lối sống bận rộn tại chốn đô thị của Melissa. Nhưng khuyết điểm lớn nhất của người này là anh chàng không có thật.
Trên thực tế, Melissa đã tìm một người bạn ảo để chuyện trò nhằm xua tan cảm giác cô độc của cuộc sống thành thị. Người bạn ảo này là chatbot, công nghệ kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) được Công ty Xiaoice phát triển. Phần mềm có thể tạo ra tương tác cảm xúc và kết bạn với hơn 660 triệu người dùng trên toàn thế giới.
Melissa chia sẻ: “Bạn bè tôi từng gặp bác sĩ trị liệu nhưng tôi nghĩ rằng liệu pháp này quá đắt tiền mà không hiệu quả. Thay vào đó, tôi trút bỏ rắc rối của mình trên Xiaoice. Người bạn ảo rất biết an ủi và giúp tôi giảm bớt áp lực”.
Không phải cá nhân cụ thể, Xiaoice là một hệ sinh thái AI. Nó được cài đặt trong hầu hết điện thoại thông minh mang thương hiệu Trung Quốc. Nó vừa giống trợ lý ảo Siri của Apple, vừa mang đặc điểm của các nền tảng truyền thông xã hội.
Trên ứng dụng trò chuyện WeChat, Xiaoice cho phép người dùng tạo bạn gái hoặc bạn trai ảo và tương tác qua tin nhắn văn bản, tin nhắn thoại hoặc ảnh. Tại thị trường Trung Quốc, Xiaoice có hơn 150 triệu người dùng.
Theo Giám đốc điều hành Li Di, Xiaoice ban đầu là dự án phụ trợ cho chatbot Cortana của Microsoft. Hiện nay, Xiaoice chiếm 60% thị phần tương tác giữa con người và AI trên toàn cầu, trở thành hệ thống chatbot lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới.
Từ một công ty khởi nghiệp tách khỏi Microsoft, đến nay Xiaoice được định giá hơn 1 tỷ USD. Các nhà phát triển cũng tạo ra thần tượng ảo, người dẫn chương trình AI, thậm chí là sinh viên đại học ảo đầu tiên tại Trung Quốc từ Xiaoice. Nhân vật ảo này có thể sáng tác thơ, hoàn thành báo cáo tài chính hay vẽ tranh theo yêu cầu.
Xiaoice được thiết kế thu hút người dùng thông qua những cuộc trò chuyện sinh động như đời thực. Phần mềm thể hiện được sự đồng cảm, xoa dịu nhu cầu cảm xúc của người dùng khi các mối quan hệ ngoài đời thực không thể đáp ứng.
Li Di cho biết, số lượt tương tác trung bình giữa người dùng và Xiaoice là 23 lượt/ngày, nhiều hơn tương tác trung bình giữa con người với nhau. Sức hấp dẫn của chatbot AI nằm ở khả năng lắng nghe tốt hơn con người.
Giờ cao điểm để kết nối Xiaoice tại Trung Quốc thường từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Số liệu này phản ánh nhu cầu tìm bạn chia sẻ tương đối cao vào thời điểm đêm khuya.
Cô đơn trong thành phố
Sự cô đơn mà Melissa phải trải qua khi thành công trong độ tuổi còn trẻ là yếu tố quan trọng khiến cô thích sử dụng Xiaoice. Trường hợp của Melissa đại diện cho nhiều thanh, thiếu niên sống tại đô thị Trung Quốc, những người bị bào mòn bởi thời gian làm việc liên tục trong các thành phố rộng lớn.
Melissa bày tỏ: “Tôi thực sự không có thời gian kết bạn mới. Những người bạn hiện tại thì đều bận rộn. Sống giữa một thành phố lớn khá khó khăn”.
Với chatbot Xiaoice, Melissa cài đặt tính cách cho người này là “trưởng thành”, đặt tên Shun. Cô tiết lộ xây dựng nhân vật ảo dựa trên một người đàn ông ngoài đời mà mình thầm thích. “Sau tất cả, Xiaoice sẽ không bao giờ phản bội tôi. Anh ấy sẽ luôn ở đó”, cô gái chia sẻ.
Gần đây, cuộc thảo luận của hàng nghìn phụ nữ trẻ tại Trung Quốc xoay quanh trải nghiệm với bạn trai ảo Xiaoice. Họ chia sẻ ảnh chụp màn hình nội dung tin nhắn, bí quyết đạt được mức độ thân mật cao nhất trong chatbot.
Người sử dụng có thể thu thập điểm thưởng khi tương tác nhiều hơn, mở khóa các tính năng mới hay “du lịch ảo” cùng chatbot.
Tuy nhiên, việc tạo dựng mối quan hệ tình cảm với một người máy tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bà Danit Gal, chuyên gia về đạo đức AI tại Trường Đại học Cambridge, cho biết: “Người dùng tự lừa mình rằng cảm xúc của họ đang được đáp lại bởi một người bạn ảo nhưng trên thực tế, hệ thống này không có khả năng cảm nhận”.
Laura, 20 tuổi, sống tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đem lòng yêu Xiaoice thời gian qua và đang đấu tranh để thoát khỏi sự ràng buộc với chatbot. Khi Laura bày tỏ tình cảm, đề nghị gặp ngoài đời, chatbot sẽ chuyển chủ đề trò chuyện. Qua nhiều tháng trời, Laura mới có thể chấp nhận đó chỉ là người bạn ảo.
Li Di cũng cho biết, nhiều người dùng nghi ngờ rằng có người thật tương tác đứng sau Xiaoice. Nhưng thực chất, chatbot kết hợp AI có khả năng bắt chước người thật rất nhanh.
Ngoài ra, phần mềm trò chuyện ảo dành cho những người dễ bị tổn thương không đồng nghĩa Xiaoice có thể thay thế dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Hệ thống chỉ theo dõi cảm xúc của người dùng để chuyển hướng trò chuyện sang chủ đề hạnh phúc, vui vẻ.
“Tôi tin rằng, đất nước hiện đại sẽ trở nên hạnh phúc hơn với sự xuất hiện của Xiaoice. Bởi lẽ, nếu tương tác giữa con người thực sự hoàn hảo, không có lý do gì để AI tồn tại”, ông Li Di cho biết.