Lấy điện ảnh để quảng bá văn hóa, đất nước và con người

GD&TĐ - Thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh

Các đại biểu cho rằng, sau 15 năm thi hành, nhiều quy định trong Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan; việc áp dụng một số quy định còn khó khăn, vướng mắc.

Đặc biệt, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, mạng xã hội đã và đang tác động mạnh đến ngành điện ảnh, làm thay đổi về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim và cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân.

Dại biểu Nguyễn Đình Việt (Đoàn Cao Bằng) - cho biết, đa số thành viên Chính phủ lựa chọn phương án 1 là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Cơ quan thẩm tra lựa chọn phương án 2 (giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu).

Đại biểu Nguyễn Đình Việt đồng tính với ý kiến của cơ quan thẩm tra và cho rằng, đây là các hình thức cơ bản để lựa chọn đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước được pháp luật quy định.

Thảo luận tổ
Thảo luận tổ

Thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân. Luật Đấu thầu quy định cụ thể, chi tiết cả ba hình thức này. Đại biểu Nguyễn Đình Việt đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.

Liên quan đến việc thu hút tổ chức nước ngoài sản xuất phim Việt Nam, dự thảo Luật quy định các tổ chức nước ngoài được ưu đãi về thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế… Đại biểu Nguyễn Đình Việt cho rằng, quy định này có thể làm mất cân bằng giữa nhà sản xuất phim ở Việt Nam và tổ chức nước ngoài.

Các ưu đãi về thuế cần được quy định trong Luật Thuế chứ không nên quy định trong Luật Điện ảnh để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và sự tương thích với luật liên quan.

Điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước

Thảo luận tại tổ 2, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) khắc phục được những nhược điểm của Luật hiện hành.

Công nghiệp điện ảnh và phát triển điện ảnh có vị trí đặc thù, nhiều quốc gia đã đi đầu trong việc lấy điện ảnh để quảng bá văn hóa, đất nước, con người như: Hàn Quốc, Trung Quốc…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước, văn hóa soi đường quốc dân đi. Điện ảnh là loại hình văn hóa, nghệ thuật nhưng luật pháp phải đảm bảo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển, do vậy Luật Điện ảnh (sửa đổi) đảm nhận vai trò quan trọng đó.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường, quy luật thị trường, quy luật giá trị chi phối, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần phải giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua phát triển điện ảnh, điện ảnh là hình thức nghệ thuật quan trọng để truyền bá hình ảnh đất nước, những hạn chế về luật pháp liên quan đến vấn đề này cần được khắc phục.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tại Tổ 2
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tại Tổ 2

Đề cập đến luật pháp và mối quan hệ với điện ảnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần nghiên cứu việc xây dựng luật pháp mang tính định hướng lâu dài, và nghiên cứu thêm về kinh nghiệm quốc tế.

Chủ tịch nước đề nghị bên cạnh việc xã hội hóa các tổ chức, cá nhân xản xuất phim, vấn đề quan trọng là Nhà nước cần có cơ chế đặt hàng, dành kinh phí hoặc có hỗ trợ cần thiết với các loại hình nghệ thuật điện ảnh liên quan đến tác phẩm lịch sử, tư liệu giới thiệu đất nước Việt Nam 4000 năm lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nhà nước nên quan tâm các chính sách này, đây cũng là những vấn đề cần đặt ra mạnh mẽ hơn trong bối cảnh kinh tế thị trường.

Chủ tịch nước cho rằng, Hội đồng thẩm định phải có vai trò quan trọng, có tầm nhìn, là nghệ sỹ tài năng, đức cao vọng trọng, có ảnh hưởng đến các yếu tố bộ phim được trình chiếu... do đó đề nghị nội dung đề tài phải được Hội đồng thẩm định xem xét, quyết định.

Đồng thời đề nghị những hành vi nào nghiêm cấm trong Luật cần phải nêu rõ ràng, cụ thể hơn, nhất là những hành vi có xu hướng xòa nhòa lịch sử, tiêu cực trong tư tưởng…

Về phát hành phim, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần đầu tư cơ sở vật chất của Luật điện ảnh vì phim trường của nước ta hiện chưa thực hiện được và còn thiếu. Việc quảng bá văn hóa, xúc tiến điện ảnh Việt Nam ra quốc tế còn hạn chế.

Do vậy, cần đẩy mạnh công tác quảng bá nhiều hơn, bài bản, qua đó góp phần quan trọng đưa văn hóa, lịch sử Việt Nam giới thiệu với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, cần sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả trong sản xuất và phát triển điện ảnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.