Theo đại diện Galaxy - đơn vị phát hành cho biết, ngày 17/6, hệ thống rạp toàn quốc chỉ còn bản Em và Trịnh.
"Chúng tôi tuân theo quy luật thị trường, phim nào chiếu tốt sẽ trụ rạp, phim nào ít được chọn sẽ nhường suất cho phim còn lại", đại diện phát hành thông tin trên báo chí.
Theo đơn vị này, cuối tuần qua, lượng khán giả chọn xem Em và Trịnh có tỷ lệ áp đảo so với bản phim còn lại.
Sau 5 ngày chiếu sớm (sneakshow), đến ngày 15/6, Em và Trịnh thu về gần 24 tỷ đồng, Trịnh Công Sơn đạt 1,6 tỷ đồng.
Trailer phim "Em và Trịnh" - ra rạp ngày 17/6. Video: Galaxy.
Bản 95 phút tập trung vào thời trẻ của nhạc sĩ (Avin Lu đóng). Những bóng hồng như Diễm Xưa, Dao Ánh, Thanh Thúy, Khánh Ly trở thành nguồn cảm hứng viết nhạc của ông. Phim tái hiện những năm nhạc sĩ sống trong chiến tranh, vượt khổ đau sáng tác những tình khúc bất hủ.
Ở bản 136 phút, ngoài câu chuyện thời thanh xuân, phim có thêm tuyến truyện giữa Trịnh Công Sơn trung niên (Trần Lực) và Michiko Yoshii (Nakatani Akari). Phim khắc họa chân dung nhạc sĩ gần gũi hơn, khi không còn ở đỉnh cao sự nghiệp, canh cánh nỗi lo cạn hứng sáng tác và mối tình lệch tuổi với nữ sinh Nhật Bản.
Sau khi phim công chiếu, nhiều khán giả cho rằng không cần thiết phát hành hai phiên bản, do Em và Trịnh đã bao hàm nội dung của Trịnh Công Sơn.
Trước đó, thông tin trên báo chí, ông Lương Công Hiếu – đại diện Galaxy, nhà phát hành phim – cho biết sau khi xem lại gần 1.000 giờ quay phim, êkíp quyết định chia tác phẩm thành hai bản. "5 năm theo đuổi dự án, chúng tôi tự tin vào chất lượng cũng như sự khác biệt của cả hai bản phim", ông Hiếu nói.
“Việc ra mắt hai phiên bản điện ảnh về Trịnh Công Sơn sẽ cho cái nhìn trọn vẹn hơn về nhạc sĩ. Chúng tôi hy vọng khán giả đủ lứa tuổi, trải nghiệm sống… sẽ tìm thấy hình ảnh một Trịnh Công Sơn của riêng mình” - đại diện Galaxy cho hay.
Em và Trịnh được bấm máy đầu tháng 11/2020, từng dự kiến ra mắt năm 2021 – dịp 20 năm giỗ Trịnh – nhưng phải hoãn vì dịch. Tác phẩm có kinh phí dự trù 40 tỷ đồng, sau khi quay là 50 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư ở bối cảnh từ thập niên 1960 đến 1990.
Phim gồm 40 diễn viên chủ chốt, 3.000 vai quần chúng, cùng nhiều cảnh trải dài từ Huế đến Thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng 1.000 bộ trang phục được sử dụng trong hơn hai tháng quay.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tự nhận liều lĩnh khi nhận lời làm phim tiểu sử, do thể loại này chưa thịnh hành trong nước. Theo đạo diễn chia sẻ, từ khi phim chưa quay, đạo diễn đã chịu nhiều lời soi xét từ khán giả. Đạo diễn đã chấp nhận và hy vọng phim thành công để các nhà sản xuất có động lực làm tác phẩm tương tự.