Ngày nay, thời đại công nghệ kỹ thuật số, những bà mẹ trẻ thường ru con bằng máy nghe nhạc được đặt bên cạnh chiếc nôi điện tự động đong đưa với những bài hát đầy đủ thể loại. Điều đó đã làm cho những câu hát ầu ơ trở nên thưa dần và lạc mất.
Thế cho nên có nhiều em lớn lên không biết một số câu hát mà từ xưa các bậc tiền nhân đã dùng nó làm lời răn hậu thế. Cũng như câu “Lên xe nhường chỗ bạn ngồi…” đối với trẻ con thời nay hẳn là xa lạ lắm. Cũng có thể chúng đã nghe được ở đâu đó nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa.
Nhiều bạn trẻ lên xe chưa mấy chú ý đến việc nhường chỗ cho người già, trẻ em
Xe buýt ngày thường lượng khách vừa đủ, nhưng ngày cuối tuần và những ngày lễ thì rất đông. Đa số là học sinh ở tỉnh về vai mang, tay xách. Một bà cụ bước lên xe trong bộ dạng nặng nề và yếu đuối. Xe chật ních không còn lấy một chỗ ngồi, thậm chí tôi đã lên từ hai mươi phút trước mà vẫn không có chỗ.
Bà cụ đứng trông thật khó nhọc, đôi tay bà với lên tay vịn run run như thể đôi chân kia không chịu đựng nổi trọng lượng của cơ thể. Thấy vậy, tôi bảo một em gái ngồi gần đó: “Này, con gái, con đứng với cô đi, nhường cho bà cụ ngồi!”. Bấy giờ, đứa học trò mới quay lại gật đầu nhìn tôi và đứng dậy. Bà cụ ngồi vào chỗ ấy thở hổn hển, mồ hôi tươm ra nườm nượp mà đôi mắt cứ nhìn về phía tôi như nói lời cảm ơn cho sự dàn xếp này.
Xe chạy tiếp trên con đường quen thuộc, hết người này bước xuống, người kia bước lên. Các chỗ ngồi cứ lần lượt thay vào các cô cậu học trò gần đó mà không hề thấy được cái nghĩa cử nhường chỗ cho người lớn tuổi, phụ nữ mang thai hay em nhỏ.
Những nghĩa cử cao đẹp ở nơi công cộng góp phần tô điểm nét văn minh trong cuộc sống
Các cô cậu mỗi người một máy điện thoại gắn sẵn tay nghe. Người nghe nhạc, người nhắn tin, kẻ chơi game, đứa lên mạng… Thời đại công nghệ có khác, không như ngày xưa, mỗi khi lên xe thường hay chuyện vãn, hỏi xem người bên cạnh về đến đâu, học trường nào… làm cho đoạn đường xa cũng trở nên ngắn lại.
Phải chăng do cha mẹ ngày nay quá cưng chiều con. Việc khó thì làm thay còn món ngon thì nhường hết, cho nên trẻ không có thói quen “lên xe nhường chỗ bạn ngồi”
Tôi tự hỏi, lỗi như nêu trên do phụ huynh hay thầy cô giáo? Phải chăng do cha mẹ ngày nay quá cưng chiều con, cái gì cũng nhường cho con cái? Việc khó thì làm thay còn món ngon thì nhường hết, cho nên trẻ không có thói quen “lên xe nhường chỗ bạn ngồi”. Hoặc giả thầy cô giáo vào tiết học chỉ chăm chú việc dạy kiến thức chuyên môn mà quên nhắc các em những thói quen tốt gần gũi với cuộc sống xung quanh diễn ra hằng ngày.
Từ sau chuyến xe ấy, khi có những bài học liên quan trong tiết dạy, tôi đều đem câu chuyện này ra kể nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Tôi hy vọng các em rút kinh nghiệm và có ý thức hơn trong cách đối nhân xử thế. Đặc biệt là phải có những nghĩa cử cao đẹp ở nơi công cộng để góp phần tô điểm nét văn minh trong cuộc sống.