Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19: Không chọc mũi vẫn hiệu quả?

GD&TĐ - Việc đưa dụng cụ lấy dịch tỵ hầu ở vòm mũi gây đau, khó chịu cho người xét nghiệm.

Việc chọc mũi sai cách có thể gây đau và chảy máu.
Việc chọc mũi sai cách có thể gây đau và chảy máu.

Đặc biệt, việc chọc mũi nhiều lần hoặc sơ suất có thể gây tổn thương, áp xe vùng tỵ hầu. Từ đó, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người được lấy mẫu.

Phương pháp đơn giản

Trong thời gian TPHCM và Hà Nội thường xuyên xét nghiệm diện rộng, việc chọc mũi đã trở thành “nỗi ám ảnh” của nhiều người dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một phương pháp khác để xét nghiệm Covid-19 hiệu quả và không gây đau là lấy mẫu ở vùng họng.

Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) chia sẻ: “Lấy mẫu từ mũi có nghĩa là dùng một cái que chọc vào mũi để lấy đủ dung lượng. Người lấy mẫu phải được huấn luyện.

Dù đã qua huấn luyện, cách làm này tương đối xâm phạm và gây khó chịu cho rất nhiều người. Một số người rất sợ lấy mẫu bằng cách ngoáy mũi vì họ cho rằng dễ bị tổn thuơng”. Chuyên gia này gợi ý, một cách làm khác là lấy mẫu nước miếng (không cần dùng que).

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), lấy nước miếng vùng dưới lưỡi dễ thực hiện, dễ tìm virus hơn cách chọc mũi. Phương pháp đó đồng thời chính xác với chủng Delta. Trong khi đó, nếu thao tác chọc mũi không chính xác, người được lấy mẫu sẽ đau và chảy máu mũi.

Bác sĩ Phan Xuân Trung - Trung tâm Y khoa Hòa Hảo (TPHCM) nhận định, việc chọc mũi xét nghiệm mang lại nhiều nguy cơ tổn hại sức khỏe. Khi niêm mạc vùng tỵ hầu bị rách sẽ dẫn đến nhiễm trùng, sinh mủ.

Phía sau thành tỵ hầu (vách sau của mũi) là não. Do đó, bác sĩ Trung cho rằng, thành họng vùng tỵ hầu bị đâm chọc nhiều lần tại một điểm sẽ dẫn đến rách niêm mạc, thủng lớp mô thành họng (màn hầu), nhiễm trùng và tạo áp xe thành sau họng.

Hiệu quả cao hơn?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, nước miếng hàm chứa nhiều nCoV. Chuyên gia dẫn chứng, nhiều nghiên cứu được thực hiện từ năm ngoái tại Italy, Trung Quốc, Hồng Kông đã cho thấy, nCov hiện diện trong nước miếng từ 87 - 100%. Ưu điểm của phương pháp lấy mẫu nước miếng là dễ hơn, không cần huấn luyện, nhẹ nhàng hơn so với chọc vào mũi.

“Câu hỏi đặt ra là giữa mẫu nước miếng và mẫu lấy từ mũi, cái nào cho ra kết quả chính xác hơn. Các nhà khoa học Singapore đã công bố một nghiên cứu nhằm trả lời câu hỏi đó. Họ làm nghiên cứu trên 337 mẫu. Trong đó, 188 người có triệu chứng và 149 không có triệu chứng khi mắc Covid-19. Họ so sánh độ chính xác 3 loại mẫu xét nghiệm Covid-19”, chuyên gia dẫn chứng.

Cụ thể, 3 loại mẫu xét nghiệm bao gồm: Nhân viên y tế chọc mũi; Mẫu lấy từ nước miếng; Người tham gia tự chọc mũi. Kết quả cho thấy, xét nghiệm trên nước miếng có độ nhạy cao hơn xét nghiệm trên mẫu tự lấy từ mũi.

“Một số nghiên cứu cho rằng, mẫu từ mũi cho ra kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác kết luận rằng, mẫu nước miếng chính xác hơn. Vấn đề là chúng ta phải đánh giá bằng chứng khoa học.

Các nghiên cứu trước đây thường có số tình nguyện viên rất thấp (thường là vài chục người, hay cao hơn là 100), nên kết quả có nhiều bất định. Nghiên cứu của nhóm Singapore, số cỡ mẫu lớn (hơn 300), nên đó là một ưu điểm”, Giáo sư Tuấn chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia này, nghiên cứu ở Singapore dùng công nghệ NGS (giải trình tự gen thế hệ mới) để đánh giá kết quả xét nghiệm. Đây được coi là một ưu điểm lớn khi các nghiên cứu trước không có. Ngoài ra, nghiên cứu cũng so sánh hai xét nghiệm trong mỗi mẫu.

Do đó, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định, Việt Nam nên triển khai dùng mẫu nước miếng làm xét nghiệm chung. Trong khi đó, có thể áp dụng phương pháp lấy mẫu từ mũi ở những người có triệu chứng. Đồng thời, có thể làm nghiên cứu so sánh như nhóm Singapore để có chứng cứ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ