Kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021), 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2021), sáng 30/4, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Kỳ đài Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Đúng 7 giờ sáng, Lễ Thượng cờ được tổ chức trọng thể. Trong tiếng nhạc Quốc ca, lá cờ đỏ sao vàng được kéo cao trên đỉnh Kỳ đài Khu di tích Quốc gia đặc biệt Hiền Lương-Bến Hải lịch sử trong sự kính cẩn, nghiêng mình của các lãnh đạo và người dân tỉnh Quảng Trị.
Khác với những năm trước, Lễ Thượng cờ năm nay được tổ chức đơn giản nhưng không kém phần trang trọng do dịch COVID-19.
Phần hội gồm các hoạt động như đua thuyền truyền thống, bài chòi… đã được dừng do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Các đại biểu, người dân dự lễ thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch.
Ngược về quá khứ, Hiệp định Geneve được ký kết vào ngày 20/7/1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam- Bắc, lấy vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải làm ranh giới ngăn cách.
Trở thành giới tuyến quân sự tạm thời, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, trở thành biểu tượng của sự chia cắt và khát vọng thống nhất của dân tộc trong những năm tháng chiến tranh gian khổ.
Con sông Hiền Lương rộng khoảng hơn 100m nhưng cả dân tộc Việt Nam phải đi 21 năm ròng mới có thể nối đôi bờ Nam-Bắc.
Thực hiện di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi," dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với ý chí độc lập, tự do và khát vọng "Thống nhất non sông" đã trở thành niềm tin, sức mạnh cho cả dân tộc làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Tỉnh Quảng Trị luôn tự hào vì đã góp phần xứng đáng cùng cả nước làm nên mốc son lịch sử thiêng liêng chói lọi trong kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại mới.