Lấy vợ tiểu thư

Lấy vợ tiểu thư

(GD&TĐ) - Trong đám bạn bè cùng học đại học, ai cũng nói Hùng may mắn. Là dân tỉnh lẻ vào thành phố học đại học, ra trường có việc làm ổn định rồi cưới vợ. Ngay cả việc cưới vợ của Hùng cũng được cho là may mắn.

Hùng lấy Thảo, chẳng những là dân thành phố chính gốc mà còn là tiểu thư con nhà khá giả. Lấy vợ xong, vợ chồng anh còn được bố mẹ vợ tặng hẳn một căn nhà để cho ra ở riêng. Họ hàng hai bên đều nói Hùng “mèo mù vớ cá rán”. Nhìn vào, ai cũng bảo anh sướng. Nhưng "phải ở trong chăn mới biết chăn có rận". 

Ngôi nhà 3 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi, nhưng bừa bộn khắp nơi nào là quần áo trẻ con, người lớn vắt ngổn ngang. Đủ thứ tã lót, bít tất, khăn mặt… “rải” trên sa lông, máng trên cửa sổ, trên ghế… Dưới sàn nhà la liệt chỗ này giày dép, chỗ kia sách báo, chỗ nọ đồ chơi… Dưới bếp, nồi niêu xoong chảo chưa rửa, nằm lăn lóc trên bếp, trong bồn rửa… Đó là chưa kể mùi nước đái trẻ con nồng nặc.

Ảnh MH (Nguồn Internet)
Ảnh MH (Nguồn Internet)

Mỗi ngày đi làm về, Hùng lại còng lưng dọn dẹp. Còn Thảo, vợ anh thì coi chuyện dọn dẹp nhà cửa đương nhiên là việc của chồng. Thứ bảy, chủ nhật, cả hai vợ chồng được nghỉ ở nhà, nàng cũng chẳng mảy may động chân động tay vào bất cứ việc gì ngoài việc ngủ rồi hẹn hò bạn bè đi shopping...

Khi còn yêu nhau, biết nàng quen được chiều chuộng, từ nhỏ đến lớn chẳng bao giờ phải động chân động tay làm gì, nhưng anh hi vọng cưới xong sẽ tìm cách “dạy vợ. Thời gian đầu, Hùng cố gắng vừa khuyên bảo vừa “cầm tay chỉ việc” cho vợ. Song, chẳng những Thảo không chịu “học” mà còn đụng đâu là đổ vỡ đấy. Đã thế, không ít lần, cô làm mình làm mẩy, giận dỗi. Thấy thế, Hùng đành làm một mình cho nhanh.

Từ đó, mọi việc trong nhà, từ dọn dẹp đến giặt giũ đều một tay cậu. Đi làm về, Thảo kêu mệt, chỉ xem ti vi hay đọc báo. Ngay cả chuyện cơm nước cũng là Hùng “phụ trách”. Đã thế, ngồi bên mâm cơm, nhiều khi Thảo còn gảy gót thức ăn chê chồng nấu không ngon, món này mặn, món kia nhạt. 

Hay như  Lan, nhìn cô chẳng ai nghĩ cô là mẹ của 2 đứa con lít nhít (đứa lớn 4 tuổi, đứa thứ 2 mới 18 tháng), bởi cô luôn tham gia đủ những buổi du lịch hay tiệc tùng ở công ty.

Lan sinh ra trong một gia đình bề thế. Dáng vẻ mỏng manh, yếu ớt này đã khiến Quang muốn che chở giúp đỡ cô cả đời. 

Thế nên từ lúc yêu đến lúc cưới, Lan không phải “mó” tay vào bất kỳ việc gì. Mọi việc đều vào tay chồng làm hết, đến khi có con thì người giúp việc kiêm tất cả.

Hai con của Lan đều do chồng và ôsin chăm là chính, số lần Lan giặt quần áo hay nấu cháo cho con chỉ tính trên đầu ngón tay. Muốn làm gì, muốn con ăn gì, Lan chỉ việc “chỉ đạo” và bác giúp việc làm hết. Những hôm con ốm, quấy khóc Lan cũng chẳng biết làm sao để dỗ con, cô còn lớn tiếng mắng con: “Trật tự đi, điếc cả tai. Đi làm đã mệt, về nhà còn mệt hơn.”.  Thậm chí cả việc cho con bú Lan cũng né tránh vì cô sợ… xấu ngực. Mặc dù có rất nhiều sữa nhưng cô cứ khất lần, lấy hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn, thế nên 2 đứa con nhà Lan không biết lấy một giọt sữa mẹ.

Có lần bác giúp việc xin phép về quê mấy hôm, Lan phải nghỉ làm trông con. Nhưng Lan không biết nấu cháo cho đứa út, không biết con thích ăn thế nào, không biết thằng lớn học lớp cô giáo nào… Cứ một lúc Lan lại điện cho chồng hỏi xem mấy giờ đưa con đi học, mấy giờ đón con, cho con ăn thế nào… Được hai ngày thì Lan không thể cố gắng được nữa, Lan điện cho bác giúp việc liên tục để bảo bác lên sớm cho cô… đỡ mệt.

Hai đứa con ở nhà với ôsin, tối về lại bám bố còn Lan thì bận bịu với việc… bôi kem dưỡng da, soi gương xem có cái mụn nào mới nổi lên hay không hoặc lướt web để chọn mua quần áo. 

Đến nước này thì chồng Lan chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán và phát chán vì vợ. Nếu như trước đây chồng Lan yêu vợ vì cái tính tiểu thư thì giờ đây anh lại ghét cái tính đó vô cùng.

Linh Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ