Cũng không ai biết tại sao ngôi “làng” lại có tên như vậy. Hai chữ “Huyền kỳ” gợi cho người ta một chút tò mò, và đầy hứng thú khi tìm hiểu về ngôi làng giữa phố này.
Giữa những đổi thay của nếp sống thành thị ồn ào, giữa những khu chung cư, những khu đấu giá, khu công nghiệp, ngôi làng vẫn giữ được nét đặc trưng của một làng quê Việt nam truyền thống. Đặc biệt nhất là làng vẫn giữ tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng vị tết xưa.
Theo cuốn thần phả do Hàn lâm Lễ Viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và nội các Bộ lại chép lại năm Vĩnh Hựu lục niên 1740 hiện còn lưu giữ trong hậu cung Đình Huyền Kỳ thì Đình Huyền Kỳ thờ Thành hoàng là ông Lãnh Lãng – một vị tướng thời vua Hùng thứ 18, một nhân thần có công với nước với dân, đặc biệt là có công đức ân thâm với cư dân Huyền Kỳ.
Lễ hội diễn ra trong 02 ngày mồng 7 và mồng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Bắt đầu từ năm 2005, thể theo nguyện vọng của nhân dân, lần đầu tiên Lễ hội được tổ chức theo hình thức đại đám (có tổ chức rước kiệu từ Đình làng ra Quán).Từ đó, duy trì những năm tiếp theo tổ chức đại đám 5 năm một lần, các năm còn lại tổ chức lễ hội thường niên.
Lễ hội diễn ra tại Đình và Quán, Tổ dân phố 7 và 8 Huyền Kỳ. Tham gia Lễ hội là toàn thể dân làng khu dân cư Huyền Kỳ (2 tổ dân phố 7 và 8); các gia đình và khách thập phương. Ban tổ chức lễ hội gồm có các cụ trong Chi hội Người cao tuổi và các Hội đồng niên trong tổ dân phố. Trong mỗi dịp tổ chức đại đám đã thu hút một số lượng lớn người dân tham gia Tổng số người phục vụ 4 kiệu là 148 người, trong đó kiệu Long Đình là 47 người, kiệu Hoa 31người, kiệu Bát cống gồm 48 người, kiệu Song loan 22 người (nữ giới), thêm vào đó là Tổ dâng hương, bộ phận điều hành, bảo vệ, bộ phận phục vụ khoảng 70 người. Tổng số hơn 200 người.
Vào ngày hội, những người tham gia dâng lễ vào trong cung, những người tham gia tổ tế, tổ dâng hương trước ngày dâng lễ đều phải tẩy uế bằng nước gừng, hoặc nước ngũ vị. Đối với những người tham gia là Chủ tế: yêu cầu phải chọn người am hiểu về lễ nghi, có uy tín trong dân và có gia thế song toàn.
Lệ làng cũng qui định những gia đình nào có tang, có bụi thì kiêng không ra Đình làm lễ. Trước kia, qui định phụ nữ không được vào trong Đình làm lễ, trong dịp lễ hội những người phụ nữ chỉ được đứng ở ngoài sân lễ vào. Tuy nhiên hiện nay qui định đó không bắt buộc thực hiện, nhưng tuyệt đối phụ nữ không được vào trong khu vực cung cấm của nhà Thánh.
Qui định trong thời gian đang tổ chức hành lễ (Tế, dâng hương) thì nhân dân, khách thập phương, người không có nhiệm vụ không được vào khu vực hành lễ, Ban tổ chức có bố trí bộ phận nhận lễ và chỉ được lễ vọng vào Đình.
Lễ hội được bắt đầu từ khoảng 13h chiều ngày 7 tết với tiếng trống hội rộn ràng của những người tham gia tổ tế, tổ dâng hương, hội bát âm, hội múa xinh tiền, tổ trống dờn, hai giới các cụ và dân làng làm lễ rước văn từ Đình tới nhà cụ viết văn và ngược lại.
Đến 18h, hai giới các cụ và toàn thể dân làng về Đình làm lễ dâng hương. Tổ dâng hương gồm 16 cụ bà trực tiếp đảm trách. Đội hình Tổ dâng hương gồm: 1 bà chủ tế, 1 bà Đông Xướng, 1 bà Tây Xướng, 1 bà đọc văn, 5 bà bồi tế và các bà còn lại chia 2 đẳng phụ trách dẫn rượu. Bà Đông Xướng chịu trách nhiệm chính trong việc hô hiệu lệnh nghi lễ (gồm 79 lệnh), sau mỗi lệnh của bà Đông Xướng, mỗi người sẽ thực hiện căn cứ theo từng vai đã được phân công. Buổi tối là hội diễn văn nghệ quần chúng (Do Đội văn nghệ khu dân cư đảm trách). Đến 22h: Tiến hành lễ ngự dội và bao sái phong y, sau đó tế sinh nhật, lễ lượt trong Đình.
Lễ hội chính thức được diễn ra vào ngày mồng 8 tháng giêng. Từ 6 giờ sáng Ban tổ chức lễ hội thắp hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà văn hóa, sau đó làm công tác chuẩn bị rước. Khoảng 6 giờ 30 khai mạc Lễ hội tại Sân Đình mở đầu là Lễ Phụng nghênh rước Thành Hoàng từ Đình ra Quán. Tất cả Đội hình tham gia rước đều phải chú ý nghe và thực hiện đúng theo hiệu lệnh của Người điều hành trống khẩu và sắp xếp theo đúng đội ngũ.
Khi rước ra tới Quán làm công tác đề Thành Hoàng lên Quân yên thần vị. Sau đó, tiến hành bày đồ thờ, lễ vật, Ban hành lễ làm lễ xong thì làm nghi thức bát tiên, bát bửu đứng hai bên đón Quan Anh. Tiếp đó là tổ tế vào làm lễ và tiến hành tế của các cụ ông. Sau tế là lễ tế tất và nghi lễ tiễn quan khách bao gồm: Hội bát âm, tổ trống dờn, tổ múa sinh tiền, tổ tế, tổ dâng hương, hai giới các cụ và toàn thể dân làng.
Có lẽ điều mà đám thanh niên mong đợi nhất là chương trình buổi chiều có các cuộc thi, trò chơi dân gian như cờ tướng, cờ người, đu quay và biểu diễn võ thuật tại sân Đình, chương trình văn nghệ hát quan họ, chèo thuyền tại ao Đình. Khoảng 16h là lễ thu quân kiệu để rước Thành Hoàng về Đình. Khi rước về tới đầu làng sẽ tiến hành làm lễ tiệc yến. Lễ hội kết thúc bằng lễ Hoàn cung về vị trí và làm lễ yên thần vị. Sau ngày hội, Ban tổ chức lễ hội, hai giới các cụ và toàn thể dân làng ra Đình làm lễ tế giã, hóa vàng và rút kinh nghiệm.
Cho dù lễ hội ngày nay đã giản lược vài nghi lễ rườm rà, lãng phí, nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn được duy trì. Đối với người dân Huyền Kỳ thì lễ hội không chỉ là hoạt động tâm linh cầu bình an cho mỗi người mỗi nhà mà còn là ngày tụ họp với bạn bè và người thân. Bởi với họ dù tết xưa hay tết nay, cái “tình”, cái “hồn” của mỗi gia đình vẫn là điều quan trọng nhất.