Lễ hội đua ghe Ngo: Lưu giữ văn hóa người Khmer

GD&TĐ - Đến hẹn lại lên, vào dịp Rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long rộn ràng chuẩn bị cho Lễ hội cúng trăng (Oóc Om Bóc). Một phần không thể thiếu trong lễ hội là đua ghe Ngo - một dạng ghe đặc biệt, được xem là vật thiêng chỉ được dùng để đua của người Khmer.

Hằng năm lễ hội đua nghe Ngo tại tỉnh Sóc Trăng thu hút đông đảo các đội tham gia. Ảnh: T.G
Hằng năm lễ hội đua nghe Ngo tại tỉnh Sóc Trăng thu hút đông đảo các đội tham gia. Ảnh: T.G

Gắn kết cộng đồng

Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo là lễ hội mang đậm tính dân gian truyền thống thể hiện nét đẹp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đồng thời là bộ môn thể thao dân tộc sôi nổi và hấp dẫn. Đua ghe Ngo luôn thu hút đông đảo người dân tham gia, không chỉ trong cộng đồng dân tộc Khmer mà du khách thập phương gần xa, thậm chí cả du khách quốc tế cũng tới chung vui với lễ hội.

Ghe Ngo là thuyền độc mộc làm bằng thân gỗ cây sao nguyên vẹn được khoét phần ruột do nghệ nhân và các sư chùa Khmer cùng làm. Chiều dài từ 25 - 30m, mỗi ghe Ngo có 20 - 40 khoang, chứa được khoảng 22 - 25 cặp tay bơi. Đua ghe Ngo là phần Hội của Lễ hội Óoc Om Bóc, nghi thức tiễn nước sau mùa gieo trồng, chào mừng vụ mùa bội thu.

Ghe Ngo sau khi đóng xong, được gọt đẽo cho trơn bóng và sơn phết, trang trí rất mỹ thuật. Thân ghe được sơn màu đen, trên be (bên hông) sơn một vệt màu trắng, màu vàng, màu đỏ với độ dài khoảng 5cm và hai bên be chạm trổ vẽ vẩy rồng, rắn theo mô típ Naga. Đầu ghe vẽ các hình con thú như: Rồng, chim công, sư tử, con cọp, con voi... vừa tượng trưng cho vẻ đẹp đồng thời biểu hiện sức mạnh của mỗi đội ghe.

Hằng năm, vào dịp lễ Oóc Om Bóc, đồng bào dân tộc Khmer tổ chức tập luyện để chuẩn bị cho mùa đua mới. Với niềm tin kêu gọi thần linh đến trợ giúp đội ghe đi bơi thắng lợi, người ta tổ chức buổi lễ cúng kiếng với sự có mặt đông đủ của các vận động viên và một số cổ động viên trong phum sóc (Lễ hạ thủy cho ghe Ngo). Các lễ vật được bày cúng trên một chiếc chiếu rộng trước mũi ghe. Sau lễ cúng, ghe được đưa xuống hồ trong chùa hoặc các con sông gần đó và tổ chức tập luyện.

Trước ngày hội, ban tổ chức đua ghe Ngo các cấp được thành lập và thông báo đến từng phum sóc nội dung, ngày giờ và thể lệ cụ thể cho các đơn vị có ghe tham gia, tổ chức cho đăng ký tham dự.

Các đơn vị tham gia, tập hợp các tay bơi tập tại chỗ và mỗi đội có ban tổ chức điều hành riêng. Thời gian tập dượt từ một đến hai tuần lễ. Mỗi ngày các tay bơi tập dượt theo con nước và vào giờ rảnh rỗi, thường là sáng sớm hoặc buổi chiều.

Anh Thạch Don - Đội đua ghe Ngo huyện Càng Long (Trà Vinh), chia sẻ: “Trước ngày đua, các ghe ở xa đều tổ chức lễ xuất quân, địa điểm tập trung thường tại chùa hoặc đoạn sông, kênh nằm ở trung tâm phum sóc. Trong lễ này có mặt đầy đủ đại diện chính quyền, đoàn thể, các chức sắc, sư sãi phum sóc, các trưởng lão và đông đủ các vận động viên để nghe ban tổ chức dặn dò và triển khai thể lệ cuộc đua…

Sau lễ xuất quân xong, các ghe lên đường về nơi tập kết tham dự cuộc đua, ghe bơi biểu diễn một đoạn ngắn trong phum sóc để tạo khí thế. Sau đó được đưa đi bởi một ghe máy có mã lực lớn và đi cùng là ghe “cà hâu” (ghe hậu cần), có cả phương tiện thông tin cổ động, dàn trống, dàn nhạc ngũ âm truyền thống, kể cả nơi nghỉ ngơi cho các tay bơi. Đoàn tay bơi và cổ động viên gồm khoảng 1.000 người. Đoàn đi đến đâu, tiếng nhạc cổ vũ và reo hò đến đó”.

Mỗi đợt đua chọn 1 cặp ghe theo bảng đã được bốc thăm, cuộc đua diễn ra liên tục từ vòng loại đến vòng chung kết. Vì ghe thân hình thon dài, hai phía đầu và sau lái đều cong, nếu bơi động tác phối hợp không ăn ý rất dễ mất thăng bằng và bị lật chìm. Vì thế, mỗi khi đưa ghe xuống nước, người ta tổ chức tập nhuần nhuyễn động tác ở trên cạn, sau đó mới đưa xuống nước tập bơi.

Người bơi phải thật khỏe mạnh, có kỹ thuật bơi mới đủ sức vượt lên giành chiến thắng. Đặc biệt, người ngồi đầu ghe Ngo (được chọn từ những người có uy tín và thông thạo việc đua ghe) phải đưa tay ra chỉ huy thật nhịp nhàng, lướt từng nhịp sóng. Người đánh cồng, người thổi còi thúc giục động viên và người cầm lái lại càng quan trọng, tất cả đều phải phối hợp thật ăn ý.

Nâng tầm lễ hội

Trước đây, từng địa phương thường tổ chức đua ghe Ngo tại chỗ để phục vụ bà con nhân dịp lễ Oóc Om Bóc. Về sau, cuộc đua ngày càng mở rộng và trở thành ngày hội của dân tộc Khmer. Cuộc đua mang tính chất thể thao, với số lượng ghe Ngo ngày một nhiều.

Ngày hội đua ghe Ngo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa tượng trưng cho sức mạnh, vừa mang tính dân gian đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống từ lâu được phổ biến rộng rãi trong các xóm, ấp, phum sóc hay khu vực của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Ngày nay, đồng bào Khmer tổ chức đua ghe Ngo như là một tục lệ. Ngày đua ghe Ngo được người dân coi là ngày hội lớn để cùng vui chơi, nô nức đi xem nhằm thưởng thức cái đẹp, cái khoẻ mạnh hào hùng, và tài nghệ tuyệt vời của các tay bơi trên sông nước mênh mông.

Sóc Trăng là địa phương có hội đua ghe Ngo thu hút nhiều người tham dự, có thể lên tới hàng trăm nghìn người. Một đặc điểm nữa của hội là đã tham dự đua năm trước, năm sau các xóm, ấp, phum sóc đều cố gắng đưa ghe mình đi dự cho bằng được.

Nắm được tâm tư của đồng bào và góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá độc đáo của địa phương, hàng năm, chính quyền địa phương đều hỗ trợ kinh phí cho các chùa đóng mới hoặc sửa chữa chiếc ghe Ngo để tham gia thi đấu.

Trước nhu cầu tổ chức ở quy mô lớn hơn để tương xứng với tầm vóc của lễ hội, tỉnh Sóc Trăng hằng năm đều tổ chức Giải đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); có năm nâng tầm lễ hội lên thành Festival Đua ghe Ngo.

Đây là lễ hội văn hóa - thể thao - du lịch mang tính đặc trưng của địa phương nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, văn hóa, du lịch. Đồng thời là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, phát huy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương của người dân.

Tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng đường đua ghe Ngo và khán đài trên sông Maspero (TP Sóc Trăng). Được sự chấp thuận của Bộ VH,TT&DL, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ hội Oóc Om Bóc đua ghe Ngo cấp khu vực ĐBSCL theo định kỳ 2 năm/lần. Năm 2019 là lần thứ 4 tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ hội này.

Giải đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, khu vực ĐBSCL - năm 2019, do tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức diễn ra từ ngày 10 đến 11/11/2019 tại đường đua trên dòng sông Maspero (khóm 5, phường 8, TP Sóc Trăng).

Dự kiến có hơn 50 đội ghe Ngo nam, nữ của Sóc Trăng và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tham dự. Các đội tham gia thi đấu 2 cự ly 1.000m và 1.200m để tranh ngôi vô địch. Đội ghe vô địch sẽ được UBND tỉnh tặng bằng khen, cúp, cờ và tiền thưởng từ Ban tổ chức.

Trên 40 đội nam và 7 đội nữ đã đăng ký tham gia. Trong đó, ngoài tỉnh có 9 đội (với 6 đội nam và 3 đội nữ) đến từ các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Kiên Giang.
Ông Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Phó Trưởng ban Tổ chức lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.