Lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt ở Hà Nội

GD&TĐ - Sáng 8/9, Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội (Thanh Xuân, Hà Nội) tổ chức lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 và đón học sinh đầu cấp.

Các nhà hảo tâm trao tặng quà cho học sinh Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội.
Các nhà hảo tâm trao tặng quà cho học sinh Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội.

Từ sáng sớm, học sinh, phụ huynh, giáo viên đã có mặt để chuẩn bị. Lễ khai giảng bắt đầu từ 9 giờ, kéo dài khoảng một tiếng với các nghi thức trong đó có đón học sinh đầu cấp. Khi tiếng nhạc Quốc ca vang lên, học sinh hướng mắt lên lá cờ đỏ sao vàng, dùng ngôn ngữ ký hiệu để "hát".

Cô Mạc Chung Thuỷ, Quyền Hiệu trưởng Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội, cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn tồn tại, năm học 2023 – 2024, nhà trường sẽ phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, nhà trường sẽ tăng cường công tác dạy nghề theo hai hướng. Thứ nhất, tổ chức lớp dạy nghề cho học sinh học hết chương trình bậc tiểu học (hết lớp 5) về nghề thêu, may, nấu ăn, làm bánh, vẽ sản phẩm, pha chế và làm tóc... Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh kết hợp với cơ sở dạy nghề có quy mô đào tạo nghề và có cơ hội làm sau khi kết thúc khoá học.

Thứ hai, tăng cường củng cố, phát triển thêm sản phẩm của các em ở lớp dạy nghề, kỹ năng sống và tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc với nhu cầu thực tế của thị trường. Đẩy mạnh hoạt động của phòng giới thiệu sản phẩm nghề “Bồ Công Anh”.

"Với hướng đi mới của nhà trường trong việc tăng cường công tác dạy nghề, chúng tôi hy vọng các em khuyết tật có cơ hội hoà nhập cộng đòng, nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của xã hội", cô Thuỷ nói.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội trao tặng hoa chúc mừng Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội trao tặng hoa chúc mừng Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội.

Bày tỏ xúc động khi tham dự lễ khai giảng, ông Nguyễn Xuân Hiền, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội, chia sẻ: Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội có 3 điều đặc biệt là gian khó nhất, giàu nghị lực nhất và giàu tình thương nhất.

“Trải qua hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã kêu gọi nhiều nguồn vận động, hỗ trợ và trở thành nơi chắp cánh ước mơ cho hàng trăm học sinh kém may mắn. Sau khi ra trường các em đã trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội”, ông Hiền cho hay.

Học sinh Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội.

Học sinh Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội.

Gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, ông Hiền hy vọng các đơn vị tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ để thầy và trò nhà trường yên tâm học tập.

Tại buổi lễ, học sinh nhà trường đã được các tổ chức, doanh nghiệp trao tặng những phần quà ấm áp, ý nghĩa. Em Lê Nguyễn An Phú, đại diện cho học sinh nhà trường, bày tỏ: "Em cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm, thương yêu của thầy cô và mọi người xung quanh. Chúng em sẽ cố gắng học tập, nghe lời thầy cô, cha mẹ".

Học sinh Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội hát Quốc ca bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội là một trong những trường chuyên biệt nhận dạy học sinh khuyết tật tại Hà Nội và một số địa phương lân cận. Học sinh nhà trường là trẻ em, thanh thiếu niên khiếm thính hoặc bị câm, điếc bẩm sinh và giao tiếp với thầy cô bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Năm học này, nhà trường có thêm 7 học sinh mới, nâng tổng số học sinh lên 94 em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.