Tấp nập trẩy hội, du xuân
Lễ hội chùa Hương chính thức khai mạc từ ngày 10/2 (tức mùng 6 tháng Giêng) nhưng ngay từ ngày mùng 1, mùng 2 Tết nhiều du khách đã đến hành lễ. Theo ước tính của BTC, tính từ mùng 3 đến chiều mùng 6 Tết đã có hơn 171 nghìn lượt du khách, riêng ngày khai hội là gần 50 nghìn lượt người.
Bái Đính - ngôi chùa lớn nhất Việt Nam (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) cũng khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Năm nay, BTC đã khai mạc và mở cửa thung lũng hoa Bái Đính với chủ đề “Sắc hoa muôn màu”, đón hàng nghìn du khách tham quan với nhiều loại hoa đặc sắc.
Hội xuân Yên Tử 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 14/2 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại Trung tâm Văn hoá Trúc LâmYên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Theo thông tin từ UBND thành phố Uông Bí, năm nay, các chương trình nghệ thuật chào mừng Hội xuânYên Tử sẽcó nhiều nét mới trong hình thức dàn dựng, biểu diễn, làm nổi bật không khí tưng bừng, rộn rã của lễ hội. Trong suốt thời gian hội xuân sẽ diễn ra nhiều hoạt động như trò chơi dân gian, giải cờ tướng Kỳ vương Yên Tử, trưng bày hoa, cây cảnh, mai vàng Yên Tử.
Để làm tốt công tác chỉ đạo, quản lý các hoạt động của lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập 17 đoàn công tác để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm tính chất trang trọng, văn minh, tiết kiệm, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, không để xảy ra các hoạt động phản cảm tại các lễ hội, nhất là tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch, lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường.
|
Đổi mới tổ chức và quản lý
Chia sẻ với báo giới về sự chuẩn bị và tinh thần sẵn sàng phục vụ du khách, ông Nguyễn Văn Hoạt - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết: Nhằm giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên cho cảnh quan môi trường xung quanh suối Yến, năm nay BTC không cho lưu hành xuồng máy, đò gắn động cơ vận chuyển khách. Ban Trị sự chùa Hương cũng không phát lộc tại lễ hội để hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy xin lộc như mọi năm.
Chiều 11/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Để thực hiện tốt nhất yêu cầu của Thủ tướng trong hoạt động quản lý lễ hội, không để xảy ra các hiện tượng phản cảm trong lễ hội.
Để bảo đảm an toàn di chuyển bằng đò trên suối Yến, UBND xã Hương Sơn đã mua bổ sung phao cứu sinh, yêu cầu các chủ phương tiện cam kết thực hiện nghiêm túc việc sử dụng trên các phương tiện tham gia vận chuyển khách, bố trí phương tiện cứu hộ bảo đảm an toàn về người và tài sản cho du khách. Mùa lễ hội xuân Kỷ Hợi, BTC lễ hội đã thành lập các tiểu ban, tổ kiểm tra, trạm kiểm tra và xác định nhiệm vụ cho từng tiểu ban rất cụ thể và rõ ràng. BTC cũng yêu cầu Ban Tôn giáo, Ban Trị sự Phật giáo, chư tăng ni trụ trì, BQL các đền chùa, động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để làm tốt công tác an ninh trật tự, ngăn chặn các hiện tượng cờ bạc trá hình, dịch vụ mê tín dị đoan, chèo kéo, ép giá trong kinh doanh…
Theo Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, đã có khoảng 97 nghìn lượt khách tham quan Yên Tử. Công tác tăng cường lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, y tế tại khu vực di tích; kiểm soát, rà soát, bổ sung hệ thống biển báo, đèn, loa tuyên truyền đã được đặc biệt lưu tâm. Bên cạnh đó, hệ thống các điểm phát sóng wifi miễn phí cũng đã được triển khai và một tuyến cáp treo mới cũng đã được xây dựng.
Hội Gióng - Đền Sóc sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 21 - 23/2, Năm nay, BTC sẽ xây dựng phương án không phát lộc ở một chỗ như mọi năm, mà phân tán ở nhiều khu vực. Các trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc, ăn tiền, sách mê tín dị đoan sẽ bị nghiêm cấm trong mùa lễ hội này.
Năm nay, BTC lễ hội khai ấn Đền Trần đã chuẩn bị đủ số lượng ấn và bắt đầu phát từ 5 giờ ngày 15 tháng Giêng cho đến khi hết ấn. Sở VHTT Nam Định cũng xây dựng quy chế mới về công tác quản lý quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực về quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội để tránh tình trạng tư nhân hóa di tích cũng như giảm thiểu các biến thể xấu của dịch vụ phát sinh để mang lại ấn tượng đẹp cho du khách.