Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.
Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Ở đây, nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh từng ngày vẫn đang nỗ lực vượt khó để đến trường dạy và học.

Xa quê, đối mặt cùng gian khó

Trường Tiểu học 2 xã Viên An có một điểm chính và ba điểm lẻ với tổng cộng 36 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Hiện nhà trường vẫn còn thiếu đến 7 nhân sự, nhưng nhiều năm liền tuyển dụng không được, do trường ở vùng sâu, điều kiện đi lại khó khăn, không có chính sách hỗ trợ đặc thù. Cô Phạm Thị Quyên - Hiệu trưởng cho biết, trước đây trường có đến 4 điểm lẻ, mới xóa được 1 điểm, 3 điểm còn lại rất khó xóa, do nằm cách xa điểm chính.

Việc có nhiều điểm lẻ khiến công tác quản lý của trường gặp rất nhiều khó khăn. Trường cũng đang thiếu nhiều giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Tiếng Anh. “Đối với môn Tin học, Tiếng Anh hiện trường phải thỉnh giảng giáo viên ở trường khác trên địa bàn về dạy, còn giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc không có người, buộc giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm nên chất lượng giảng dạy còn hạn chế”, cô Quyên chia sẻ.

Hầu hết cán bộ, giáo viên ở Trường Tiểu học 2 xã Viên An đều từ tỉnh khác đến, ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đời sống giáo viên xa quê nhiều thiếu thốn và khó khăn.

Cô Lâm Thị Diễm My, giáo viên dạy tại một điểm lẻ của trường cho biết, cô về đây dạy từ lúc mới ra trường, đến nay đã được hơn 10 năm. Mức lương hiện tại nhận được sau khi trừ đi các khoản chi phí còn hơn 6 triệu đồng. So với mặt bằng vật giá ở đây thì tiết kiệm lắm mới đủ sống, bởi vùng sâu điều kiện vận chuyển khó, nên hàng hóa mua sắm phải chịu mức giá rất cao.

Gia đình em Lê Ánh Kim thuộc diện hộ nghèo.
Gia đình em Lê Ánh Kim thuộc diện hộ nghèo.

Hiện tại, cô My còn mang trong người căn bệnh ung thư, dù đã phẫu thuật nhưng vẫn đang phải uống thuốc điều trị. Đứa con gái duy nhất của cô đang học mẫu giáo cũng mang căn bệnh tim bẩm sinh. Chồng cô đang sống ở huyện Thới Bình bán hàng rong (cách trường cô dạy hơn 150 km).

“Nhiều năm nay vợ chồng em phải sống xa nhau, lâu lắm mới có dịp đoàn tụ một lần, do điều kiện đi lại khó khăn. Căn bệnh của em bác sĩ nói đã di căn, nếu uống thuốc không chặn được, còn tái phát sẽ tiếp tục mổ. Cả hai mẹ con em đều đang phải uống thuốc hàng ngày, chi phí tốn kém, đời sống đã khó khăn nay càng thêm gian truân”, cô My ngậm ngùi chia sẻ.

Nói về người đồng nghiệp của mình, cô Phạm Thị Quyên ngậm ngùi: Cô My là một trong những trường hợp khó khăn đặc biệt ở trường. Cô cũng đã nhiều lần có nguyện vọng xin được chuyển trường nhưng chưa được cấp trên phê duyệt. Dù trường đang thiếu giáo viên, nhưng với hoàn cảnh của cô My, trường cũng mong lãnh đạo huyện và ngành Giáo dục xem xét để cô được chuyển về địa điểm dạy gần nhà.

“Hiện tại để giúp cô My có thêm tiền, giải quyết phần nào khó khăn, trường tạo điều kiện để cô dạy thêm tiết ở điểm trường chính (do trường chính có một giáo viên nghỉ hộ sản). Tuy nhiên đây không phải giải pháp lâu dài, việc đang trọng bệnh mà dạy nhiều, cộng với việc đi lại hàng ngày từ điểm lẻ đến điểm chính khá xa cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cô My”, cô Quyên nói.

Cô Lâm Thị Diễm My hướng dẫn học trò đọc bài.

Cô Lâm Thị Diễm My hướng dẫn học trò đọc bài.

50% học sinh đi học bằng đò

Không chỉ giáo viên mà học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An cũng gặp nhiều khó khăn trong hành trình tìm con chữ. Trường có tổng cộng 557 học sinh (cả các điểm lẻ) nhưng có đến hơn 150 em học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Những năm gần đây, mặc dù hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Ngọc Hiển không ngừng được đầu tư cải thiện, nhưng tại điểm trường này việc đi lại của học sinh vẫn hết sức nan giải. Hiện có khoảng 50% học sinh ở đây phải đi học bằng đò, chi phí mỗi ngày đi về từ 50 đến 60 nghìn đồng. Nhiều gia đình đang gặp khó khăn trong việc cho con em đến trường.

“Việc đi học bằng đò cũng rất bất tiện cho học sinh. Vào những lúc con nước ròng, đò bị mắc cạn, lên xuống rất nguy hiểm, có lúc học sinh phải xắn ống quần lội sình mới lên được đến lớp. Nhiều học sinh đến trường muộn hoặc vắng mặt bất đắc dĩ do trễ đò hoặc đò bị mắc cạn, không chạy được, nhất là tại các điểm trường lẻ”, cô Lục Thị Minh Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Kể về hành trình đến trường của mình, em Lê Ánh Kim - học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học 2 xã Viên An cho biết, nhà em nằm ở một tuyến kênh, cách trường khoảng 13 km. Hằng ngày, để đến được trường em phải thức dậy từ 4 giờ đến 5 giờ sáng để chuẩn bị tập vở, thay quần áo, sau đó đón đò di chuyển ra lộ lớn. Ra đến nơi em lại tiếp tục đón xe người quen hoặc có hôm không có phải đi xe ôm đến trường.

“Nhà thuộc diện hộ nghèo, mặc dù đi học khó khăn nhưng em không muốn bỏ học. Em mơ ước sau này trở thành cô giáo để có thể dạy các bạn nhỏ có hoàn khó khăn như em”, Ánh Kim hồn nhiên chia sẻ ước mơ.

Thầy Ngô Văn Phục - Trường Tiểu học 2 xã Viên An cho biết, phần lớn học sinh ở đây đều sống cùng ông, bà (do cha, mẹ đi làm ăn xa). Ông, bà lớn tuổi, không theo kịp chương trình dạy học mới, nên không thể hỗ trợ kèm cặp các cháu, đành khoán trắng việc học của con cháu mình cho giáo viên, từ đó tăng thêm áp lực đối với thầy cô.

“Trong một lớp học, học lực học sinh thường không đều nhau, giáo viên phải nắm bắt, phân loại thành từng nhóm để có sự kèm cặp, hỗ trợ phù hợp. Dạy học sinh vùng sâu, xa khó hơn nhiều so với dạy học sinh ở khu vực thành phố, đặc biệt để bồi dưỡng được một học sinh giỏi ở đây là cả sự nỗ lực lớn của giáo viên ở nhiều phương diện khác nhau”, thầy Phục tâm sự.

“Dù dạy và học trong điều kiện nhiều khó khăn như vậy, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, hằng năm trường vẫn đảm bảo tỷ lệ học sinh lên lớp đạt từ 98% trở lên. Những năm qua, nhờ thường xuyên theo sát và làm tốt việc vận động phụ huynh nên tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm được xuống mức thấp”, cô Phạm Thị Quyên thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ