Cổ tích bên dòng Bến Hải

GD&TĐ - “Bước tới Hiền Lương sao chặng đường nghẹn lại/ Đáo tới bờ Bến Hải sao gác mái tình duyên…”, ông nhấp chén trà, nhắc lại câu hò như đang lắng sâu vào máu thịt. 

Cổ tích bên dòng Bến Hải

Bởi bên dòng Bến Hải, vợ chồng ông đã từng sống, chiến đấu, đã yêu nhau và trải qua biết bao nhiêu nỗi đau chia xa, mất mát, đợi chờ. Trong câu chuyện kể, dường như mỗi ngọn cỏ, nhành cây bên bờ sông này đều ẩn chứa những câu chuyện ly kỳ của một thời lịch sử bi tráng, đau thương mà rất đỗi tự hào. Đó là vợ chồng ông Lê Viết Trinh và bà Trần Thị Thiển ở thôn Bách Lộc (Trung Hải, Gio Linh, Quảng Trị).

Chuyện tình lắm truân chuyên...

Ông Lê Viết Trinh, sinh năm 1935 tại thôn Bách Lộc, xã Trung Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 7 tuổi, ông đã tham gia hoạt động trong Đội Thiếu nhi tháng Tám ở địa phương. Năm 1953, ông bị giặc Pháp bắt giam ở nhà lao Quảng Trị. Một năm sau, ông vượt ngục về tham gia du kích thôn, lập được nhiều thành tích.

Khi đất nước bị chia cắt, theo chủ trương của trên, những thanh niên nòng cốt trong hoạt động kháng chiến chống Pháp sẽ được bố trí ở lại hoạt động bí mật ở miền Nam; ông Trinh là một trong số đó. Hoạt động đến năm 1961 thì cơ sở bị lộ, ông bị bắt nhưng rồi được thả sau đó một năm vì địch không đủ chứng cứ kết tội.

Ông đùa: “Cả đời tôi tham gia cách mạng, bị tù hai lần, lần nào cũng chỉ ở tù có 1 năm. Lần đầu không có gì để nói nhưng lần thứ 2 thì ở tù... kể cũng đáng”. Nói vậy là bởi vì ở trong tù ông mới có dịp quen biết với một cô gái quê ở thôn Thuỷ Bạn, xã Trung Giang, nằm kề với xã Trung Hải của ông. Đó là bà Trần Thị Thiển, vợ ông bây giờ.

Bà Thiển kém ông đúng 1 tuổi, vốn cũng là một cơ sở cách mạng ở Trung Giang những năm kháng chiến chống Pháp, bị địch bắt giam tại nhà lao Quảng Trị năm 1959. Sau khi ra tù năm 1962, ông Trinh và bà Thiển mới bắt đầu tìm hiểu nhau. Do thời kỳ hai người gặp nhau trong tù, ông vẫn đang hoạt động bí mật nên không thể tiết lộ thân phận của mình.

Ra tù rồi bà vẫn cứ bán tín bán nghi, sợ là ông đang làm việc cho địch. Sau này, ông lấy hết can đảm viết cho bà một bức thư dài với những lời lẽ rất tha thiết, trong đó có câu: “Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, nam thanh gặp nữ tú, đừng chần chừ mà lỡ làng duyên nợ, Thiển nghe”. Chẳng biết đọc xong bức thư có hiểu được ý ông muốn nói không mà bà… xuôi lòng. Hai người đã định ngày kết tóc xe tơ. Nhưng, chưa kịp làm lễ cưới thì năm 1963, bà lại bị bắt trở lại nhà lao. Ông Trinh khi đó được bố trí sang làm tình báo thuộc tổ tình báo B8, hoạt động bí mật. Ròng rã 4 năm sau, năm 1966, bà Thiển mới được ra tù trở về địa phương tiếp tục hoạt động kháng chiến. Tháng 10 năm đó, hai người quyết định kết tóc xe tơ.

Những tưởng lần này câu chuyện tình của họ sẽ có một kết cục viên mãn sau bao nhiêu trắc trở, thì một tình huống ngoài dự kiến đã xảy ra đẩy bà trở lại nhà lao mà chưa kịp khoác lên mình chiếc áo dài cô dâu...

Chiều hôm đó, đại diện nhà ông Trinh đem lễ về nhà bà Thiển. Trong số khách khứa đến dự có tên thôn trưởng Lâm Chí vốn là một tên ác ôn khét tiếng tàn bạo, lực lượng an ninh huyện đã nhiều lần muốn tiêu diệt. Khi phía nhà trai đang tiến hành nạp lễ thì bên ngoài, một toán người mặc đồng phục lính bảo an đến thì thầm gì đó vào tai Lâm Chí rồi cả hai bên cùng ra về. Được một quãng thì có tiếng súng nổ, Lâm Chí bị bắn chết ngay tại chỗ. Lúc này, mọi người mới biết toán lính bảo an lúc nãy là do các chiến sĩ lực lượng an ninh huyện cải trang. Ngay sau đó, hàng trăm tên lính vũ trang ập vào nhà bắt bà Thiển đi…

Kẻ địch cho rằng chính bà đã bày ra cái trò cưới hỏi để ám sát Lâm Chí. Bà kiên quyết không nhận, dù địch giở đủ ngón nghề tra tấn. Bất lực trước sự kiên cường của bà, cộng thêm sự bảo lãnh của phía gia đình Lâm Chí, nên nửa năm sau, kẻ địch buộc phải thả bà ra. Trước khi thả, chúng còn buông lời khiêu khích: “Để tao xem hai đứa nay có thành vợ thành chồng được không, mà nếu có thành thì thử xem có còn sinh con đẻ cái được không?”. Điều ngoài ý muốn của chúng đã diễn ra: Ông bà chính thức thành thân, sống cuộc đời hạnh phúc với 5 người con trai giờ đã trưởng thành.

Những chiến công âm thầm

Cũng trong năm 1966, ông Trinh được điều về làm tình báo thuộc Ban 8 của Ty Công an vũ trang khu vực Vĩnh Linh, với nhiệm vụ xây dựng lực lượng nội tuyến trong lòng địch. Tổ của ông có 5 người, do ông làm tổ trưởng, được cài cắm vào hàng ngũ của địch. Bốn anh em trong tổ hằng ngày nắm bắt, phát hiện những âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch sau đó chuyển về cho ông Trinh (lúc đó đang hoạt động tại cơ sở) tổng hợp, đánh giá và gửi ra cho lực lượng ta ở bờ Bắc sông Bến Hải để có cách đối phó kịp thời.

Với âm mưu “tát nước bắt cá”, tách dân ra khỏi Đảng, Mỹ ngụy bắt tay vào việc xây dựng hàng rào điện tử McNamara khét tiếng. Ngày 19/5/1967, chúng tiến hành một cuộc càn quét quy mô lớn với 30.000 quân, trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại, tiến hành đốt sạch 22 thôn của quận Trung Lương và quận Gio Linh, bắt đầu thiết lập “vành đai trắng” và xây dựng hàng rào điện tử.

Ông Trinh kể, âm mưu này của địch đã được phát hiện từ trước, nhưng đến đầu năm 1967, chúng ta mới có một bản vẽ phác thảo hoàn chỉnh về hàng rào điện tử McNamara. Thông tin về hàng rào do các đồng chí trong tổ nắm bắt, báo lại bằng cách trao đổi trực tiếp hoặc bằng bản vẽ phác thảo những chi tiết. Cứ lần hồi, ông tổng hợp lại và vẽ mô phỏng bản đồ để gửi ra Bắc, giúp cấp trên có hướng đối phó kịp thời; vừa làm vừa điều chỉnh theo những thông tin mới và kịp thời.

Bản mô phỏng của ông Trinh và tổ tình báo B8 đã chỉ ra được điểm mạnh, yếu của hàng rào điện tử MacNamara ngay từ khi nó chưa hình thành, giúp cho cấp trên có các biện pháp đối phó kịp thời trước những âm mưu của Mỹ, ngụy. Chính những nét vẽ đầu tiên của ông Trinh là cơ sở cho nhiều bản đồ chi tiết về hàng rào điện tử McNamara sau này, góp phần giúp quân Giải phóng xé toạc “hệ thống phòng thủ có một không hai của Mỹ - ngụy” vào tháng 3/1972.

Cuối buổi chuyện trò, ông Trinh tự hào “khoe” với chúng tôi một đoạn anten trong hệ thống hàng rào điện tử McNamara mà ông đã cất giữ gần 50 năm. “Đối với những ai chưa trải qua chiến tranh, có thể đây là một thanh sắt vô dụng, nhưng với chúng tôi, đây là một phần kí ức. Bởi chỉ một đoạn anten nhỏ thế này thôi, có khi đã đủ giết chết cả một tiểu đội của ta khi nó không được vô hiệu hóa. Tìm thấy một đoạn anten, làm tê liệt được nó để quân ta tập kích đã là một chiến công.” Quả đúng như vậy, những kỉ vật về một thời cùng nhau sống và chiến đấu dường như luôn là thứ đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất đối với ông bà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ