Ngày 4/5, bác sĩ Võ Hòa Khánh - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, cho biết các bác sĩ vừa tái tạo ngón cái tay phải cho bệnh nhân H.N.T., 32 tuổi.
Khoảng 4 tháng trước, do sơ ý trong lúc làm việc, anh H. bị tai nạn dập náy ngón cái của bàn tay phải không thể điều trị bảo tồn nên bác sĩ đã tháo khớp làm mỏm cụt.
Sau khi xuất viện, vết thương mỏm cụt bình phục anh H. trở lại với công việc nhưng bàn tay không còn ngón cái khiến anh gặp rất nhiều khó khăn vì mất gọng kiềm để tạo cung cầm nắm. Anh H. đã trở lại bệnh viện, nhờ bác sĩ hỗ trợ chuyên môn, tìm lại chức năng của bàn tay.
|
Bàn tay phải của bệnh nhân trước khi được táo tạo từ ngón chân trái. Ảnh: BSCC. |
Theo TS.BS Mai Trọng Tường, Trưởng khoa Vi phẫu Tạo hình, ngón cái trên bàn tay chiếm tới 50% chức năng của cả bàn. Việc tái tạo lại ngón cái đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp hồi phục tính thẩm mỹ ở bàn tay mà còn khôi phục chức năng, tạo cung cầm nắm, giúp bệnh nhân mau chóng hòa nhập cuộc sống.
Sau khi thăm khám, bác sĩ đã khuyến khích người bệnh lấy ngón chân số 2 tái tạo để làm ngón tay cái đã mất. Sau khi lấy thành công ngón số 2 trên bàn chân trái, ê-kíp bác sĩ đã phải thực hiện nhiều kỹ thuật phức tạp giúp phục hồi sự sống của ngón tái tạo.
Sau 7 ngày được tái tạo, ngón chân đã sống tốt ở vị trí của ngón tay phải và có thể cử động những động tác gập duỗi, khép ngón cái. Phần cảm giác của ngón ghép sẽ được hồi phục dần trong thời gian sắp tới.