Nơi ấy, các thầy cô giáo đang hằng ngày gác lại hạnh phúc riêng - miệt mài băng đèo, lội suối đến lớp, đến với học sinh nghèo để động viên các em đến trường.
Mỗi thầy cô là một câu chuyện
Nhìn từng dải núi lô xô đổ dốc dưới nắng sớm, ông Hà Mạnh Cương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện - cho biết: Năm học 2021 - 2022, Võ Nhai (Thái Nguyên) có hơn 13 nghìn học sinh từ bậc học mầm non đến THCS, với đội ngũ giáo viên hơn 1.000 người. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nhiều diễn tiến phức tạp, đội ngũ cán bộ, giáo viên của huyện càng gắn bó hơn với học trò.
Khó khăn sẽ bộn nhiều đối với các thầy, cô giáo vùng cao. Bởi dù ở hoàn cảnh nào, có thể phải giãn cách xã hội, học sinh không đến lớp thì thầy, cô giáo vẫn thực hiện dạy học trực tuyến. Các em nhỏ vùng cao sẽ học như thế nào khi mạng Internet, máy vi tính còn xa xỉ với các phụ huynh thuộc diện hộ nghèo?
Và đã bao năm nay, các thế hệ thầy, cô giáo - lớp sau theo lớp trước “gùi chữ” về khai sáng vùng cao. Mỗi thầy, cô là một câu chuyện riêng về nghề, dung dị như bao con người trôi đi trên dòng sông cuộc đời. Nhưng với riêng tôi, có những việc làm của thầy cô đã “neo đậu” lại trong tâm trí. Bởi trong nghề trở đạo đời, các thầy, cô không chỉ dạy chữ, rèn người, mà còn chăm lo cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như con đẻ của mình.
Chúng tôi có dịp ngược dốc lên bản Lũng Hoài, xã Thương Nung, đến thăm lớp học mầm non do cô giáo Nguyễn Thị Vân phụ trách. Đang giờ đón trẻ vào lớp, nghe cô trò bi bô bằng tiếng Mông thân thiện, ai cũng cảm nhận được một sự ấm áp, thương mến. Trong cuộc sống, nhiều người biết đến cô giáo Vân qua thành tích nhiều năm dạy giỏi, liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Nhưng có mấy ai biết được mỗi ngày cô giáo Vân phải vượt chặng đường từ nhà ở xã Cây Thị (Đồng Hỷ) đến lớp dài hơn 100 cây số - cả đi và về. Song chưa bao giờ học trò phải đứng ngoài cửa lớp đợi cô. Rồi có những buổi trả trẻ muộn, cô vội vã đổ đèo, bươn bả trở về lo bổn phận của người vợ, người mẹ. Không ít lần cô đứng lặng người vì mới đến đầu ngõ, con gái nhỏ chạy lại cứ ôm lấy mẹ mà gọi… mẹ ơi.
Cô Vân chia sẻ: Cũng có lúc muốn buông bỏ nghề để chăm lo cho mái ấm của mình. Nhưng những đôi mắt trẻ thơ cứ hiển hiện lên trước mặt; tiếng con trẻ bi bô vì chưa rành rõ tiếng phổ thông lại hối thúc tôi bật dậy, lo bữa sáng cho chồng, con và dắt xe lên với điểm trường. Để hoàn thành nhiệm vụ, tôi tự học tiếng Mông. Trò chuyện với các em nhỏ bằng tiếng Mông. Dạy các em tập nói tiếng Việt qua giảng giải bằng ngôn ngữ của dân tộc Mông. Chính vì thế, con em người Mông Lũng Hoài khi vào học lớp 1 đều biết nói tiếng Việt, và đã được làm quen với bảng chữ cái.
Vùng cao Võ Nhai, thoạt nghe đã thấy núi chồng, núi vợ “sấn sổ” đè vào ngực. Nhiều giáo viên mới ra trường lựa chọn đến đây với ý tưởng vào được biên chế rồi “tìm cửa” chuyển về thành phố. Cô giáo Định Thị Kiều, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Chấn cũng có lúc thoáng nghĩ như thế. Nhưng duyên nợ với vùng quê núi đá nhiều hơn ruộng cày níu chân không cho về.
Mới đó đã hơn 20 năm lên vùng cao Võ Nhai dạy học, nhưng đến bây giờ cô giáo Kiều vẫn còn nhớ như in những ngày đầu lên nhận công tác. Cầm trong tay quyết định điều động của Phòng Giáo dục và Đào tạo, phân về Trưởng Tiểu học Thần Sa, bao dự định ngập tràn lòng cô giáo trẻ, cái cảm giác lâng lâng của buổi ban đầu đi làm bị hẫng hụt ngay từ lúc vào đến ngã ba Cúc Đường.
Cô Kiều kể: Mặt đường toàn đá lổn nhổn, từ Cúc Đường vào Thần Sa thỉnh thoảng lại thấy cây trên núi bị chặt hạ đổ rầm rầm; Rồi từng nhóm người xa lạ vào, ra bãi vàng Bản Ná. Trường lớp tạm bợ, đời sống của anh chị em giáo viên khó khăn. Tôi thoáng buồn nghe tiếng con tắc kè từ núi đá vọng lại: “Tếch về, tếch về”... Song tôi đã ở lại. Các trò nhỏ cho tôi động lực vượt khó.
Chắc sẽ không có ai tin rằng, cô Kiều và các đồng nghiệp thay nhau về điểm trường phải trải qua đoạn đường dài đầy dốc thúc gối vào ngực, vừa đi vừa thở, mất nửa ngày mới đến nơi. Để duy trì được sĩ số cho lớp học, các thầy, cô giáo phải đến từng nhà vận động đồng bào cho con em đến lớp.
Nhiều phụ huynh nhận thức được giá trị của sự học, xuống núi, hùn nhau lại góp cây, lá dựng lán ở cho con theo học tại trường chính. Đang yên bình thì hỏa hoạn ập đến, thiêu rụi lán ở của các em. Cô, trò khóc hết nước mắt. Tập thể giáo viên nhà trường mỗi người góp một chút: Mì tôm, gạo, muối, mỡ dầu, rau xanh… Không nhiều, đủ giúp các em duy trì bữa ăn. Đồng thời cùng phụ huynh làm lại cho các em một mái lán chắc chắn hơn để tránh mưa, che nắng.
Sau 4 năm công tác, cô Kiều được điều động sang Trường Mầm non Thần Sa làm Hiệu trưởng trong điều kiện 4 không: Không cơ sở vật chất, không học trò, không giáo viên chuyên môn và không kinh nghiệm làm công tác quản lý. Vậy mà chỉ 4 năm sau (2006), Trường Mầm non Thần Sa được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Cô khiêm tốn: Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm người đi trước. Quan trọng là tạo dựng được khối đoàn kết nội bộ trong trường; tranh thủ được sự ủng hộ của chính quyền và phụ huynh học sinh.
9 năm sau, cô được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Chấn. Ngoài trường chính còn có 6 điểm trường. Không nề hà khó nhọc, cô đến hết các điểm trường để động viên thầy, cô bám lớp, bám dân. Cũng như ở Thần Sa, cô vận động đồng bào, các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ trẻ em nghèo vượt khó học tập. Nhiều năm học, cô huy động được hàng trăm triệu đồng để ổn định cơ sở vật chất trường lớp và làm quà tặng trực tiếp cho học sinh.
Phần thưởng lớn nhất
“Mục đích lớn nhất tôi hướng đến là chất lượng học sinh được nâng cao. Vì một lẽ giản đơn, các em sẽ là những chủ nhân quyết định tương lai cho vùng đất quê hương mình…” – cô Kiều chia sẻ. Trong nghiệp chở đạo đời, đã có bao thế hệ lên vùng cao Võ Nhai làm nhiệm vụ chăm sóc rừng đời. Chị nhận mình chỉ là một hạt cát giữa bãi bồi của ngành Giáo dục. Nhưng tôi biết chị nhiều lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo; UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt năm 2016, chị được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu xuất sắc toàn quốc.
Với các thầy cô giáo, phần thưởng lớn nhất của đời nghề là sự tin tưởng của phụ huynh, lòng yêu mến của học trò. Nhưng không phải các thầy cô tận tâm với nghề để đổi lấy những lời khen như thế. Bởi trách nhiệm của người làm nghề trở đạo đời hết sức lớn lao, có gì đó vĩ đại, vượt lên tất thảy những vật chất tầm thường.
Thầy Nguyễn Viết Phi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cúc Đường (Võ Nhai), nói như tâm sự: Phần lớn giáo viên vùng cao chúng tôi có cuộc sống riêng còn nhiều thiếu khó. Nhưng không vì thế mà xao nhãng nghề để chạy theo lợi ích riêng. Điển hình ở trường có cô giáo Phùng Thị Thương, hơn 20 năm gắn bó với nghề, nhiều học trò trưởng thành, ra đời lập nghiệp vẫn thường trở lại gọi cô là mẹ.
Cô giáo Thương trần tình: Tôi cũng như bao phụ nữ trên thế giới này, đều sẽ không cầm được nước mắt khi nhìn thấy các bé chân trần đi học. Nhất là ngày đông, mưa lạnh, các em nhỏ ngồi co ro, run rẩy, bảo: Cô ơi, con không cầm được bút viết vì cái rét nó cắn vào tay. Cầm bàn tay học trò lạnh tím tái, tôi giấu nước mắt, về xin quần áo cũ của gia đình, bạn bè mang cho các em.
Thấy sức mình quá nhỏ bé, chị huy động bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia ủng hộ. Rồi thông qua mạng xã hội, chị kết nối, gom những tấm lòng thảo thơm của cuộc đời để các em học sinh nghèo có đủ quần áo, chăn ấm, vở viết. Cái rét không còn cắn tay, đôi chân không bị phát cước vì lạnh, học trò của cô Thương đến lớp học đều hơn.
Bà Ma Thị Liên, bà ngoại của em Ma Thị Hồng Nhung, nói nghèn nghẹn vì xúc động: Cháu tôi không có bố, mẹ mắc bệnh tâm thần, nhờ có cô giáo Thương mà cháu tôi có nhà ở, không bị bỏ đói và được đi học như chúng bạn. Chuyện về cô giáo Thương kết nối với các nhà hảo tâm trợ giúp bé Nhung có học bổng hằng tháng để lấy tiền ăn học, trong ngành Giáo dục huyện ai cũng biết.
Nhưng nể hơn phải kể đến việc cô đi vận động, quyên góp xây nhà tặng cho học trò nghèo. Một căn dành cho bé Nhung; Một căn khác dành cho em Nông Văn Động, cùng là học sinh của trường. Rồi thông qua cô, Nhung được một nhà hảo tâm từ Cộng hòa Liên bang Đức nhận đỡ đầu đến năm em 18 tuổi. Còn Động được hỗ trợ 1 con bò nái. Hiện, nái mẹ đã 2 lần sinh bê con.
Tâm huyết với công việc chuyên môn, hết lòng với học sinh nghèo, từ hơn 5 năm gần đây, cô Thương trở thành “nhịp cầu thân ái” kết nối giữa nhiều nhà hảo tâm trong, ngoài nước với học trò nghèo huyện Võ Nhai. Sự kết nối đã tiếp thêm nghị lực cho bao học sinh nghèo không dang dở trên hành trình ánh sáng.