Lễ hội Chá Mùn của người Thái ở Thanh Hóa

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chá Mùn là lễ tục cầu mùa, cầu phúc của người Thái đen.

Lễ hội Chá Mùn của người Thái ở Thanh Hóa

Tương truyền, từ xa xưa con người ở trần gian (Mường Lúm) bị dịch bệnh, không phương thuốc cứu chữa, tổ tông người Thái đen đã cử người lên Mường trời cầu cứu Pó Then.

Pó Then lệnh cho quân mở cổng trời thả xuống trần gian một sợi lụa dẫn đường cho quân lính đi voi, ngựa xuống giúp diệt trừ ma tà, trị bệnh cứu người. Mường Lúm được cứu sống, người Thái đen đã cử đại diện theo sợi lụa lên Mường trời tạ ơn và học bí quyết.

Theo lời hứa, mỗi mo Mùn khi đã hành nghề từ 3 đến 5 năm trở lên, tương ứng với 120 lượt cúng và chữa trị bệnh thì phải tạ ơn Pó Then. Mo chủ loan báo đến các Lúc May (người bệnh) được mo Mùn cứu chữa chuẩn bị đồ lễ để góp vào tổ chức lễ hội.

Trung tâm của lễ hội là cây bông (gọi là Bọoc mạy). Trên cây bông trưng bày đủ loài hoa, chim muông, cá, ếch, voi, ngựa, thuyền bè và được đặt ở gian chính ngôi nhà sàn Mo chủ. Gần cây bông đặt 2 vò rượu cần, một vò cắm 4 cần dành cho Mo chủ mời ông Then, một chĩnh 8 cần mời khách đến dự lễ hội.

Một mâm cúng chính (gọi là Pan thôn) đặt gần cửa sổ gian giữa ngôi nhà với ý nghĩa mời Pó Then và linh hồn các thế hệ Mo mùn đi trước đến chứng giám và phù hộ. 30 mâm phụ (gọi là Pan bán) được đan bằng tre, nứa bày các loại hoa quả như chuối, mía, khoai lang, khoai sọ, cá nướng, xôi và một chai rượu được đặt trên nhà sàn với ý nghĩa tiếp đoàn tháp tùng Pó Then từ Mường trời xuống trần gian dự lễ hội.

Sau phần nghi lễ sẽ tổ chức các trò chơi, trò diễn và cuối cùng là tiễn Pó Then, các linh hồn mo Mùn trở về Mường trời, chia tay lễ hội và hẹn mùa lễ hội sau.

Qua lễ hội, người dân gửi gắm những ước vọng về cuộc sống bình yên, no ấm. Đây là dịp để mọi người giao lưu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vun đắp nên những nét đẹp phong tục, tập quán, tín ngưỡng, cũng như lối ứng xử thân thiện, mến khách, tạo nên một sắc thái văn hóa đặc sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ