Lấy bằng kỹ sư hay cử nhân?

GD&TĐ - Nhiều thí sinh có nhu cầu chọn ngành nghề thuộc lĩnh vực KT, công nghệ không khỏi băn khoăn sẽ lấy bằng cử nhân hay kỹ sư sau khi tốt nghiệp...

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) thực hành tại xưởng cơ khí. Ảnh: Như Quỳnh
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) thực hành tại xưởng cơ khí. Ảnh: Như Quỳnh

Sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ hiện nay có thể được cấp bằng cử nhân kỹ thuật, thay vì kỹ sư - theo suy nghĩ truyền thống của nhiều người. Nhiều thí sinh có nhu cầu chọn ngành nghề thuộc lĩnh vực này không khỏi băn khoăn sẽ lấy bằng cử nhân hay kỹ sư sau khi tốt nghiệp.

Thí sinh, phụ huynh đều trăn trở

Là học sinh lớp 12, Nguyễn Phan Bình Minh (TP Pleiku, Gia Lai) đang trong giai đoạn tìm hiểu về ngành, nghề và trường đại học, chuẩn bị cho đợt xét tuyển sắp tới. Vốn có thế mạnh về khối tự nhiên, Minh có định hướng theo các ngành về công nghệ như máy tính hay kỹ thuật. Sau khi tìm hiểu chương trình đào tạo ở các trường đại học, Minh muốn trở thành kỹ sư sau khi ra trường, xin việc tại các công ty công nghệ lớn.

Tuy nhiên, nam sinh lại băn khoăn giữa việc chọn trường, bởi thấy có sự khác biệt. Cùng là ngành Khoa học máy tính nhưng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) đào tạo chương trình là cử nhân Khoa học máy tính, sẽ được cấp bằng cử nhân. Trong khi đó, tại một số trường khác, như Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM), chuẩn đầu ra sẽ được cấp bằng kỹ sư. Theo hình dung của nam sinh lớp 12, học kỹ sư sẽ khó hơn cử nhân, bằng cấp có giá trị hơn.

“Em cứ nghĩ rằng học các ngành công nghệ, kỹ thuật thì đương nhiên sẽ được cấp bằng kỹ sư nhưng hóa ra cũng có trường cấp bằng kỹ sư, trường cấp bằng cử nhân. Thậm chí nhiều trường cấp bằng cử nhân như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM có đầu vào cao hơn nhiều trường cấp bằng kỹ sư”, Minh chia sẻ.

“Hiện tượng” này cũng được Minh tìm thấy tương tự ở các ngành như Công nghệ Thông tin, Công nghệ Sinh học, Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông... Theo đó, cùng một ngành, có trường cấp bằng kỹ sư, trường lại cấp bằng cử nhân kỹ thuật.

Thậm chí, ngay trong một trường, một ngành vừa được cấp bằng kỹ sư nếu học 5 năm, cấp bằng kỹ thuật nếu học 4 năm, chẳng hạn các ngành Kỹ thuật Điện, Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông của Trường Đại học Giao thông Vận tải - Phân hiệu tại TPHCM (UTC2). “Em rất băn khoăn không biết nên chọn học hệ kỹ sư hay cử nhân? Làm thế nào để phân biệt được ngành đó là cấp bằng kỹ sư hay cử nhân kỹ thuật”, Minh nói.

Thắc mắc của Nguyễn Phan Bình Minh có cơ sở, bởi vừa qua, một số trường nổi tiếng đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ lại cấp bằng cho sinh viên tốt nghiệp là cử nhân chứ không phải kỹ sư. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), từ cuối năm ngoái tới nay, hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật tại trường nhận bằng tốt nghiệp đại học là cử nhân chứ không phải kỹ sư.

“Trước đây, nghe nói học ở Trường Đại học Bách khoa thì dĩ nhiên được cấp bằng kỹ sư, nhưng không hiểu sao các đợt gần đây, nhà trường lại cấp bằng cử nhân. Học tại một trường có đầu vào lẫn đầu ra rất khó, có tên tuổi nhưng nhận bằng cử nhân thì không tương xứng lắm”, ông Nguyễn Văn Bảo, phụ huynh có con tốt nghiệp đợt tháng 4/2024 chia sẻ.

lay bang ky su hay cu nhan (2).JPG
Sinh viên, học viên trong phòng thí nghiệm môi trường, Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: Lê Nam

Bằng cử nhân kỹ thuật

Theo tìm hiểu, thông thường ở các trường đại học, sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo về Kinh tế, Quản trị - Luật, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học cơ bản… sẽ nhận được bằng cử nhân; thời gian đào tạo 3,5 - 4 năm. Với các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, có hàm lượng kiến thức liên quan nhiều tới thực hành, có tính ứng dụng cao, người học sẽ nhận bằng tốt nghiệp là kỹ sư. Thời gian đào tạo kỹ sư thường dao động 4 - 5 năm.

Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), từ khóa năm 2014 đến 2019 có 32 ngành cấp bằng kỹ sư, một ngành cấp bằng cử nhân (Quản lý công nghiệp) và một ngành cấp bằng kiến trúc sư (Kiến trúc). Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 (có hiệu lực từ 1/7/2019) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ (Nghị định 99) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, người học tốt nghiệp đại học sẽ được cấp bằng cử nhân. Một số ngành chuyên sâu đặc thù mới cấp bằng kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ...

Trong khi đó, khoản 1 Điều 38 của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 quy định: “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương”. Theo Nghị định 99, văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, dược sĩ, bác sĩ thú y, kỹ sư, kiến trúc sư.

Trong đó, trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù được quy định là người đã tốt nghiệp: Chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp THPT và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ đại học; chương trình có khối lượng học tập từ 90 tín chỉ trở lên đối với người có trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ GD&ĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, chương trình đào tạo đại học gồm 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 gồm 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành. Có thể hiểu rằng, bằng cử nhân được cấp cho người học chương trình đào tạo tối thiểu 120 tín chỉ; bằng kỹ sư được cấp cho người học chương trình đặc thù từ 150 tín chỉ trở lên.

Từ năm 2019, nhiều trường đã tiến hành cập nhật chương trình đào tạo kỹ sư đảm bảo tối thiểu 150 tín chỉ theo quy định. Bằng cử nhân và bằng kỹ sư là hai loại bằng sinh viên được cấp sau khi hoàn thành chương trình học đại học, nhưng có một số điểm khác nhau.

Bằng cử nhân là văn bằng đại học cơ bản, liên quan đến nhiều lĩnh vực như khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, kinh tế, kinh doanh, quản trị - luật… và có khối lượng học tập từ 120 đến dưới 150 tín chỉ; bằng kỹ sư là văn bằng đối với ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ với khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên.

Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, từ khóa 2019 đến nay, các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ đều cấp bằng kỹ sư do đã cập nhật các điều kiện về số tín chỉ của chương trình đào tạo theo quy định mới. Khối lượng học tập của chương trình đào tạo tất cả các khóa đều đúng theo quy định về khối lượng đào tạo tại khung trình độ quốc gia. Ví dụ, ngành Kỹ thuật Xây dựng ở trường được thiết kế trong vòng 4 năm tương ứng với 12 học kỳ (156 tín chỉ). Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng kỹ sư xây dựng.

lay bang ky su hay cu nhan3.jpg
Học sinh trải nghiệm STEM tại Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: Mạnh Tùng

Người học được lựa chọn

Từ năm 2023, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) tuyển sinh ngành Công nghệ Logistic và chuỗi cung ứng (Logtech). Đây là chương trình cấp bằng kỹ sư, có cấu trúc gồm 156 tín chỉ. Khác với ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (cấp bằng cử nhân) với 120 tín chỉ trước đó, Công nghệ Logistic và chuỗi cung ứng cấp hệ kỹ sư sẽ chuyên sâu về công nghệ trong lĩnh vực Logistics.

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và Tương tác UEH cho biết, ngành Logtech ở UEH sẽ tập trung vào đào tạo ra những kỹ sư có thể thiết kế, vận hành và điều khiển cũng như là đưa ra những ý tưởng trong các chuỗi cung ứng để làm sao các chuỗi cung ứng này có thể hoàn thành tốt nhất.

Theo đó, chương trình sẽ đưa cho các sinh viên ngành những kiến thức mới, hướng tiếp cận mới, hiện đại nhất, ví dụ như Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, IoT, điện toán đám mây, Big data.

Đó là một ví dụ cho thấy sự khác nhau giữa chương trình cử nhân và kỹ sư ở cùng một lĩnh vực. Trên thực tế, ở nhiều trường, trong cùng một ngành sẽ được cấp bằng cử nhân hoặc kỹ sư, tùy theo chương trình. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Văn Lang, ở nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ, đầu ra phần lớn là kỹ sư nhưng cũng có một số ngành vừa cấp bằng cử nhân (học 3,5 năm), vừa cấp bằng kỹ sư (học 4 năm) như Kỹ thuật Hàng không.

TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM, cho biết, theo quy định hiện hành, nếu chương trình đào tạo thiết kế lấy bằng cử nhân, sinh viên sẽ phải học tích lũy đủ tối thiểu 120 tín chỉ (áp dụng cho tất cả các ngành). Đối với một số ngành đặc thù, chuyên sâu (đa số là khối ngành kỹ thuật, công nghệ), nếu tích lũy từ 150 tín chỉ trở lên sẽ nhận được bằng kỹ sư.

Với Trường Đại học Công Thương TPHCM, sinh viên khối ngành công nghệ, kỹ thuật có thể tốt nghiệp lấy bằng cử nhân, sau đó nếu muốn lấy bằng kỹ sư thì phải học thêm tối thiểu 30 tín chỉ chuyên môn của ngành. Việc lựa chọn học chương trình cử nhân hay kỹ sư cũng được sinh viên quyết định lựa chọn ở đầu năm nhất.

Theo TS Thái Doãn Thanh, đây là một mô hình đào tạo giúp sinh viên tốt nghiệp đại học có thể lựa chọn lấy bằng cử nhân, hoặc học thêm để lấy bằng kỹ sư.

“Điều này rất tốt cho nhiều sinh viên bởi các em có thể học 3,5 năm lấy bằng cử nhân kỹ thuật, tham gia vào thị trường lao động, sau đó tiếp tục vừa làm vừa học để lấy bằng kỹ sư khi có nhu cầu. Trên thực tế, các học phần cho chương trình chuyên sâu thiên về thực hành, ứng dụng nên khi các em đã đi làm, có kỹ năng, kiến thức thực tế, việc học để lấy bằng kỹ sư cũng trở nên hiệu quả”, TS Thanh cho biết.

Tại Trường Đại học Cần Thơ, phần lớn các chương trình đào tạo thuộc các khoa: Khoa học Chính trị, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Luật… sẽ cấp bằng cử nhân với số tín chỉ yêu cầu trong chương trình là 141, đào tạo trong 4 năm. Với các ngành kỹ thuật, công nghệ thuộc các Trường Bách khoa, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Nông nghiệp, Trường Thủy sản, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm…, người học sau khi tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư. Chương trình đào tạo trong 4,5 năm với 161 tín chỉ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.