Ngoài việc cúng tế thần linh, cầu mong sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lễ hội còn mang ý nghĩa lớn trong việc củng cố, gắn kết mối tương giao giữa các buôn sóc, cộng đồng người M’nông và các dân tộc khác thông qua già làng và những người có uy tín.
Lễ thường được tổ chức vào thời điểm nông nhàn, tùy theo điều kiện của dân làng hai bên. Lễ vật được chuẩn bị chu đáo.
Buổi lễ bắt đầu bằng ba hồi tù và. Già làng cử một đoàn cồng chiêng và đội múa đón khách, vừa đi vừa tấu bản mừng khách. Đến sân lễ, phía chủ lễ dâng rượu bày tỏ niềm vui khi khách đến buôn làng và dẫn khách tới cây nêu ở sân chính.
Phía chủ lễ đón chào, bày tỏ niềm vui khi khách đến buôn nhà. |
Để tỏ lòng quý mến, chủ lễ lấy xôi bón cho khách. |
Già làng cắt tiết gà cùng khách bôi huyết gà, heo, vịt lên cây nêu để giao ước. |
Chủ lễ mời đại diện phía khách uống rượu cần. |
Các thành viên trong buôn và khách cùng nhau thưởng thức cơm lam, thịt gà, thịt nướng, uống rượu cần M’nông. |
Lễ hội kết thúc trong tiếng cồng, chiêng, múa, hát đặc sắc giữa du khách và bà con dân tộc M’nông đến từ xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). |
Sau khi lễ vật đã bày biện xong, già làng và khách đại diện hai buôn sóc ngồi xuống hát đối đáp thăm hỏi. Kết thúc màn đối đáp, già làng tiến đến cây nêu, bôi huyết heo, gà, vịt lên cây nêu và khấn to: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, sóc tôi dựng nêu, giết heo, giết gà thiết đãi các thần, mời các thần về đây chứng giám cho lễ kết nghĩa của hai buôn sóc chúng tôi…”.
Dứt lời khấn, già làng mời người phụ nữ lớn tuổi đại diện phía nhà khách uống rượu cần mừng cho mối kết giao nghĩa tình, thủy chung giữa hai buôn sóc. Tiếp sau đó, dân làng cùng quây quần vui hội trong bản độc tấu gõ cối, đánh cồng, chiêng, cùng nhau múa hát, thưởng thức ẩm thực truyền thống...