Những năm qua KCCC đã dạy được gần 50 khóa học hiệu quả, bổ ích giúp các cô dâu lấy chồng Hàn Quốc tự tin trước khi về nhà chồng.
Lớp học Trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc giúp các cô dâu tự tin hơn
Lớp học Trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc được Trung tâm giao lưu văn hóa Việt – Hàn tổ chức nhằm giúp các cô dâu Việt chuẩn bị sang Hàn Quốc làm dâu có thêm kiến thức, văn hóa nơi quê chồng Hàn. Nhiều cô rất phấn khởi khi được tham gia lớp học này. Mỗi lớp học, số học viên được học và trải nghiệm các kiến thức, kỹ năng cơ bản ở lớp học này chỉ khoảng 20 – 30 người/tháng so với con số rất nhỏ trong số khoảng 500 – 600 cô gái xin visa sang Hàn Quốc định cư hàng tháng, nhưng thật hiệu quả và được các cô dâu tin tưởng.
Mỗi khóa học chỉ diễn ra trong vòng 2 tuần. Các cô dâu học lớp này được miễn phí hoàn toàn mọi chi phí. Đồng thời KCCC bố chí hoàn toàn chỗ ở, đi lại và tiền học.
Đến lớp học các cô dâu còn được học về các điểm khác biệt cơ bản giữa văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc, cách ứng xử, lễ nghi và các món ăn Hàn Quốc; Cách làm vợ, làm mẹ, làm con dâu trong gia đình đa văn hóa; việc xây dựng, vun vén gia đình...
Theo bà Kim Young Shin, Giám đốc Dự án Gia đình Đa văn hóa cho biết: Các cô dâu Việt được học lớp học trải nghiệm văn hóa của KCCC tỷ lệ thành công lên tới 99%. Lý do thành công được bà Kim Young Shin cho rằng qua các lớp học trải nghiệm các cô dâu Việt nhận thức được và xác định tư tưởng, lập trường vững chắc, một mực yêu thương chồng và gia đình chồng.
Hầu hết các cô dâu Việt Nam xác định lấy chồng Hàn Quốc vốn dĩ muốn được sống hạnh phúc, muốn cố gắng vun đắp hạnh phúc. Vì vậy họ rất nhiệt tình, có ý chí vượt khó.
Cùng nói về lớp học trải nghiệm này, bà Ngô Thị Trinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Việt – Hàn cho biết: Đến lớp học trải nghiệm, các cô dâu rất chịu khó học hỏi, tìm hiểu một số những khó khăn, khác biệt về văn hóa để có những hình dung nhất định về những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt. Và cùng qua đó các cô dâu sẽ chuẩn bị hành trang tốt hơn để bước vào cuộc sống một cách thận trọng hơn, không còn sự hồn nhiên, ngây thơ, ảo tưởng nữa.
Tuy nhiên, số cô dâu Việt Nam trải qua các lớp học trải nghiệm văn hóa mà về nhà chồng vẫn không chịu hòa nhập, kỹ năng sống yếu chiếm tỷ lệ phần trăm rất ít. Đa số còn lại chỉ được học 1 ngày trước khi sang Hàn Quốc do các trung tâm mai mối hôn nhân tổ chức. Chính điều này đã đẩy các cô dâu Việt vào tình thế quyết định trong vội vã, thiếu cơ sở thực tế và không chuẩn bị đủ bản lĩnh, kỹ năng cần thiết để giải quyết những khó khăn sẽ phải đối mặt. Nhiều trường hợp rơi vào bi kịch đau lòng.
Theo cô dâu Phùng Thu Nguyệt (Hải Dương) đã học lớp Trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc khoá 41 cho biết: Được học lớp trải nghiệm Văn hóa Hàn Quốc em học được rất nhiều điều bổ ích. Tại lớp học em được học tiếng Hàn với những từ ngữ để giao tiếp thông dụng; được học văn hóa ứng xử, con người Hàn Quốc; học nấu các món ăn Hàn Quốc… và những kỹ năng giao tiếp hàng ngày. Qua lớp học này em đã hình dung được cuộc sống nơi xứ người không phải là thiên đường phồn hoa đô hội như trong phim Hàn mà là phải tự bản thân mình. Mình xác định đã lấy chồng rồi là phải theo chồng và hết lòng tận tụy với nhà chồng.
Đồng thời hạn chế thấp nhất những bi kịch gia đình
Theo bà Ngô Thị Trinh, để hạn chế thấp nhất những bi kịch xảy ra trong gia đình đa văn hóa Việt - Hàn, việc tổ chức các lớp học trải nghiệm văn hóa cho các cô dâu với một chương trình bài bản, kỹ lưỡng và thực tế là rất cần thiết.
Bên phía Việt Nam thường gặp khó khăn về tài chính khi tổ chức các lớp học như này. Do đó, nếu phía Hàn Quốc mong muốn có những lớp tập huấn cho các cô dâu thì chúng ta nên tạo điều kiện kiểm tra về mặt pháp lý, trình độ giáo viên, nội dung giáo trình…tạo điều kiện cho các cô dâu có điều kiện tốt nhất để hòa nhập.
Chia sẻ về những kinh nghiệm thành công trong cuộc hôn nhân của mình, bà Lê Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết: Hàn Quốc cũng có những nét tương đồng như Việt Nam. Đàn ông của họ cũng gia trưởng, cũng muốn người phụ nữ của họ đảm đang, chịu thương, chịu khó, biết hy sinh, nhường nhịn vì chồng và nhà chồng.
Người chồng Hàn Quốc luôn có vai trò trụ cột, có tiếng nói tuyệt đối trong gia đình nên nếu phải đưa hết tiền cho vợ, người chồng sẽ thấy xấu hổ. Trong gia đình Hàn Quốc hiện đại có thay đổi khá nhiều, nhưng những gia đình nông thôn Hàn Quốc vẫn duy trì văn hoá này. Vai trò của người chồng tại các gia đình nông thôn Hàn Quốc vẫn là tuyệt đối. Đi chợ người vợ cũng phải hỏi tiền chồng. Còn ở Việt Nam thì rất thịnh hành về tiểu thương, người vợ dù ở nhà, nhưng vẫn có thể buôn bán nhỏ lẻ, có đồng ra đồng vào. Ở Hàn Quốc, người vợ chỉ đảm đương công việc nội trợ. Khi cần tiền họ phải hỏi chồng. Điều này khiến nhiều cô dâu Việt cảm thấy bí bách, mất tự chủ dẫn đến trầm cảm.
Vì vậy các cô dâu người Việt mới định cư hay đang có ý định sang Hàn Quốc, hãy cố gắng vượt qua rào cản, biết nhẫn nhịn, yêu thương người khác thì mình sẽ được đón nhận và dễ thích nghi hơn.
Tại Hàn Quốc chúng tôi đã mở văn phòng hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ tư vấn 24/24h cho tất cả những phụ nữ gặp vấn đề rắc rối gia đình. Trong những trường hợp cần thiết, hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng kết nối với những cơ quan chức năng để kêu gọi sự giúp đỡ và yêu cầu có biện pháp nghiêm minh để xử lý, nhất là những vụ bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp pháp tạm thời. Để giải quyết tận gốc vấn đề nên có những chương trình giáo dục để chị em hòa đồng với phong tục văn hóa nơi quê người. Đó là các lớp học tiếng Hàn và văn hóa Hàn cho phụ nữ di trú kết hôn, lớp học và dạy tiếng Việt cho trẻ em các gia đình đa văn hóa.
Việc tổ chức lớp học này sẽ giúp các cô dâu hiểu biết hơn. Thực tế hiện nay, các cô dâu Việt chiếm tỉ lệ cao nhất trong các gia đình có yếu tố hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc. Vì vậy, không phải chỉ các cô dâu Việt học hỏi văn hóa Hàn, mà người chồng Hàn Quốc cũng phải học về văn hóa Việt Nam. Đồng thời cả những đứa trẻ sinh ra trong gia đình đa văn hóa này cũng phải học văn hóa Việt Nam. Có như thế những cuộc hôn nhân trong gia đình đa văn hóa Việt – Hàn mới được bền chặt.q