Ở giai đoạn 30-40 tuổi hầu hết chúng ta đều đã qua thời kỳ định hình tính cách như ở tuổi 18, 20. Thay vào đó đây là giai đoạn phát triển về xã hội học. Lúc này chúng ta đã có một nghề nghiệp ổn định cùng một kinh nghiệm sống vững vàng, cũng như biết rõ bản thân muốn gì nên có thể tận hưởng đầy đủ và thoải mái nhất cuộc sống của mình.
Bên cạnh đó các nghiên cứu cho thấy, trung bình phải đến độ tuổi 30 chúng ta mới nhận biết đối tác kết hôn một cách thận trọng hơn và biết tập trung vào các khía cạnh khác của mối quan hệ, chứ không chỉ quan tâm đến tương thích tình dục. Chính vì thế sẽ hạn chế những cuộc “ly hôn xanh” thường gặp ở những người trẻ bây giờ.
Nếu như ở độ tuổi 20-25, đa số đều tìm kiếm đối tác để thỏa mãn nhu cầu tình dục thì ngược lại độ tuổi 30-40 bắt đầu chú ý đến những phẩm chất khác như độ tin cậy hay sự hòa hợp về tâm hồn và tính cách. Quan trọng nhất là ở độ tuổi này, chúng ta hầu hết đều đã ổn định về kinh tế, có một cuộc sống cân bằng làm “bàn đạp” vững chắc cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc, thăng hoa.
Đa số thanh niên ở các nước phát triển có xu hướng ổn định gia đình vào tuổi 40 thay vì 30 như trước kia. Và nhiều người lên đến đỉnh cao sự nghiệp và gia đình viên mãn ở tuổi 50.
Có lẽ vì thế mà ngày nay xu hướng nhiều người 30 vẫn độc thân không còn xa lạ. Vì vậy câu nói “gái 30 tuổi đã toan về già” của các cụ ngày xưa có lẽ nên thay bằng: “ba mươi là tuổi yêu đương. Bốn mươi tuổi mới khẩn trương lấy chồng”.
Rõ ràng những người sinh ra cuối thế kỷ 20 đã bắt đầu nhận thấy họ chỉ thực sự cảm nhận được hương vị cuộc đời ở tuổi 30-40 một cách hoàn toàn tự nhiên, khác với thế hệ trước thực sự “vào đời” ở tuổi 20-25 và lên lão ở tuổi 50. Điều này cũng phù hợp với sự gia tăng tuổi thọ con người trong vài thập kỷ gần đây.
Còn bạn, bạn có muốn “bắt kịp xu hướng” này không?